Văn hóa nghệ thuật

Đèn ông sao ở làng Công giáo Báo Đáp

Cập nhật lúc 13:46 10/10/2017
Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) xưa nay nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao. Dù đứng trước cơn lốc của thị trường đèn nhựa Trung Quốc và nguy cơ làng nghề bị mai một, vẫn có những người Báo Đáp tâm huyết nỗ lực gìn giữ nghề của cha ông để lại.

Là một làng toàn tòng Công giáo, Báo Đáp hiện còn khoảng 800 hộ gia đình, thuộc Đền Thánh Báo Đáp, một giáo xứ lớn của giáo phận Bùi Chu. Ngoài nghề chính là trồng lúa, người dân nơi đây còn có hai nghề rất xa xưa là làm đèn ông sao và làm hoa vải.

Trước Trung Thu cả tháng, về thăm Báo Đáp, tìm đến những hộ gia đình còn làm đèn ông sao, chúng tôi được biết, ngày trước hầu như nhà nào cũng làm nghề này, song đến bây giờ chỉ có khoảng 100 hộ trụ lại, nằm rải rác trong làng.

Khi hỏi nghề làm đèn có từ bao giờ, ông Phạm Đình Thảo, 55 tuổi, giáo dân trong xứ cho biết, Báo Đáp là đất làng nghề được ông cha để lai, từ ngày có làng thì có nghề này. Ban đầu các cụ làm bằng giấy pơluya mỏng, đóng cửa làm trong buồng để giấu nghề, nhưng chẳng giấu được mãi, dần dần cả làng làm theo, cứ thế truyền qua bao thế hệ cho tới nay.

Ra giêng, tầm mùng 10 là người dân đã rục rịch chuẩn bị vật liệu. Nứa được lấy từ Thanh Hóa mang về ngâm trong ao hơn 3 tháng, vớt lên phơi khô, sau đó bó vào rồi ngồi chẻ từng cái một làm khung đèn. Giấy bóng kính cũng được cắt sẵn, in họa tiết trang trí, với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Ông Nguyễn Văn Thanh, 45 tuổi, thuộc xóm 2 kể: “Nhà có 5 người, gần tới Trung Thu thì xúm lại làm, mỗi người một công đoạn, từ buộc khung, dán giấy bóng kính, dán riềm trang trí, đến buộc vành đèn, gắn cán… Hầu như mọi công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn”. Mỗi mùa như thế, gia đình ông Thanh làm khoảng hơn vạn cái, lấy công làm lời, lãi cũng hơn chục triệu đồng.

Ngoài làm tại nhà, gia đình ông Hoàng Trung Tín ở xóm 4 còn khoán cho người khác. Tính chung tất cả mùa này, nhà ông làm được hơn 5 vạn chiếc. Ông bảo, đèn bây giờ làm đơn giản hơn xưa rất nhiều. Trước đây, các cụ làm được chiếc đèn rất cực, sau đó phải chống cho phồng lên, cột thành chùm vào xe đạp 100 cái, chở lên Hà Nội bán.

Nghe mọi người nói năm nay đèn ông sao được giá ai cũng phấn khởi. Ngặt nỗi, mùa được giá thì lại “cháy đèn” không có để gởi cho đại lý. Nhiều gia đình cố thức đến một hai giờ sáng làm thêm. Ông Nguyễn Văn Tâm, 52 tuổi cho hay, đèn năm nay bỏ sỉ cũng được 3.000-3.500 đồng/cái. Mỗi cái như vậy lời khoảng 1000 đồng. Đèn làm xong sẽ đóng thành cây (mỗi cây 400-500 cái), đem đi phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Nghề làm đèn ông sao cũng có những khó khăn nhất định. Người làm phải tính toán sao cho mùa nào bán hết mùa đó, không để tồn lại bởi đèn có độ bền không cao, dễ gãy và mối mọt ăn. Chưa kể đầu ra không ổn định. Yếu tố quyết định nữa là thời tiết, như lời một cư dân trong làng: “Làm suốt từ Tết mà chỉ trông vào 10 ngày trước rằm, ai cũng cầu xin cho trời nắng ráo chứ mưa một cái là méo mặt hết với nhau”. Không những thế, trước cơn lốc của đèn nhựa Trung Quốc, người làm đèn truyền thống cũng cảm thấy lao đao. Nỗi lo nghề dần mai một là tâm tư chung của nhiều người.

Làng Báo Đáp có 8 giáp, 1 họ, giáo dân sống đạo sốt sắng, sáng lễ chiều kinh, quảng đại tinh thần bác ái. Mỗi mùa Trung Thu, nhiều gia đình ủng hộ đèn để các cha làm quà cho thiếu nhi. Là cái nôi sản xuất đèn ông sao, làng Báo Đáp vào đêm rằm tháng 8 vẫn giữ truyền thống tổ chức rước đèn cho trẻ, tạo cho các em có một cái Tết thiếu nhi thật ý nghĩa.

Chính sự chịu cực, chịu thương chịu khó, các vị tiền nhân đã để lại cho con cháu Báo Đáp một nghề truyền thống tuy bình dị nhưng thắm đượm hồn quê. Vậy nên trước nguy cơ mai một, trong tâm tưởng của các cụ, những người đã gắn bó một đời với nghề làm đèn ông sao, có gì đó nuối tiếc và man mác buồn, song vẫn hy vọng nhiều người không lãng quên và luôn nâng niu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhã Văn
Theo Báo Công giáo và Dân tộc

Thông tin khác:
Tìm về một Sài Gòn xưa cũ... (09/10/2017)
Vương cung thánh đường Têrêsa Hài Đồng Giêsu (06/10/2017)
Ấn tượng Khánh Hòa (05/10/2017)
Vâng nhưng không làm việc (03/10/2017)
Sách xưa được ưu ái giữa lòng phố (02/10/2017)
Bí ẩn cuộn giấy da Laurentius Loricatus ở Vatican (29/09/2017)
Bí Ẩn 10 Phép Lạ Tôn Giáo Khoa Học không thể giải thích (28/09/2017)
Hành hương Lisieux (26/09/2017)
Ông chủ vườn nho (25/09/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log