Nha Trang xinh đẹp và mộng mơ (ảnh sưu tầm) |
Khi đặt chân đến thành phố này, trái tim và trí nhớ của tôi như mách bảo, đọc thơ và nhạc của những bậc tài danh viết về Nha Trang xưa và nay.
"Tôi đến Nha Trang ngắm trời mây
và biển đẹp
Có hay đâu trong hang Pác Bó gió lùa.
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ"
(Chế Lan Viên trong bài thơ
"Người đi tìm hình của nước")
Ôi Nha Trang mùa thu lại về
Trong nụ cười và trong tiếng hát say mê
(Nha Trang mùa thu lại về,
Lời trong ca khúc của Văn Ký)
Ít ngày ở đây, khi vào Thư viện tỉnh Khánh Hòa, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo tôi còn “nhặt” được hàng chục câu ca dao, đoạn văn viết về Nha Trang nữa:
- Khánh Hòa biển rộng non cao
Trầm hương vạn giã, yến sào Nha Trang
- Biển Nha Trang mịn màng trắng trẻo
Nước trong leo lẻo gió mát trăng thanh
Đêm đêm thơ thẩn một mình
Đố sao cho khỏi vương tình nước mây
- Bao giờ Hòn Tử bẻ tư
Biển Nha Trang cạn nước anh mới từ nghĩa em
Thơ, nhạc và ca dao nói về vẻ đẹp của Nha Trang là vậy! Còn văn… thì nhiều lắm, có tới ngàn vạn trang tùy bút, bút ký, truyện ngắn, tản văn viết về thành phố biển này. Tôi chỉ xin chép một đoạn ngăn ngắn của cố thi sĩ Quách Tấn.
"Vẻ đẹp của bãi biển Nha Trang, giá trị của bãi biển Nha Trang mỗi lúc mỗi khác. Buổi sáng bao nhiêu là ánh ngọc ngà châu báu trở thành một tấm sa tanh thêu kim tuyến căng phơi… Buổi chiều, tất cả biển trời cây đá đều trở thành gấm vóc mà bên ngoài trùm một tấm màn sa bạch mỏng và sưa (trích trong tập "Quách Tấn - Xá Trầm Hương"
Sau hơn 30 năm xây dựng, Nha Trang trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng. Năm 2003 câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới đã công nhận Vịnh Nha Trang là thành viên thứ 29 của các vịnh đẹp nhất thế giới. Các danh thắng nổi tiếng phải kể là Tháp Bà Ponagar, bãi biển, dinh Bảo Đại, Viện Pasteur, Viện Hải Dương học, Làng hoa hậu Việt Nam, Cầu Bóng, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Yến…
Đã là thành phố du lịch có bãi biển đẹp đứng vào hàng thứ thiệt thế giới, hẳn nhu cầu vui chơi giải trí phải phát triển. Năm 1926 cả thành phố Nha Trang chỉ có một hotel hai tầng ở 40 Trần Phú do người Pháp xây có tên Grand Hotel Rivage. Sau này có thêm khách sạn Duy Tân 3 tầng, khách sạn Thống Nhất 2 tầng. Từ năm 1996 có thêm khách sạn Lodgde cao 13 tầng, rồi lần lượt có khách sạn 18 tầng, 30 tầng. Hiện nay Havana cao tới 45 tầng, được coi là khách sạn cao nhất TP Nha Trang, được đưa vào sử dụng từ 1/2013. Khách sạn này có nhà hàng Stafline có ba mặt ngắm ra biển, hồ bơi trên cao, tháp đậu ô tô tự động theo công nghệ Đức chứa 200 ô tô loại từ 4 đến 7 chỗ ngồi. Đặc biệt có đường hầm dưới lòng đường Trần Phú nối từ khách sạn ra biển.
Rời khách sạn Havana tôi tới thăm hồ cá Trí Nguyên - Từ cảng biển Nha Trang nhìn theo hướng Đông Nam ngay trước mắt là đảo Trí Nguyên. Trong lòng đảo tồn tại một hồ cá. Người dân ở đây gọi là hồ cá Trí Nguyên, được làm vào năm 1997, công ty du lịch Khánh Hòa đã đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng thành hồ thủy cung Trí Nguyên, thiết kế theo hình dáng một con tàu cổ khá độc đáo. Con tàu được chia thành ba tầng, tầng trệt có hồ nuôi cá, tầng hai làm nơi bán đồ lưu niệm, mỹ nghệ và nhà hàng nằm ở tầng ba. Trên boong tàu là cột buồn và khẩu súng thần công. Đây cũng là vị trí lý tưởng để du khách ngắm trên cao.
Đến khu du lịch tầu ngầm Nha Trang với diện tích 15ha, thuộc núi Cù Hin, xã Phương Đồng, TP Nha Trang được xây dựng từ năm 2016. Khu du lịch chia làm 5 tiểu khu gồm khu sinh thái ven suối và rừng, con đường Việt Nam, công viên đá nghệ thuật xanh. Trong đó có công trình xây dựng tàu ngầm Ki lô Khánh Hòa theo tỷ lệ 1-1 với chiều dài 70m, rộng 12m, cao 10m, nửa thân tầu lấp sau hai dãy núi, vỏ ngoài dày 15cm, ngoài ra còn xây dựng các hệ thống chân vịt và các loại vũ khí chiến đấu, tên lửa, ra đa, ụ pháo. Trên không dành một khoảng không gian với bề rộng gần 8m để ngắm khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Phía trong lòng tầu ngầm được thiết kế mới thật rất ấn tượng là đều làm bằng vật liệu polisiua cùng nhiều họa tiết trang trí các loại rượu danh tiếng trên thế giới, trong đó có rượu cần của đồng bào dân tộc miền núi của Việt Nam. Khu du lịch tầu ngầm trên cạn nét độc đáo, chỉ có Nha Trang mới có. Hồ cá khu thủy cung nuôi các loại cá như cá ngựa, cá chim. Đặc biệt có dựng mô hình con cua khổng lồ, mỗi con nặng 5 tấn.
Là một nhà thơ, tôi vốn thích đi thăm thú cảnh biển trời, sông nước, lâu đài, thành cổ, nhà cổ, bảo tàng… Nhưng một số văn nghệ sĩ ở Nha Trang công tác ở Hội liên hiệp VHNT Khánh Hòa ngỏ ý nhắc tôi phải đi thăm ông tổ ngành Y học tây y đến Việt Nam đó là khu tượng niệm bác sĩ A.YERISIN. Một bác sĩ người Pháp sinh ngày 22/9/1863, mất ngày 1/3/1943, khu tưởng niệm A.YERISIN ở Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Ông là người đặt nền móng cho nền Tây y của nước ta, cũng là người đầu tiên khám phá cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt - Lâm Đồng ngày nay) và tìm ra con đường từ Trung Bộ sang Campuchia. A.YERISIN cũng là người hiệu trưởng và người đầu tiên thành lập trường Y Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội. Ngoài phần mộ, khuôn viên còn có miếu thờ ông và cây lá, cỏ hoa với diện tích trên 1000m2. Ở thành phố Nha Trang còn nhiều điểm hẹn, điểm đến lý tưởng khắc sâu ấn tượng. Nếu chỉ ở đây một hai tuần thăm thú không xuể. Tôi đành thứ lỗi với Nha Trang.
LÊ HÔNG THIỆN