Một góc Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Bình |
Hoàng thành Thăng Long có diện tích 20ha, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều.Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tẫn. Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, trừ trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành. Các di tích có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn phong phú và hấp dẫn.
Kinh thành Huế là một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Vua Gia Long cho xây dựng Kinh thành Huế từ 1805 trên phần đất của các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, An Hoà, An Mỹ, Diễn Phái, An Vân, An Bảo, Thế Lại và một phần của hai con sông Bạch Yến và Kim Long. Kinh Thành Huế rộng 520 ha, đến năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng thì hoàn thành. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam. Vòng thành cao 6,6m, dày 21m, có chu vi gần 10 k. Vòng thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, bắt đầu xây gạch mãi đến cuối đời Gia Long. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc nhằm mục đích phòng thủ. Cột cờ chính giữa, mặt trước thành được gọi là Kỳ Đài. Bên trong Hoàng thành có Điện Thái Hoà, dung làm nơi thiết triều, có các miếu thờ; và Tử Cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của vua và hoàng gia. Quần thể di tích Kinh thành Huế là nét đặc sắc và di sản quý báu của các triều đại xưa để lại.
HẢI VÂN
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com