Đường vào làng cổ Đường Lâm. |
Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội nằm bên hữu ngạn sông Hồng, được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia do vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng nhiều trăm năm trước, như cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, ruộng nước, gò đồi... Hệ thống đường sá của Đường Lâm có hình xương cá. Với cấu trúc này, người dân và khách tham quan đi từ đình không hề quay lưng vào cửa Thánh. Điểm đặc biệt nữa là Đường Lâm còn giữ được cổng làng cổ Mộng Phụ là ngôi nhà hai mái dốc nằm ngay trên đường vào làng, đình Mộng Phụ được xây dựng năm 1684. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở hai bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850… bằng những khối đá ong khá vững trãi. Đường Lâm là nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử, tài ba nhiều mặt từ trước tới nay.
Phùng Hưng và Ngô Quyền là hai vua cùng quê làng cổ Đường Lâm (nên Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua). Nửa sau thế kỷ VIII, đất nước ta chịu ách đô hộ của nhà Tùy Đường. Phùng Hưng đã chiêu tập binh sĩ cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa giành lại quyền độc lập tự chủ (791- 802). Nhân dân tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương. Ngô Quyền (897-944), năm 938, ông lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán xâm lược trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập của đất nước. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944. Tại Đường Lâm có đền và lăng Ngô Quyền, đền và lăng mộ Phùng Hưng, và có một tấm bia khắc: “Bản xã đất ở rừng rậm gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ”. Niên hiệu tấm bia đề là “Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông 1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia”