Hình ảnh về tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam đầu thế kỷ 20. Ảnh: CTV |
Tham vọng của người Pháp khi xây dựng tuyến đường sắt Điền - Việt là nhằm hỗ trợ việc khai thác tài nguyên của vùng Tây Bắc (Việt Nam) và vùng Tây Nam (Trung Quốc), nơi được coi là kho khoáng sản, lâm sản vô tận và giàu có nhất; đồng thời, thúc đẩy quá trình hình thành các đô thị nơi đường sắt đi qua như: Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, Lao Kay (Lào Cai)… (Việt Nam) và Hà Khẩu, Tân Cai, Kiến Thủy, Trình Cống rồi vươn lên tận Côn Minh (Trung Quốc). Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, tuyến đường sắt Điền - Việt ra đời là yếu tố quan trọng để tỉnh Lao Kay (Lào Cai) được thành lập vào ngày 12/7/1907.
Năm 1893, chính phủ Pháp ký kết thỏa thuận với triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) “Chương trình hội đính đường sắt Điền Việt Trung - Pháp", theo đó cho phép nước Pháp hay các công ty của Pháp có quyền xây dựng một tuyến đường sắt từ biên giới Bắc Kỳ (Việt Nam) đến Côn Minh. Ngay sau thỏa thuận được ký kết, người Pháp đã phái các kỹ sư tới thăm dò tuyến đường, vẽ đồ án thiết kế. Tháng 9/1899, Ngân hàng Hội Lý Đông phương do Pháp đứng đầu cùng một số công ty khác thành lập Công ty đường sắt Điền - Việt để bao thầu và thu hút vốn xây dựng tuyến đường, đoạn từ Hải Phòng đến Lào Cai gọi là “Việt đoạn”; đoạn từ Hà Khẩu đến Côn Minh gọi là “Điền đoạn”.
Tuyến đường sắt Điền - Việt có khổ rộng đường ray 1 m, chiều dài toàn tuyến 855 km; đoạn đường nằm ở lãnh thổ Việt Nam dài 389 km, đoạn ở lãnh thổ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài 466 km, toàn bộ kinh phí xây dựng tuyến đường gần 159 triệu franc. Đầu năm 1901, đoạn Hải Phòng - Hà Nội dài 102 km được khởi công, ngày 16/6/1902, đường sắt này được đưa vào khai thác; đoạn Hà Nội - Việt Trì dài 67 km được khai thác vào ngày 10/3/1903; đoạn Việt Trì - Yên Bái dài 83 km được khai thác ngày 1/7/1904; đoạn Yên Bái - Lào Cai dài 140 km được khai thác ngày 1/2/1906. Ngày 1/4/1910, đường sắt Hải Phòng - Côn Minh (đường sắt Điền - Việt) được khánh thành. Một thế kỷ xây dựng, khai thác, tuyến đường sắt này đã đóng vai trò to lớn với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc. Hầu hết đô thị vùng biên giới Lào Cai - Vân Nam đều hình thành và phát triển gắn chặt với sự hưng thịnh và phát triển của tuyến đường sắt này.
Đường sắt Điền - Việt là một trong những công trình khó khăn nhất trong lịch sử thế giới cận đại, toàn tuyến có độ dài 855 km, nhưng trên đó tất cả có 178 cây cầu, 153 đường hầm đi qua những vùng núi non hiểm trở. “Đường sắt Điền - Việt mỗi chiếc đinh là một giọt máu, mỗi khúc tà vẹt là một mạng người”, đó là câu nói của một nhà sử học đã làm xúc động hàng trăm trái tim các đại biểu tại Hội thảo 100 năm đường sắt Điền - Việt.
Theo những tài liệu còn lưu lại, để xây dựng tuyến đường xe lửa này, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã phải huy động tới 70.000 phu, thợ là người Việt Nam và Trung Quốc (số phu, thợ người Vân Nam và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc khoảng 23.000 người) cùng với gần 200 kỹ sư người Pháp. Ở Việt Nam từ năm 1903 - 1907, đã có gần 30.000 người của 15 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ bị bắt làm phu đưa đi xây dựng đường sắt Điền - Việt. Những năm sau đó, Công ty Xây dựng Đường sắt Đông Dương vẫn thường xuyên tuyển mộ công nhân người Việt.
Năm 1910, sau khi hoàn thành 855 km đường sắt Điền - Việt, đã có trên 230.000 người tham gia xây dựng tuyến đường này và có đến 12.000 người bị chết do bệnh tật, đói rét và tai nạn; trong đó có 80 kỹ sư và quan chức người Pháp. Một số nhà nghiên cứu về giao thông trên thế giới đã tổng kết: Đường sắt Điền - Việt cùng kênh đào Panama, kênh đào Suez được liệt vào danh sách ba công trình khó khăn, tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngay từ ngày đầu hình thành, đường sắt Điền Việt đã tạo ra diện mạo mới cho vùng biên ải xa xôi của hai nước Việt - Trung. Đối với Việt Nam, đoạn đường sắt Điền - Việt từ Hải Phòng đi Lào Cai khai thông, được ví như mạch máu giao thông hiện đại nối liền cảng biển Hải Phòng với trung tâm kinh tế Hà Nội và vùng miền núi xa xôi Tây Bắc, thúc đẩy các cơ sở công nghiệp, các đồn điền phát triển mạnh. Những nông dân bị bần cùng hóa những năm đầu thế kỷ XIX từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định cũng lên các tỉnh miền ngược có đường sắt đi qua, như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, sinh sống khá đông. Dọc tuyến đường sắt đi qua hình thành các nhà xưởng lắp ráp, sửa chữa bảo trì toa xe, đầu máy như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, đề pô Yên Bái, đề pô Phố Mới và là một trong những yếu tố hình thành các tỉnh thành, các đô thị mới dọc theo đường sắt và tham gia vào quá trình bần cùng hóa nông dân Bắc Bộ, biến họ thành giai cấp vô sản. Đây cũng được coi là cái nôi rèn luyện, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, nơi có nhiều hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng của các chi bộ Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Để đáp ứng yêu cầu khai thác thuộc địa, mở thông vùng ảnh hưởng và thu nguồn lợi lớn qua cửa khẩu với khu vực Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, đặc biệt khi Trung tâm của Đạo Quan binh số 4 Lao Kay nằm trên tuyến đường sắt trên đã hội đủ các điều kiện cần có cho một thủ phủ cấp tỉnh, việc thành lập tỉnh dân sự thay thế cho hình thức quản lý quân sự được đặt ra. Sau khi tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai thông tuyến, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ Đạo Quan binh số 4 Lao Kay để thành lập tỉnh dân sự Lao Kay vào ngày 12/7/1907. Khi mới quy hoạch tỉnh lỵ, năm 1907, dân số tỉnh lỵ Lao Kay chưa đầy 1.000 người. Năm 1928, đô thị Lào Cai có trên 3.000 người, đến năm 1944, có hơn 12.000 người. Theo Công báo Đông Dương còn lưu giữ tại Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, đô thị Lao Kay là đô thị thứ ba ở Bắc Kỳ được sử dụng ánh sáng điện (sau thành phố Hà Nội và cảng Hải Phòng). Tại đây có nhà máy phát điện với 2 máy phát điện đặt tại phố Lao Kay và phố Cốc Lếu. Điện chủ yếu dùng thắp sáng và sản xuất đá, làm kem. Có lẽ, người Lao Kay cũng là trong số người được thưởng thức kem sớm trên đất Đông Dương thuộc Pháp.
Điều đó cho thấy, tuyến đường sắt Điền - Việt góp phần rất quan trọng trong việc hình thành một Lào Cai sầm uất như hôm nay. Đề pô Phố Mới xưa đã trở thành Ga Quốc tế Lào Cai đón đưa các chuyến tàu liên vận ngược xuôi.
Đường sắt Điền - Việt đã đánh thức vùng Tây Bắc, con đường tơ lụa mà những thương gia và linh mục xưa vẽ thành hiện thực. Sau hơn một thế kỷ đấu tranh, xây dựng và phát triển cùng công cuộc đổi mới, tuyến đường sắt được nâng cấp, đường bộ cao tốc đi vào vận hành, cảng hàng không đang được triển khai, điều kiện cần và đủ để Lào Cai trở thành “cây cầu lớn” cho một vành đai kinh tế đầy triển vọng. Lào Cai - cửa ngõ biên giới phía Bắc của đất nước đang trên đà hội nhập và nâng tầm vị thế mới.