Tổng thể hài hòa
Nhìn vào kiến trúc ngôi đền, ta nhận thấy ngay một vẻ hài hòa trong tổng thể.
Hài hòa với toàn thể khu vực khuôn viên nhà thờ. Tuy ngôi đền được xây dựng khá công phu trên một diện tích gần 2.000m2 nhưng từ ngoài nhìn vào công trình xây dựng không ảnh hưởng xấu đến tổng thể vì không chiếm mất diện tích của khuôn viên nhà thờ, không làm cản trở tầm nhìn vào mặt tiền nhà thờ, trái lại còn làm tăng vẻ đẹp cho khuôn viên với mảng cây xanh, với đồi núi, hồ nước, thảm cỏ và làm tăng vẻ tôn nghiêm cho nhà thờ với bầu khí ấm cúng có đôi chút u tịch, thanh nhã và tràn đầy tinh thần cầu nguyện của ngôi đền.
Vẻ hài hòa được đặc biệt thấy được trong kiến trúc. Phần mặt tiền nhà thờ Quần Cống vốn đã mang vẻ đẹp dân tộc với ba ngọn tháp mái cong dịu dàng, với hai tòa kính thánh Giuse và thánh Án Khảm hình bát giác đông phương, với hồ nước trong xanh vừa mời gọi con người thanh tẩy tâm hồn cho thanh khiết khi bước vào tiền đường Nhà Chúa, vừa mời gọi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa vốn gần gũi như thiên nhiên, như đất và nước. Trong tổng thể đó, kiến trúc ngôi đền đã được thực hiện một cách khéo léo và khiêm nhường để vẫn giữ được nét độc đáo trong vẻ đẹp riêng, không những không làm mất đi vẻ đẹp của ngôi nhà thờ, trái lại còn làm tăng thêm nét kiều diễm của cả khuôn viên thánh thiêng. Sự khéo léo tính toán càng thấy rõ trong sắp xếp vị trí. Phần đất dành cho ngôi đền có chiều dài đầy đủ, nhưng chiều ngang hạn hẹp. Để khỏi ảnh hưởng đến vẻ đẹp của nhà thờ lẫn vẻ đẹp của ngôi đền, kiến trúc sư đã khéo léo, một đàng đẩy lùi vị trí ngôi đền ra xa tối đa khỏi khuôn viên nhà thờ, đàng khác dùng tảng đá, bình phong che khuất tầm nhìn trực diện và lối đi lên hai bên để tăng thêm vẻ xa cách và thâm nghiêm của ngôi đền.
Ngoài vẻ hài hòa với khuôn viên nhà thờ, toàn thể kiến trúc ngôi đền tự nó có vẻ hài hòa riêng.
Hài hòa với thiên nhiên. Mảnh thiên nhiên của ngôi đền tuy bé nhỏ, nhưng hài hòa khôn tả. Có núi cao. Có hồ rộng. Có suối róc rách. Có cây cổ thụ. Có đường đi quanh co. Có thảm cỏ xanh rì. Có sân xi măng bằng phẳng nằm giữa vùng núi đồi trùng điệp. Có vùng cây xanh bao quanh ba tầng mái ngói đỏ.
Tổng thể kiến trúc ngôi đền hài hòa lạ lùng trong những tương phản. Núi cao uy nghiêm khô khan hòa lẫn với hồ nước trong mát dịu dàng . Đường lên chính điện thẳng tắp thênh thang nằm giữa những lối mòn quanh co phủ đầy cỏ dại. Những cây cổ thụ da dẻ xù xì tỏa bóng xanh mát bên những khóm hoa ẻo lả dạt dào hương sắc. Cỏ cây mượt mà chen lẫn với những tảng đá thô nhám cứng cỏi. Một vùng lá xanh ôm ấp mái ngói đỏ au như đài hoa nâng niu đóa hồng lộng lẫy. Nền ngôi đền vuông sắc cạnh nâng đỡ ba tầng mái tròn mềm mại. Những tảng đá rắn chắc dưới nền móng làm điểm tựa vững chãi cho lớp kiến trúc bằng gỗ tinh xảo bên trên. Tất cả tưởng như trái ngược tương phản, nhưng thực ra hài hòa làm thành một khối thống nhất không thể tách rời. Những khác biệt trở thành tự nhiên, không tàn phá nhưng làm phong phú cho nhau, tạo nên một kiến trúc xinh đẹp đến nao lòng.
Ý nghĩa phong phú
Kiến trúc hài hòa và tinh tế của ngôi đền càng trở nên gần gũi, nhẹ nhàng đi vào lòng người khi cảm hứng tôn giáo được trình bày bằng những hình tượng dân gian đậm đà mầu sắc dân tộc. Có thể kể ra vài hình tượng tiêu biểu:
Hình tượng vuông tròn. Theo quan niệm dân gian thì trời hình tròn và đất hình vuông. Quan niệm này được trình bày trong câu truyện hoàng tử Lang Liêu được thần tiên mách bảo đã làm ra bánh dầy và bánh chưng. Bánh dầy hình tròn tượng trưng cho trời. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Nhờ ý tưởng này Lang Liêu được chọn nối nghiệp vua cha. Từ đó bánh dầy bánh chưng trở thành món ăn truyền thống dân tộc không thể thiếu trong các dịp lễ lạc đặc biệt là ngày Tết. Ngôi đền hình tròn được xây trên nền đá hình vuông, về kiến trúc toát lên vẻ hài hòa cân đối, nhưng bên trong nói lên ý nghĩa trời đất giao hòa. Nơi đây trời đất gặp nhau. Nơi đây Thiên Chúa đến với con người. Tuy ngôi đền dành để tôn kính ba vị Thánh Quê Hương nhưng chính là để tôn vinh Thiên Chúa. Vì các thánh là những người con trung tín làm chứng cho Chúa bằng mạng sống của mình. Các thánh là bằng chứng hùng hồn về Thiên Chúa, về Nước Trời. Cha thánh Gioan Maria Vianê nói : nơi nào có dấu chân các vị thánh, nơi ấy có bóng dáng của Thiên Chúa.
Hình tượng vuông tròn còn nói lên sự chung thủy, sự hoàn hảo. Cuộc đời các thánh là một cuộc đời chung thủy với đức tin, với ơn nghĩa của Chúa. Các ngài giữ trọn vẹn bổn phận đối với Chúa, bổn phận đối với đất nước và bổn phận đối với gia đình một cách hoàn hảo, “vuông tròn” không ai chê trách được. Đối với bản thân cả ba vị thánh đã tự rèn luyện để đạt tới đỉnh cao thánh thiện. Đối với xã hội các ngài đã đóng góp công sức phục vụ đất nước. Đối với gia đình các ngài đã nêu gương làm cha, làm chồng và tạo lập được những gia đình nề nếp, giáo dục con cháu nên người tốt đẹp. Trên hết đối với Thiên Chúa, các ngài đã dâng hiến chính mạng sống để làm chứng cho Chúa. Đó thật là các vị thánh đã “vuông tròn” moi bổn phận trong cuộc sống cả đạo lẫn đời, cả cá nhân lẫn xã hội trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Hình tượng mái nhà. Ai vào đền Nhất Gia Tam Thánh cũng phải chú ý đến ngôi nhà với ba tầng mái. Đối với người Việt nam, mái nhà rất quan trọng. Ở một xứ sở nắng lắm mưa nhiều, mái nhà là thành phần quan trọng nhất trong ngôi nhà. Mái nhà có chắc chắn tốt đẹp người trong nhà mới tránh khỏi nắng mưa, cuộc sống mới yên ổn. Người cha trong gia đình thường được ví như mái nhà che nắng che mưa cho cả gia đình. Vì thế tục ngữ có câu “con không cha như nhà không nóc”. Nói về một gia đình tan vỡ do người huynh trưởng thiếu trách nhiệm có câu “nhà dột từ nóc”. Mái nhà quan trọng nên đã thoát khỏi ý niệm hoàn toàn kiến trúc vật chất để trở nên một ý niệm thân thương về gia đình hạnh phúc. Vì thế gia đình được hình tượng trong “mái nhà”. Xa gia đình lâu ngày ai cũng mong được trở về “mái nhà xưa” vì đó thực là một “mái ấm”.
Một nhà có ba tầng mái tượng trưng cho Nhất Gia Tam Thánh. Một gia đình được che chở bởi ba vị thánh càng thêm an toàn, vững chắc. Con cháu trong một ngôi nhà như thế vừa hãnh diện vì các bậc cha ông thánh đức vừa an tâm hưởng thụ công phúc do cha ông để lại.
Ý tưởng về mái nhà che chở sắc nét hơn nhờ kết cấu hình nón lá của mái đền. Kiến trúc sư đã khéo léo thiết kế cho vòm trần bằng gỗ y hệt chiếc nón lá Việt nam. Chiếc nón lá càng làm cho kiến trúc đi vào lòng dân tộc vì chiếc nón lá vốn là người bạn thân thương và độc đáo của người dân Việt, đặc biệt những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm dãi dầm mưa nắng. Chiếc nón lá nhẹ nhàng, rẻ tiền mà rất tiện dụng che chở cho người lao động khỏi nắng mưa, khi nóng nực có thể dùng làm quạt, khi e thẹn có thể giúp che giấu khuôn mặt ửng hồng. Hình tượng nón lá ở trên mái nhà càng nói lên ý nghĩa che chở. Công đức của cha ông, nhất là của những vị thánh thiện chính là chiếc nón che chắn cho cuộc đời con cháu tránh khỏi những cơn mưa gió đau thương của cuộc đời, được an vui trong căn nhà ấm áp tiện nghi, nhất là ấm áp hạnh phúc và trên hết ấm áp trong “phúc ấm” cha ông để lại.
Hình tượng núi sông. Núi non, suối nước trong nghệ thuật non bộ là những cảnh quan quen thuộc người Việt nam dùng trang trí cho khuôn viên nhà ở. Đối với người Việt nam, núi sông không chỉ là hình thể vật chất nhưng đã được dùng để chỉ mảnh đất thân yêu của quê hương, của đất nước, của quốc gia dân tộc : “Nam quốc sơn hà nam đế cư” (Lý thường Kiệt) hay “hồn thiêng sông núi”. Còn hơn thế nữa núi sông thường được dùng làm biểu tượng của những gì linh thiêng cao quí. Ví dụ như chỉ sự bền vững chung thủy của tình yêu. “Nước non nặng một lời thề. Nước đi đi mãi không về cùng non. Nhớ lời hẹn nước thề non” (Tản Đà). “Nhớ lời thệ hải minh sơn”. Trên hết núi sông được dùng để so sánh với công ơn trời biển của cha mẹ : “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Tại Đền Tam Thánh ngoài hình tượng thông thường của các hòn non bộ, núi sông còn có ý nghĩa thần học. Núi ở đây là Núi Sọ với thánh giá diễn tả cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Nếu công ơn của người cha được sánh ví với núi Thái sơn thì công ơn của Chúa vượt cao hơn tất cả các ngọn núi. Một vị tinh thông Hán học trong giáo xứ đã đặt tên cho Núi Sọ cạnh Đền Tam Thánh là Công Sơn, nói lên ơn cứu độ của Chúa ban cho nhân loại cao vượt hơn mọi ngọn núi cao. Dòng thác nước từ Núi Sọ Công Sơn đổ xuống chính là dòng nước từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thánh giá tuôn đổ hồng phúc cho nhân loại. Dòng nước ơn thánh róc rách qua ngọn suối chảy qua hậu tẩm, đổ xuống hồ nước ở phía bên phải Đền Tam Thánh tượng trưng cho dòng nước ơn phúc từ bên phải Đền Thờ chảy ra. Nước từ Đền Thờ đem lại ơn thanh tẩy, ơn tha thứ và sự sống. Nước chảy đến đâu cây cỏ xanh tốt, muông thú sinh sôi nẩy nở đến đấy (x. Ed 47, 1-12). Nếu tấm lòng từ mẫu được sánh ví “bao la như biển Thái bình”(Y Vân, Lòng Mẹ) và trường cửu như “nước trong nguồn chảy ra” (Ca dao), tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại còn mênh mông hơn biển cả vì Người đã hi sinh chịu chết để đem hạnh phúc cho chúng ta. Đó là tình yêu lớn lao nhất như chính Người đã nói : “Khoâng coù tình thöông naøo cao caû hôn tình thöông cuûa ngöôøi ñaõ hy sinh tính maïng vì baïn höõu cuûa mình” (Ga 15, 13). Vì thế, hồ nước phía bên phải Đền Tam Thánh được đặt tên là hồ Đức Hải cho thấy phúc đức từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mênh mông như biển cả đổ xuống tràn lan cho nhân loại.
Từ 8 bức phù điêu sơ lược tích truyện Tam Thánh phát sinh ba dòng suối nhỏ hòa vào dòng suối lớn để cùng đổ vào hồ Đức Hải. Ngụ ý diễn tả cuộc tử đạo của Tam Thánh Quê Hương được phúc chung phần với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Và vì thế cũng trở thành một nguồn ân phúc đổ xuống cho nhân loại, cho dân tộc và đặc biệt cho giáo xứ quê hương.
Thẩm mỹ tinh tế
Những hình tượng đậm nét dân tộc diễn tả tài tình ý nghĩa thâm sâu đạo giáo càng khiến lòng người rung cảm khi tất cả được thể hiện bằng những đường nét thẩm mỹ tinh tế.
Tinh tế trong sắp xếp phối cảnh. Ba ngọn tháp vuông vức uy nghi của nhà thờ xứ được bao quanh bởi hai mái tòa hình bát giác và ngôi đền mái tròn mềm mại. Ngôi đền xây trên một rẻo đất cao ráo tựa như trên một ngọn đồi, cao vừa đủ để làm tăng vẻ thanh thoát của ngôi đền giữa một vùng đồng bằng đơn điệu, không quá cao để không lấn át vẻ tôn nghiêm của ngôi nhà thờ chính xứ. Nhà thờ xứ và đền Tam Thánh vừa liền lạc thành một tổng thể thống nhất vừa nhẹ nhàng cách biệt bằng một hàng dậu cây xanh đẹp mắt. Ngôi đền vừa gần gũi lại vừa thâm nghiêm với phiến đá đặt ngay ở lối chính dẫn vào đền và bức bình phong chắn lối để khách hành hương phải đi lên bằng lối phụ hai bên. Tổng thể khuôn viên không rộng lớn nhưng chứa đựng cả nhà thờ, tòa các thánh và ngôi đền, lại có đầy đủ núi đồi, sông suối, có đường đi lối lại, có cây xanh, có thảm cỏ, có đá, có hoa, không làm cho khuôn viên thành chật chội, trái lại tạo nên một quần thể vừa hợp nhất vừa xinh đẹp cho thấy óc thẩm mỹ tinh tế trong sắp xếp phối cảnh.
Tinh tế trong đường nét điêu khắc. Quan sát từng đường nét điêu khắc, ta càng khâm phục những bàn tay nghệ nhân tài ba. Hai chất liệu được dùng nhiều trong công trình là gỗ và đá.
Nhìn từ bên ngoài những công trình bằng đá tạo cho ngôi đền một dáng vẻ vững chãi khỏe mạnh. Từ nền móng cho đến lan can trong hành lang là một lớp đá quí cứng cáp được chạm trổ tinh vi. Dưới mỗi bệ kê chân cột hình lá vạn tuế phô diễn những nét khắc mềm mại khiến cành lá trở nên linh động trên nền đá mịn màng thanh nhã. Lan can hành lang bằng đá trắng nâng đỡ những thân cột tròn bằng đá đỏ tạo nên một tổng hợp mầu sắc vừa quí phái vừa thanh tao. Phía sau đền, những bức phù điêu bằng đá trắng nổi bật trên nền xám của bức tường tạo làm nổi bật dáng vẻ vừa uy nghiêm vừa thanh thoát của ngôi đền.
Công trình bằng gỗ cũng đẹp đẽ không thua kém. Những cánh cửa vốn đã được đẽo gọt tròn trịa cho phù hợp với hình dáng của ngôi đền càng tăng vẻ cao quí với những phù điêu khéo léo tạc cảnh gieo hạt và gặt lúa. Khuôn cửa sổ được bảo vệ bằng những vòng gỗ xếp đặt khéo léo thành những hình thánh giá coi rất lạ mắt. Tại vị trí trung tâm tòa Tam Thánh uy nghi với bức rèm chạm thông phong tinh xảo sơn son thiếp vàng lộng lẫy làm nổi bật tượng ba vị thánh với nét điêu khắc sắc sảo lạ thường. Toàn thể nội thất ngôi đền được ghép gỗ tạo nên một bầu khí ấm cúng và thâm trầm giúp người cầu nguyện dễ lắng đọng tâm hồn.
Tinh tế trong nội dung ý nghĩa. Khách hành hương càng thấm thía khi khám phá ra những ý nghĩa giấu ẩn trong các công trình điêu khắc. Không có gì dư thừa. Tất cả đều được chắt lọc. Tất cả đều có chủ đích chuyên chở những ý nghĩa phát nguồn từ Kinh Thánh, truyền thống hoặc lịch sử.
Những chiếc chum tưởng như những vật trang trí ngẫu nhiên thực ra gợi nhớ đến tích truyện bà Nhiêu Côn giấu Đức cha Sampedro Xuyên khi ngài bị quân lính lùng bắt. Hình sợi dây thừng được khéo léo khắc trên đầu cột ám chỉ dụng cụ hành hình ba vị thánh.
Ai bước đi trên nền đá vững chãi của ngôi đền đều liên tưởng đến Lời Chúa dạy : “Ai nghe nhöõng lôøi Thaày daïy maø ñem ra thöïc haønh, thì Thaày seõ chæ cho anh em bieát ngöôøi aáy ví ñöôïc nhö ai. Ngöôøi aáy ví ñöôïc nhö moät ngöôøi khi xaây nhaø, ñaõ cuoác, ñaõ ñaøo saâu vaø ñaët neàn moùng treân ñaù. Nöôùc luït daâng leân, doøng soâng coù uøa vaøo nhaø, thì cuõng khoâng lay chuyeån noåi, vì nhaø ñaõ xaây vöõng chaéc” (Lc 6, 47-48). Cuộc đời ba vị thánh đã vững chắc vì sống theo Lời Chúa cho đến tận cùng.
Chiêm ngắm hai cánh cửa khắc cảnh gieo hạt và gặt lúa, tự nhiên lòng trí ta hướng về những câu Thánh vịnh :
Ai ngheïn ngaøo ra ñi gieo gioáng,
muøa gaët mai sau khaáp khôûi möøng.
Hoï ra ñi, ñi maø nöùc nôû, mang haït gioáng vaõi gieo ;
luùc trôû veà, veà reo hôùn hôû, vai naëng gaùnh luùa vaøng
(Tv 126, 5-6)
Cuộc đời các vị thánh đã gieo trong gian nan vất vả, trong cả máu và nước mắt nay đang hưởng mùa gặt hạnh phúc hân hoan trong Nước Trời…
Cảnh thiên nhiên xinh tươi. Bầu không khí trong lành. Kiến trúc đi vào lòng người. Gương tiết liệt kiên trung của các vị thánh trong cùng một gia đình. Và nhất là bầu khí cầu nguyện nâng tâm hồn người lên tới Thiên Chúa. Tất cả tạo cho Đền Tam Thánh một vẻ cuốn hút khiến khách hành hương tuôn đến không quản ngại đường xa. Đến nơi mọi người có thể tham dự những giờ chầu Thánh Thể do các gia đình trong giáo xứ phụ trách. Có thể chiêm ngắm ngôi đền trong tổng thể. Có thể phân tích từng đường nét điêu khắc trên cửa, trên tường. Và có thể đơn sơ ngồi bên hồ nước thưởng thức làn gió mát như được lọc qua rặng cây xanh và dòng nước trong lành.
Còn tiếp…