Vào cuối thời Trung cổ, cùng với nhiều cuốn kinh truyền thống, ở thành phố The Hague- Hà Lan đã từng có một cuốn kinh bằng vàng và bạc, song lại gọi là Biblia Pauperum- Kinh Thánh của người nghèo, và gồm 70 trang chép tay chứa nhiều hình vẽ dát vàng, thếp bạc. Từ The Hague, Kinh Thánh đã tới London- Anh và được hoàng gia lưu giữ, truyền đời. Không rõ, nhà chép sách đã thực hiện cuốn kinh từ vàng cầu kỳ như thế nào, song Biblia Pauperum được soạn thảo là để nối kết hai cuốn kinh vĩ đại là Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước, trong đó mỗi trang đều có một cảnh trong Kinh Tân Ước nằm ở chính giữa và hai cảnh trong Kinh Cựu Ước ở đôi bên. Do trang giấy gập hai lần, nên khi đọc, mọi người phải giở ra xem, mới thấy được toàn vẹn sự hấp dẫn, tráng lệ, được vẽ thủ công rất tỉ mỉ, sặc sỡ. Như đã nói, khác những cuốn kinh thông thường, có chữ nhiều hơn hình, ở đây hình rất to, nổi bật, thậm chí không chữ và một số những lời lẽ còn được trích luôn từ miệng của mỗi nhân vật, nhìn vào cứ như truyện tranh hiện đại. Trang sách cũng không có một màu mà có tới năm màu, gồm xanh, đỏ, hồng, vàng và trắng. Và là một ví dụ tiêu biểu của lối in, vẽ màu tiên tiến và đỉnh cao của mỹ thuật Gothic. Được làm cho công nương xứ Bavaria-Straubing Magaret Cleves, song sau này cuốn kinh đã được dâng lên vua George III và nay nằm trong thư viện Anh.
Một cuốn kinh thú vị nữa là Kinh Phúc Âm Codex Egberti ở thành phố Trier- Đức. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ thứ X, cha Egbert, đã là người cho làm cuốn kinh trên theo phong cách Ottonian, hay tiền Romanesque. Bấy giờ mỹ thuật ở đế chế La Mã thần thánh đã phát triển rực rỡ, và nhiều tu sĩ đều có tài vẽ đẹp, tham gia vào việc trang trí sách, nhất là Kinh Thánh, và ở trường hợp Kinh Phúc Âm Codex Egberti, hai họa sĩ ấy là Kerald và Heribert. Bên cạnh áp dụng vàng và chì đỏ lên nền tùng lam cho cuốn kinh thêm rực rỡ- ấn tượng, trong sách còn thấy một điểm mới lạ, đó là nhiều vòng hào quang trên đầu có hình vuông thay vì hình tròn và được lấy cảm hứng từ Italy. Đây cũng là cuốn kinh lâu đời nhất và tổng hợp nhất về cuộc đời của Chúa Giêsu, trong đó có những phép lạ Ngài thực hiện trên vùng Đất Thánh và là một tác phẩm kinh điển, trung tâm của thời Ottonian (919-1024), và vào năm 2004 đã được UNESCO phong tặng danh hiệu Ký Ức của thế giới. Sách có 56 tranh vẽ sinh động, lộng lẫy về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse… và còn chứa rất nhiều trích đoạn quan trọng của mỗi tập sách Phúc Âm. Ngoài ra là hơn 240 chữ hoa viết đầu dòng cầu kỳ, tinh xảo.