Lễ an táng Bá tước Orgaz hiện lưu giữ tại nhà thờ Santo Tomé, Toledo, Tây Ban Nha. Ảnh: CTV |
Đó là một trong những tác phẩm đẹp nhất của ông mô tả một câu chuyện nổi tiếng ở địa phương nơi ông sinh sống. Bức tranh được mệnh danh là “một trang trung thực nhất của lịch sử Tây Ban Nha.”, là một tác phẩm kinh điển của nghệ thuật Phương Tây thời kỳ hậu Phục Hưng, và là điển hình của phong cách nghệ thuật theo trường phái mang tên chính họa sĩ Greco.
Chủ đề của bức tranh lấy cảm hứng từ một huyền thoại lưu truyền từ thế kỷ XIV. Huyền thoại nói rằng một người tên là Don Gonzalo Ruiz de Toledo, thị trưởng của thành phố Orgaz, dòng dõi của gia đình quý tộc Palaiologos dưới thời Byzantine. Gia đình ông được phong bá tước nên ông cũng thừa hưởng danh hiệu đó. Ông là người nhân đức, hay làm từ thiện. Ông đã hiến món tiền lớn để mở rộng nhà thờ giáo xứ Orgaz, và có nguyện vọng được chôn cất ở đó.
Theo truyền thuyết thì khi chôn cất bá tước Don Gonzalo Ruiz de Toledo thánh Stephen và thánh Augustine từ trên trời hiện xuống tự tay khâm liệm cho bá trước trước con mắt kinh ngạc của mọi người dự lễ tang. Điều đặc biệt là họa sĩ đã vẽ các nhân vật của thế kỷ XIV, kể cả thánh Stephen và thánh Augustine cũng ăn mặc theo phong cách của thế kỷ XVI để mang vẻ “hiện đại”. Sự “hiện đại hóa” phù hợp với quan điểm giáo lý của cải cách tôn giáo, có mục đích giáo dục, nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tôn kính thánh thần và những hành động cứu rỗi linh hồn.
Đức Giám mục Andres Nunes của xứ Santo Tome đã yêu cầu vẽ bức tranh để trang trí cho nhà nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh và đó là nỗ lực cuối cùng của ông dành cho xứ đạo. Ngay từ năm 1588 người ta đã đổ xô về Santo Tome để chiêm ngưỡng bức tranh. Bức tranh không những được đón nhận vì nghệ thuật mà còn vì nó là bộ sưu tập những khuôn mặt xuất chúng đương thời được ông mô tả chân thực trong bức tranh như những người tham gia lễ an táng nhà quý tộc, đúng như điều khoản trong hợp đồng vẽ tranh đã quy định. El Greco muốn tỏ lòng kính trọng đối với giới tinh hoa về tinh thần, các quan chức, các thẩm phán, những nhà thơ và những nhà trí thức đã đề cao ông và ngưỡng mộ nghệ thuật của ông. Nói về bức tranh, Francisco de Pisa (1534-1616) một sử gia và nhà văn đã từng viết: “Những con người của thành phố chúng ta không bao giờ già (…) đó là chân dung thực tế của những con người xuất chúng trong thời đại của chúng ta.”
Đây là bức tranh lớn chia làm hai phần, phần trên mô tả Thiên Đường, phần dưới mô tả đời thực, nhưng ít gây cảm giác phân chia vì hai phần được bố trí hòa quyện với nhau. Những đám mây bạc tượng trưng choThiên đàng, trung tâm là bộ ba truyền thống Đức Giêsu trong bộ áo trắng, Người đang tỏa ánh sáng, Đức Mẹ Joan Tẩy Giả, xung quanh là các thánh tông đồ. Đối diện với Đức Mẹ là linh hồn của bá tước đang được đón nhận nơi Thiên đàng. Trái lại phần dưới bức tranh tả thực lễ an táng có đủ mặt các nhân vật xuất chúng đương thời, trong đó có cả bức chân dung tự họa của chính tác giả (người đứng thứ 6 từ trái sang ở hàng trong, ngay trên cánh tay giơ lên của kỵ sĩ xứ Order của Santiago), góc dưới bên trái còn có một cậu bé được cho là con trai của tác giả, trên chiếc khăn tay của đứa bé đút nửa vời trong túi để lộ chữ ký của tác giả và con số 1578 là năm sinh của đứa trẻ.
Mặc dù có những cách tiếp cận khác nhau về ảnh hưởng của bức tranh, người ta vẫn thống nhất cho rằng đây là một kiệt tác của nghệ thuật và học thuật, một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của họa sĩ El Greco. Năm 1940 nhà nước Tây Ban Nha còn phát hành tiền giấy có hình ảnh vị thánh cúi nhìn bá tước ở trung tâm của bức tranh, điều đó đủ thấy bức tranh được đánh giá cao như thế nào.