Văn hóa nghệ thuật

Đền thờ Laterano

Cập nhật lúc 09:46 12/07/2017
Chúng tôi được dừng bước trước Đền thờ Laterano, Đền thờ quan trọng là mẹ và đầu của tất cả các nhà thờ toàn thế giới. Đây là Ngai toà của Giám mục Rôma - Đức Giáo hoàng!.
Đền thờ Laterano. (Ảnh: CTV)
Đền thờ Laterano. (Ảnh: CTV)
Giáo phận Rôma không lấy tên tổng Giáo phận, nhưng lại là thủ lãnh của thế giới vì có Đức Giáo hoàng kế vị Phêrô.

Đây là lâu đài của dòng họ Plautii Laterani, xưa vị trí ở sát ngoại thành Rôma. Gia đình quý tộc này bị Neron chiếm dụng từ thế kỷ thứ I. Năm 314 Constatino thắng trận, Hoàng hậu Fausta dâng cho Vua Constantino như là của hồi môn, Vua hiến cho Đức Giáo hoàng trở thành Ngai toà của Đức Giáo hoàng Melziades.

Các đời Đức Giáo hoàng Leone, Andriano I, Sergio III cho tu sửa, Đức Giáo hoàng Nicola IV cho trang hoàng lộng lẫy, nhưng cơn hoả hoạn năm 1308 đã thiêu rụi Đền thờ, Đức Giáo hoàng Clemente V cho xây lại, sau này bị cháy một lần nữa, các Đức Giáo hoàng kế tiếp đều sửa sang, trang hoàng thêm. Đền thờ hiện nay là Đền thờ thứ 6 hoàn chỉnh năm 1731 kể từ thiết kế lần đầu của Đền thờ Laterano.

Trên nóc cao nhà thờ, Gioan đứng bên phải Chúa Giêsu, kế tiếp là 12 thánh giáo phụ. Mỗi pho tượng cao 7m, hàng chữ 2,5m ghi nội dung Đức Giáo hoàng Clémentê XII dâng cho Chúa Kitô Cứu Thế, hiến cho thánh Gioan Baotixita và các thánh Tông đồ.

Bên trong hành lang tiền đường có 5 cửa vào. Cửa chính giữa có các mảnh đồng lấy từ cửa đồng của Curia trong Foro Romano. Bên trái có tượng Hoàng đế Constantino lấy từ hồ tắm của ông.

Từ trên ban công mặt tiền Đền thờ, Đức Giáo hoàng thường đứng đây để ban phép lành cho dân.

Cũng nơi đây diễn ra những sự kiện lớn của Giáo hội: các Đức Giáo hoàng đã sống trong dinh Laterano trên 10 thế kỷ liên tiếp, chủ sự mọi nghi lễ trong Đền thờ này. Từ năm 1370 các Ngài mới ở Vatican.
Bên trong đền thờ Laterano. Ảnh: CTV
Bên trong đền thờ Laterano. Ảnh: CTV

Công đồng Vatican II kết thúc ở đây ngày 8/ 12/1965. Đức Giáo hoàng cùng các nghị phụ đi từ nhà thờ Thánh giá Giêrusalem vì nơi đó giữ miếng gỗ Thánh giá lớn nhất và các dụng cụ Chúa tử nạn do thánh Helène mẹ Vua Constantino xây.

Bên phải Đền Laterano có một cung toà thiếp vàng, ngày xưa là nhà ăn của Đức Giáo hoàng Leon III trong dinh Laterano, bức tường cổ còn giữ lại làm kỷ niệm. Bức khảm đá mầu rất đặc biệt, cổ kính, diễn tả Chúa Giêsu Kitô đứng trên một ngọn núi biểu tượng. Bên phải là thánh Phêrô đang trao Stola Giáo hoàng cho Đức Giáo hoàng Leon III và ngọn cờ cho Hoàng đế Charlemange, tượng trưng cho quyền bính tinh thần và quyền bính dân sự. Bên trái: Chúa Giêsu Kitô trao chìa khoá cho thánh Silvestro và chiếc cờ có hình Thánh giá với tên Chúa Giêsu viết tắt, cho Hoàng đế Constantino.

Lòng nhà thờ cao vút tới 130m chia 5 lòng, thế kỷ XVIII đã nối hai cột ở hàng chính giữa thành một, toàn thể hàng cột tạo nên toà 12 thánh Tông đồ do Borromissi và  trường phái của ông thực hiện. Mỗi thánh mang dụng cụ tử đạo của mình.

Nền nhà thờ cũng rất đặc biệt gồm đá quý nhiều mầu ghép thành hình lớn.

Trần nhà vẽ biểu hiệu của nhiều đời ĐGH bằng vàng.

Bên trên tượng các tông đồ là phù điêu hình các tiên tri thời Cựu Ước. Chúng tôi như bị phép thu hình biến thành những sinh vật bé nhỏ trước không gian quá rộng lớn của nhà thờ. Chúng tôi gặp các linh mục, tu sĩ đến xưng tội tại đây vì nhà thờ Laterano được giao phó cho các cha dòng Phanxico giải tội liên tục (nhà thờ Đức Bà cả do các cha dòng Daminh).

Cấu trúc bàn thờ chính giống Rôma đều có Bàn thờ tuyên xưng Đức tin chính giữa gian cung thánh, tại Laterano này, có hai bức tượng bằng bạc tinh ròng, trong đó có giữ xương sọ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Gầm bàn thờ là mộ Đức Giáo hoàng Martino V do Công đồng Constan bầu lên chấm dứt đại ly khai của Tây phương.
Nhà nguyện Mình Thánh Chúa tiên khởi ở cánh Thánh giá Cung thánh, trên ảnh tiệc ly thiếp vàng, toà Nhà Chầu bằng vàng rực rỡ: 4 cột thiếp vàng. Một ngách nhỏ là nhà thờ của các kinh sĩ kế liền với bia mộ của Đức Giáo hoàng Leô XIII, trong nhà thờ này đã có 20 Đức Giáo hoàng an táng ở đây.

Hậu cung của Đền thờ Laterano là ngai của chủ tế, ở đây là ngai Đức Giáo hoàng bằng đá. Các dịp lễ lớn Đức Giáo hoàng tới đây, lễ thứ Năm Tuần Thánh Đức Giáo hoàng cũng dâng tại đây, hiện Đức Hồng y thay quyền Đức Giáo hoàng coi sóc giáo phận Rôma đứng chủ trì Đền thờ này.

Bức hình hậu cung của Đền thờ gồm Chúa Kitô, các phẩm Thiên Thần hàng trên cùng, Đức Mẹ, thánh Phêrô, Phaolô đứng bên phải Thánh giá.

Bên trái Thánh giá là thánh Gioan Baotixita, Gioan Tông đồ, thánh Anrê: Có hai thầy dòng chen kẽ nhỏ hơn là thánh Phanxicô Assisi và  thánh Antôn. Đức Giáo hoàng Nicola IV quỳ dưới chân Đức Mẹ. Tất cả bằng nghệ thuật khảm đá Mosaic kỳ công.

Cây Thánh giá dát ngọc 12 viên chỉ 12 chi họ Ixraen, tượng trưng Giêrusalem trên trời. Từ Thánh giá trào xuống 4 mạch nước cho hai con nai rừng và bầy chiên khát đang tìm nước ơn thánh.

 
Linh mục Phêrô  Nguyễn Hoàng
Thông tin khác:
Lễ "nghênh thủy" TRONG HỘI ĐÌNH CHÈM (05/07/2017)
Gánh nhẹ nhàng (03/07/2017)
Hầm mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (27/06/2017)
Quê hương của thiên tài Mozart (26/06/2017)
Thịt máu Chúa là bánh thiêng (23/06/2017)
Đền thờ Thánh Phêrô (15/06/2017)
Chúa đã ban con một (14/06/2017)
Quốc gia Vantican - Đền Thánh Phêrô (13/06/2017)
Nhà thờ có truyền thuyết "DOMINE QUO VADIS?" (12/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log