Văn hóa nghệ thuật

Ấn tượng Ninh Thuận

Cập nhật lúc 10:28 24/10/2017
Làng gốm Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng nam, thuộc loại làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, mang đặc tính gốm truyền thống dân tộc Chăm.
Bầu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Ảnh: Văn Hải
Bầu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Ảnh: Văn Hải
Làng có mỏ đất dẻo và mỏ cát mịn do phù sa sông Quao tạo nên. Ðất và cát này pha vào nhau theo những tỉ lệ nhất định tạo nên những sản phẩm gốm bóng mịn, không rạn nứt. Người dân Bầu Trúc dùng đôi tay để tạo sản phẩm, không dùng bàn xoay. Hình thù và hoa văn trang trí của sản phẩm mộc mạc, gần gủi, nhẹ nhàng. Sản phẩm được nung trong lò nung lộ thiên ở nhiệt độ 500 - 6000C khoảng 6 giờ, rồi được lấy ra để phun màu, sau đó được nung thêm vài giờ nữa. Gốm Bầu Trúc có màu sắc đặc trưng lá cây rừng (vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu non chế biến từ lá rừng), mang theo nét văn hóa Chămpa. Dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn ông, người dân làng gốm lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch). Nhà nước đã đưa nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, giáp với tỉnh Khánh Hòa, ba mặt giáp biển (phía bắc là phần dưới của vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, phía đông và nam là biển Đông, phía nam là đầm Nại), tổng chiều dài 60km, phía tây giáp quốc lộ IA dài 30km. Địa chất, thổ nhưỡng vườn khá đa dạng, gồm đất bạc màu trên đá Magma acid và cát ở độ cao dưới 700m, đất xám nâu vàng bán khô hạn phân bố ở vùng bán sơn địa, đất vàng đỏ trên đá mẹ magma acid tập trung nhiều ở vùng núi cao trên 700 m, đất cát ven biển, đất phù sa ở một số suối lớn, đất mặn đầm lầy quanh đầm Nại... Vườn quốc gia Núi Chúa có trên 1.500 loài thực vật, trong đó có 60 loài quý hiếm ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới; 330 loài động vật có xương sống trên cạn, với 84 loài thú, 160 loài chim và 80 loài bò sát lưỡng cư (trong đó có 46 loài quý hiếm ghi tên trong Sách đỏ), 350 loài san hô (trong đó có 40 loài là phân loài mới tại Việt Nam và trên 300 loài cứng tạo rạn. 190 loài rong biển (phong phú nhất là rong đỏ). Đặc biệt, vườn là nơi hiếm hoi có rùa biển lên đất liền sinh sản (rùa xanh, vích, đồi mồi, rùa đầu to, rùa da). Nói đến Vườn quốc gia Núi Chúa có các vị trí hấp dẫn. như Hang Rái kỳ ảo (“thác trên biển” duy nhất ở Việt Nam); đỉnh núi Cô Tuy có độ cao 1.040m (điểm ngắm trời mây non nước); khu biển Vĩnh Hy (lặn ngắm san hô); vườn nho mênh mông của người dân địa phương; bãi Nước Ngọt; hồ Đá Vách ở độ cao 236m...

HẢI VÂN
Thông tin khác:
Tiệc cưới hướng nước trời (23/10/2017)
5 tu viện đẹp nhất thế giới (18/10/2017)
Ấn tượng Phú Yên (12/10/2017)
Bọn tá điền đánh giết (11/10/2017)
Đèn ông sao ở làng Công giáo Báo Đáp (10/10/2017)
Tìm về một Sài Gòn xưa cũ... (09/10/2017)
Vương cung thánh đường Têrêsa Hài Đồng Giêsu (06/10/2017)
Ấn tượng Khánh Hòa (05/10/2017)
Vâng nhưng không làm việc (03/10/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log