Một góc cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Xuân Phúc |
Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, trên trục quốc lộ 1A chạy về các tỉnh miền Tây Nam Bộ được khởi công ngày 6/7/1997 và hoàn thành ngày 21/5/2000. Đây là cây cầu văng dây đầu tiên được xây dựng ở nước ta, món quà của nhân dân Úc tặng nhân dân Việt Nam, Dây văng của cầu theo hình rẻ quạt có hai mặt phẳng cách nhau 18,6m; tổng chiều dài 22 nhịp 1.535m; khổ thông thuyền 37,5m x 110m; khổ cầu 4 làn xe cơ giới, 2 lề bộ hành tổng cộng rộng 23m; tải trọng thiết kế theo tiêu chuẩn 22 TCN 18-79 của Việt Nam. Cầu Mỹ Thuận giúp việc nối kết Tiền Giang và Vĩnh Long các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối trực tiếp với thành phố Hồ Chí Minh mà không cần phải đi theo đường thủy, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ngoại giao trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Với kiểu dáng kiến trúc hiện đại, cầu Mỹ Thuận còn tạo nên cảnh đẹp trên vùng sông nước miền Tây của Tổ quốc.
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, cũng là cầu dây văng hiện đại, có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, được khởi công xây dựng ngày 25/9/2004 và hoàn thành năm 2010 bằng vốn vay và kỹ thuật Nhật Bản. Toàn tuyến cầu dài 15.85km, gồm nhịp cầu chính (dài 2,75km) và các đường dẫn vào cầu, chiều cao 175.3m, chiều ngang 23,1m với 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m cùng với 2 lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m. Từ trên cao nhìn xuống hệ thống dây văng của cầu tựa như mái tóc dài của cô gái đang tuổi xuân xõa xuống dòng sông. Cầu Cần Thơ góp sức vào việc kết nối thông phần còn lại của vựa lúa Nam Bộ, mở toang cho 7 tỉnh tiểu vùng Tây sông Hậu gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, hàng năm sản xuất trên 11 triệu tấn lúa, chiếm 54,1% tổng sản lượng lúa và gần 1 triệu tấn thủy sản, chiếm 52,4% sản lượng thủy sản cả vùng châu thổ Nam Bộ. Đây cũng là công trình giao thông tạo thêm vẻ đẹp hiện đại cho miền Tây Nam Bộ.