Quang cảnh Hội nghị Trung Giã (4/7/1954). Ảnh: TL |
Bến nước Bình Ca thuộc xã Bình Ca, nay có tên là xã Vĩnh Lợi, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trong Chiến dịch thu - đông năm 1947, Tiểu đoàn 42 bắn chìm một pháo thuyền Pháp trên sông Lô và đánh lui một trận đổ bộ của chúng vào sáng ngày 13/10/1947, tiêu diệt 20 tên giặc, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía tây Việt Bắc, làm chủ con đường huyết mạch Bình Ca - Thái Nguyên, nối vùng tự do rộng lớn với nhau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Bình Ca là trận mở đầu cho những chiến thắng rực rỡ khác trên sông Lô”. Sau này Bình Ca trở thành một bến phà chiến lược quan trọng nối quốc lộ 37 từ Thái Nguyên qua bến Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, sang xã An Khang gặp quốc lộ 2 tuyến Tuyên Quang - Hà Nội ở km 5. Quốc lộ 37 tiếp tục chạy qua Mỹ Lâm đi Yên Bái, rồi một số tỉnh thông với Điện Biên. Ngày 22/2/2019, công trình bắc cầu Bình Ca vượt sông Lô, kết nối toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Cà Mau. Trong tương lai, khi ngành du lịch tỉnh mở tuyến du lịch bằng thuyền trên sông Lô, chắc chắn Bình Ca sẽ là điểm tham quan hấp dẫn.
Hội nghị Trung Giã diễn ra tại xã Trung Giã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. giữa đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Quân đội Pháp để ra các quy chế trao trả tù binh, thường dân bị bắt trong chiến tranh, và việc tiếp quản các thành phố, diễn ra từ 4/7/1954 đến 3/ 8/1954. Hội nghị Trung Giã lại có tầm quan trọng lớn bởi nó phải giải quyết vấn đề ngừng bắn của cuộc chiến tranh. Khi mất Điện Biên Phủ, Pháp lo cho số phận 1.000 thương binh bị bắt. Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu các lực lượng Pháp do Đại tá Lennuyeux làm trưởng đoàn. Trong các bài diễn văn mở đầu, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và Đại tá Lennuyeux đều bày tỏ mong muốn chiến tranh chấm dứt và hợp tác chân thành với nhau để hội nghị đi đến kết quả. Mục đích của hội nghị là bàn vấn đề thực hiện ngừng bắn, nhưng đoàn Pháp đề nghị trước hết bàn vấn đề tù binh vì đó là vấn đề nhân đạo.