Toàn cảnh Vương cung Thánh đường Thánh István |
Đây là một trong hai vương cung thánh đường quan trọng nhất của nước Hungari, bên cạnh “nhà thờ mẹ” - Vương cung thánh đường ở TP. Esztergom, cố đô lập quốc.
Vương cung thánh đường thánh István mang tính chất đặc biệt, vì nó là nơi xưng tụng và ngợi ca sự nghiệp của Szent István. Tại cung thánh chính của nhà thờ, không phải là hình ảnh Đức Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria như thường lệ, mà là tượng vị vua lập quốc của Hungary, Szent István!
Nhà thờ là nơi lưu giữ “Bàn tay phải Nhiệm màu” (Szent Jobb) của Szent István, và là một “kỳ quan kiến trúc” nổi bật của nước Hung, được xây dựng trong vòng hơn nửa thế kỷ (1851-1906) với sự thiết kế của 3 đời kiến trúc sư, trong đó có hai bậc thầy về kiến trúc của Hungary là Hild József và Ybl Miklós.
Là công trình quan trọng bậc nhất của Giáo hội Công giáo Hungary, Vương cung thánh đường thánh István cũng là một trong hai tòa nhà có độ cao 96m là độ cao lớn nhất được cho phép trong nội đô Budapest, để kỷ niệm sự chinh phục đất nước của dân tộc Hungary vào năm 895.
Được xây dựng theo trường phái tân Phục hưng, sau rất nhiều khó khăn, trắc trở, tòa thánh đường được thánh hiến ngày 9/11/1905, với sự hiện diện của hoàng đế Franz Joseph, người đứng đầu nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung.
Cung thánh chính của đền thờ Szent István. |
Mặc dù ý định ban đầu là sẽ mang tên vị thánh bảo hộ của Đế quốc Áo là thánh Lipót (Saint Leopold III), nhưng trước khi chính thức khánh thành, trong loạt lễ lạt kỷ niệm Thiên kỷ (1896), vào năm 1897, tòa thánh đường đã được đặt dưới sự bảo hộ của Szent István, và do đó, khi cung hiến, mang tên vị vua này.
Điểm đặc biệt là kể từ khi khởi xây, Vương cung thánh đường thánh István thuộc sở hữu của nhà nước và Giáo hội Công giáo Hungary chỉ là cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một lễ trọng thể, vào ngày 16/8/2001, nhà thờ đã được trao lại cho Giáo hội sở hữu và chủ quản.
Có thể coi Budapest có một “trục tâm linh” đi thẳng từ nhà thờ này ra Cầu Xích (Lánchíd), tới cột cây số 0 dưới chân Hoàng thành (Cung điện Hoàng gia trên thành cổ Buda), rồi lên tới cổng thành.