Bởi vậy nó được mang tên là tuyết. Nhiều người lầm tưởng danh từ chè Shan là tên gọi chè núi của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhưng thực ra nó là địa danh vùng núi bang Shan thuộc Myanmar ngày nay.
Điều khác thường của chè cổ thụ là dù được chế biến thành các loại trà xanh, vàng, hồng…cùng với tẩm ướp các hương vị khác như hương nhài, hương ngâu, hương bưởi… Hớp nước chè cổ thụ có hương thơm thoang thoảng, chạm môi vào chén trà cổ thụ thấy vị đắng nhẹ rồi dần dần chuyển sang vị ngọt, bùi. Khác mọi loại trà là dù sao chế bằng cách nào thì bên ngoài vẫn giữ nguyên lớp lông tơ trắng. Các loại chè dù dùng tươi hay sao tẩm nhưng khi uống tinh thần tỉnh táo, hết khát, lợi tiểu, tiêu hoá tốt, giải độc giảm huyết áp, tan mỡ, giảm cân, phòng chống bệnh tim và chống lão hoá. Vì chỉ sống trên núi cao hoang dã, quanh năm chống chọi với giá rét, băng tuyết, gió lốc, hấp thụ khí trời trong lành và rễ cây kiên trì chắt bòn mùn cùng khoáng chất trong kẽ đá nên mọi chỉ số trên ở chè Shan cổ thụ có giá trị cao hơn hẳn chè trồng.
Trong gần 7.350 ha chè của Lào Cai thì chè Shan tuyết cổ thụ chỉ có 76 ha và hàng ngàn cây phân tán trong rừng già trên các vùng núi cao. Chưa tính vườn quốc gia Hoàng Liên có rất nhiều nhưng do địa hình núi đá hiểm trở nên khó xác định được cụ thể. Định cư ở nơi cao trên dưới 3.000m này, chè cổ thụ mọc cao vút tới vài chục mét, có cây đường kính gốc ngang thân người phải hai hoặc ba vòng tay ôm. Các nhà khoa học cho biết mỗi năm đường kính thân cây chè ở xứ lạnh chỉ thêm được 1 mm. Như vậy rất nhiều cây chè cổ thụ vườn quốc gia Hoàng Liên được tôn là cụ chè vì trên dưới 1.000 tuổi. Do địa hình phức tạp, không ít cây mọc cheo leo trên vách đá nên không ai dám thu hái chè. Cách đây gần 20 năm, một tốp người Nhật đã sống gần bảy ngày trong rừng chè Hoàng Liên để thưởng ngoạn chè bằng nhiều cách khác nhau nhưng đều đưa ra kết luận rằng: Chè Shan cổ thụ Hoàng Liên có hai cái nhất thế giới: Một là cây cổ thụ nhất và chất lượng tốt nhất. Nếu có điều kiện khai thác, sẽ đem về cho Việt Nam nhiều tỷ đô la.
Khi chè trên vườn quốc gia Hoàng Liên là nguồn tài nguyên chưa được khai thác thì các nơi vùng cao khác, dù chè cổ thụ sống hoang dã nhưng từ nhiều đời đã phục vụ cho con người. Điển hình là xã Bản Liền, huyện Bắc Hà.
Hơn 300 năm trước, người Tày lên đây định cư đã thấy những cây chè to hai ba người ôm mọc lẫn trong rừng già. Ngoài việc hái lá tươi hoặc sao uống, người ta còn hái sao mang ra chợ bán dù đi xa hàng vài chục cây số. Hơn 60 năm trước, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập thì cùng với việc trồng thành nương, những cây chè cổ thụ được đưa vào quản lý. Vì vậy chè là nguồn thu nhập không nhỏ cho xã viên. Khi HTX nông nghiệp hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đất canh tác được giao cho người nông dân, một mặt hệ thống thương nghiệp thu hẹp, mặt khác điều cần thiết nhất lúc đó là lương thực nên cùng với chè trồng, không ít cây chè cổ thụ bị đốn hạ nhường đất cho lúa nương, ngô nương. Không chỉ riêng Bản Liền mà chè cổ thụ của các nơi khác trong tỉnh Lào Cai đều chung số phận đó. Gần 20 năm trước, HTX chè hữu cơ Bản Liền ra đời đã giúp chè cổ thụ trở lại ngôi vị của mình. Với nguyên tắc sản xuất chè hữu cơ xuất khẩu nên không chỉ các nương chè tập trung mà chè mọc riêng lẻ trong rừng hỗn giao, hàng ngày đều được vệ tinh địa tĩnh thu nhận rồi truyền xuống số liệu về hàm lượng dinh dưỡng trong đất, độ ẩm, sâu bệnh… ảnh hưởng ra sao tới cây chè. Không chỉ riêng HTX chè hữu cơ Bản Liền nhận được những số liệu này mà các cơ sở trên thế giới đã đặt mua hàng đều nhận được đầy đủ thông tin. Gần 8 năm nay chè Bản Liền vẫn ung dung ngồi trên sạp hàng 5 sao vì được xuất đều đặn sang các nước châu Âu, Nhật và Mỹ.
Tuy chưa được cấp danh hiệu 5 sao nhưng chè Shan tuyết cổ thụ trong vườn quốc gia Hoàng Liên và các xã Tả Cổ Tỷ, Hoàng Thu Phố (Bắc Hà); xã Y Tý, A Lù, A Mú Sung (Bát Xát), xã Tả Thàng, Cao Sơn, Lao Pán Tẩn (Mường Khương) đang được nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm, chắc chắn sẽ trở thành những nguồn vàng xanh làm giàu cho Lào Cai.