Vương cung thánh đường Chúa Hài Đồng. Ảnh: CTV |
Vương cung thánh đường Chúa Hài Đồng ở Goa. Ra đời năm 1605, tại cố đô Ấn Độ đồng thời là một trong bảy kỳ quan gốc Bồ trên thế giới và là Di sản nhân loại năm 1986. Lối kiến trúc cổ điển, tiêu biểu cho các nhà thờ truyền thống, có hình Thánh giá và được xây dựng tùy theo phong cách từng vùng. Cụ thể ở đây là phong cách bản địa Ấn Độ kết hợp với kiến trúc Baroque, Phục Hưng châu Âu. Công trình dài 55 mét (m), rộng 17 m, cao 18 m, được làm hoàn toàn từ đá, gồm các bức tường bằng đá ong laterite, các mảng điêu khắc trên tường bằng đá basalt - granite, trong khi sàn nhà được lát bằng đá hoa cương trắng, trên bề mặt còn khảm nhiều loại ngọc quý. Điểm thu hút nhất ở công trình khi mới thoạt nhìn là, phần mặt tiền có dạng đa tầng, mà chống đỡ các tầng ấy là những hàng cột trang nhã, cộng với các ô cửa sổ, các đường gờ đắp, trang trí gợi cảm. Cùng một lúc thấy cả năm phong cách từ Roman, Ionic, Doric, Corinthian tới tổng hợp. Bề ngoài cầu kỳ như vậy, song nội thất lại khá mộc mạc, tuy cũng có những hàng cột xẻ rãnh, những bệ thờ sơn son thiếp vàng…, song tất cả đều nhẹ nhàng, để tạo nên nhiều không gian quần tụ. Điểm lôi cuốn nhất bên trong ngoài kiến trúc là các tranh tượng ở khắp nơi, và là một bộ sưu tập mỹ thuật lớn nhất châu Á.
Vương cung thánh đường St. Thomas. Ảnh: CTV |
Vương cung thánh đường St. Thomas ở Tamil Nadu được xây dựng trên chính lăng mộ của thánh Thomas, và là một trong ba nhà thờ lớn duy nhất trên thế giới, nằm trên mộ phần thánh Tông đồ; hai nhà thờ còn lại là St. Peter Basilica tại Vatican Italy và Chính tòa Santiago de Compostela- Galicia Tây Ban Nha. Xuất hiện vào thế kỷ XVI, ở Chennai, mới đầu công trình theo kiểu Neo-Gothic Bồ Đào Nha, nhưng đến năm 1893 thì đổi mới sang kiểu Anh, và có diện mạo luôn sáng ngời nhờ bằng đá trắng. Nhà thờ còn rất nổi bật từ xa vì cao đến 63 m với nhiều tháp nhọn liên hoàn. Mọi sự bắt đầu vào năm 52, khi St. Thomas (tiếng Bồ là San Thome) đến Mylapore và tới năm 78 thì ngài bị một số kẻ cuồng tín sát hại. Tại đỉnh St. Thomas, người dân đã làm một phần mộ, rồi xây dựng một thánh đường trên đó, đến năm 1606 trở thành nhà thờ lớn, năm 1896 thành Chính tòa và năm 1956 thành Vương cung thánh điện. Tựu chung, đây là một quần thể, có cung, phòng nguyện, lăng mộ và bảo tàng nghệ thuật. Nhà thờ có hai tòa tháp thì tháp nhỏ hơn là nơi an nghỉ của St. Thomas. Trên nhiều ô cửa kính màu có tranh ghép tả về cuộc đời của ngài, và đặc biệt là phút giây ngài được chứng kiến Chúa Kitô Phục sinh lên trời. Gần đó là khu trưng bày di thể St. Thomas, ví dụ một mảnh xương hay một mũi giáo đã đâm ngài tử thương…
CHU MẠNH CƯỜNG