Với tinh thần quả cảm, dân tộc Mỹ đã anh dũng chiến đấu dành lấy cuộc sống tự do và nước Mỹ đã ca khúc khải hoàn, mở đầu một kỷ nguyên mới: Tự do dân chủ. Bức tượng có tên gọi đầy đủ là “Tượng Nữ thần Tự do soi sáng thế giới”. |
Cảm phục trước sự chiến đấu dũng cảm cũng như muốn tri ân quân đội Mỹ đã có thời kỳ chiến đấu giúp châu Âu chống lại nạn độc tài quân phiệt, cùng dựa theo ý kiến của sử gia chính trị Edouare de Laboullayelaye (1811 - 1883), đưa ra đề nghị và được chính phủ Pháp ủng hộ, là hoàn thành một bức tượng để tặng Hoa Kỳ nhân dịp mừng 100 năm lập quốc. Sáng kiến này biểu hiện cho tình hữu nghị cao quý lâu nay giữa hai quốc gia, được giao cho nhà tạc tượng điêu khắc trứ danh Frédéric Auguste Bartholdi (1834 - 1904) phụ trách về mẫu mã. Cô nàng Jeanne của tỉnh Nancy được chọn làm người mẫu, và kiến trúc sư danh tiếng Alexandre Gustave Eiffel (1832 - 1923), người đã thực hiện tháp Eiffel ở Paris, được giao phó việc tính toán khung tượng bằng thép.
Bức tượng khắc hình một phụ nữ khỏe mạnh, có nét đẹp kinh điển như những bức tượng Hy Lạp cổ đại, với kích thước khổng lồ ở tư thế đứng thẳng, giơ cao tay như chào đón tất cả mọi người, dù là khách tới thăm, là di dân hay là người Mỹ từ nước ngoài trở về Tổ quốc. Trên đầu tượng đội một vương miện có 7 nhánh, biểu tượng cho 7 đại dương và đại lục trên thế giới. Tay trái tượng cầm một phiến đá đặt ngang hông, trên đó có ghi chữ “JULY IV MDCCLXXVI” (nghĩa là July 4 - 1776, ngày ký bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ). Và tay phải giơ cao ngọn đuốc đang cháy sáng. Ngọn lửa trên đuốc này được bọc bằng vàng lá.
Nhìn bức tượng mới thấy, chỉ riêng việc vận chuyển từ Pháp sang Hoa Kỳ để ráp lại quả là một kỳ công. Khởi đầu phải “cắt rời thân thể” Nữ thần ra làm 350 mảnh, xếp vào trong 214 thùng gỗ, chất lên một chuyến xe lửa đặc biệt gồm 70 toa trước khi rỡ xuống chiếc thuyền buồm mang tên Isère để chở sang Mỹ. Lênh đênh trên biển cả, gặp một trận bão lớn chút xíu nữa đã nhấn chìm Nữ thần xuống đại dương. Tàu Isère gần một tháng sau mới cập bến. Một lễ chuyển giao tượng giữa viên Thuyền trưởng - đại diện chính phủ Pháp - và chính phủ Mỹ, để đưa vào cù lao có tên Bedloe Island, sau đổi thành Liberty Island.
Khi tượng đến nơi, bệ đứng chưa hoàn tất, phải chờ đến tháng 4/1886 mới xong. Ông Auguste Bartholdi được mời sang Mỹ, đích thân điều khiển việc ráp “đứa con Tự Do”. Hàng ngàn nhân công được huy động trong việc lắp ráp trên 300 mảnh đồng “Da và Áo”. Phải sử dụng hơn 60.000 đinh rivê tán, ròng rã 3 tháng trời, tượng mới ráp xong. Đúng ngày 28/10/1886, lễ khánh thành tượng được cử hành trọng thể tại Bedloe. Phía dưới chân tượng có gắn một hộp niêm kín, Trong đó đựng: Hiến pháp của Mỹ quốc - Bản Tuyên ngôn Độc lập - Lịch sử bức tượng - Báo chí nói về công trình làm tượng - Một số tiền vàng tượng trưng.
Ngoài ý nghĩa biểu hiện sự giao hảo giữa hai quốc gia, tặng phẩm này còn là một tuyệt tác điêu khắc của thế kỷ XIX. Bức tượng bằng đồng nặng 225 tấn. Nhưng không phải làm bằng kỹ thuật đúc, mà bằng phương pháp gò, vì vậy tượng rất lớn. Qua thời gian, đồng bị oxid hóa nên có màu xanh đúng như thiết kế ban đầu.
Tượng Nữ thần Tự do cao 46m, đứng trên một bệ cao 45,7m (bệ do người Mỹ xây dựng). Cánh tay giơ bó đuốc dài tới 12m, ngón trỏ dài 2,4m. Đầu tượng tính từ cằm tới vương niệm cao 5m, miệng rộng 1m. Du khách tới thăm bức tượng sẽ phải leo 354 bậc thang để lên tới vương niệm. Bản thân vương miện là một gian phòng rộng với 25 cửa sổ, trông từ xa như 25 viên đá quý cài trên vương niệm.
Tượng Nữ thần Tự do chính thức được khánh thành vào ngày 28/10/1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ. |
Mặc dù được hai tài năng xuất chúng là Bartholdi và Eiffel phối hợp thực hiện, dự án này vẫn không thể hoàn thành kịp thời hạn kỷ niệm 100 năm nước Mỹ độc lập (1876), mà phải đợi mười năm sau đó, tức năm 1886, tượng mới được Tổng thống Mỹ Groover Cleveland (1837 - 1908) chính thức cắt băng khánh thành. Kể từ đó, kiệt tác này nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc gia của nền tự do ở Hoa Kỳ, một tâm điểm thu hút khách du lịch và di dân từ khắp thế giới đến đất nước này. Một số người Mỹ sống ở Pháp rất hài lòng với món quà mà người Pháp đã dành tặng cho đất nước họ. Vì thế, họ đã trả ơn người Pháp bằng cách xây dựng một phiên bản tượng Nữ thần Tự do thứ 2 ở Pháp. Tượng cũng bằng đồng, cao 11m (khoảng ¼ bức tượng ở New York), đã được dựng lên tại hòn đảo Thiên Nga, cách Tháp Eiffel khoảng 2km về phía Bắc...
Tượng Nữ thần Tự do tại Paris, Pháp. |
Riêng tại Việt Nam, theo báo Sài Gòn Nhỏ ngày 15/10/2010 trang A11 của tác giả Nguyễn Phúc Giác Hải, cho biết: Một phiên bản tượng Nữ thần Tự do thứ ba, nhưng với kích thước nhỏ hơn, đã có một thời xuất hiện ở ngay tại thành phố Hà Nội vào năm 1887, nhân dịp Hội chợ đấu xảo ở đây, mà dân chúng thường gọi là tượng “Bà Đầm xòe”, cao 2,85m. Sau đó tượng được tặng lại cho Hà Nội và đặt tại vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Chí Linh) cho đến ngày 14/7/1890 lại di chuyển đưa lên gắn trên nóc Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm một thời gian. Kế đến, tượng được cẩu về vườn hoa Neyret (nay là vườn hoa Cửa Nam). Và theo bàn tin báo Đông Pháp, ngày 2/8/1945 cho biết: “Bà Đầm xòe” bị giật đổ lúc 9 giờ 45 phút ngày 1/8/1945… Như vậy phiên bản 3 tượng Nữ thần Tự do, nay chỉ còn 2 ở Mỹ và Pháp.
Tượng Nữ thần Tự do ở New York không những là biểu tượng của tiểu bang từng là thủ đô của Mỹ từ năm 1789 - 1790, mà còn là niềm kiêu hãnh của Hoa Kỳ. Nhiều người trên thế giới cũng xem đây là một biểu tượng của Tự do nhân loại. Bên cạnh đó, còn có trụ sở Liên hợp quốc và các cơ quan như trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, nghệ thuật, thời trang, nghiên cứu, giáo dục,... với các tòa nhà cao ngất trời. Xe cộ đông đúc, dân chúng làm ăn sấm uất. Có hơn 800.000 công ty danh tiếng thế giới quy tụ về đây kinh doanh buôn bán, được mệnh danh là “Thành phố không có ban đêm”.
Bức tượng sẽ ăn mừng sinh nhật 136 tuổi vào tháng 10 năm nay, chiếm kỷ lục “Người phụ nữ già nhất thế giới”. Nhưng hằng năm, vẫn có hơn 4 triệu du khách thập phương xếp hàng mua vé đến chiêm ngưỡng dung nhan trẻ mãi không già của “Nàng” - biểu tượng Tự do nổi tiếng lâu nay... đã được xếp vào danh sách di sản của thế giới. Thật là danh bất hư truyền.