Tượng đài Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Tao Phùng đã được xác lập là "Tượng Chúa Giêsu lớn nhất khu vực châu Á" vào năm 2012. Ảnh: CTV |
Giáo lý của Hội Thánh Công giáo số 1192 dạy: “Các tượng thánh hiện diện, có mục đích khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin vào mầu nhiệm của Đức Kitô. Như thế các tác phẩm nghệ thuật thánh có thể hiện diện ở khắp nơi, nhưng không phải để trang trí mà để phục vụ tâm linh thờ phượng và đó chính là yếu tố khiến cho nghệ thuật thánh có một địa vị vượt trội...”.
Trong tinh thần hiệp thông cùng với “Muôn dân hết thảy, hãy ngợi khen Thiên Chúa và hết mọi dân nước hãy tán tụng Người.” (Tv 117). Để hướng tâm hồn tôn thờ Chúa Giêsu là Vua Vũ trụ, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về những tượng đài tôn vinh Người, nơi các trung tâm hành hương nổi tiếng trên hoàn vũ, đang thu hút hàng triệu du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng những nơi này.
1. TƯỢNG CHÚA CỨU CHUỘC - KỲ QUAN THỨ II THẾ GIỚI
Quốc gia Brazil lớn thứ 5 trên thế giới cả về diện tích lẫn dân số, Rio de Janeiro là thành phố lớn thứ nhì của Brazil, sau thủ đô Sao Paulo, dân số gần 6 triệu người gồm nhiều sắc dân chung sống, nơi đây hấp dẫn du khách nhờ các địa điểm du lịch nổi tiếng, trong đó xếp hạng nhất là tượng đài Chúa Kitô trên đỉnh núi Corcovado.
Tượng đài “Đức Kitô Chúa Cứu Chuộc” có tên Christ the Redeemer lớn thứ ba trên thế giới. Tượng cao 30m, đặt trên bệ cao 8m, hai tay giang rộng 28m, nặng 635 tấn, có 6 triệu mảnh đá rửa phủ quanh tượng, nằm trên đỉnh núi Corcovado cao 700m, ở khu rừng Tijuca Công viên quốc gia, nhìn xuống thành phố. Tượng thực hiện do sáng kiến của giáo dân Brazil, kiến trúc sư Heiter da Silva Costa vẽ kiểu, nhà điêu khắc Pháp Paul LandoWeski tạc hình. Công trình xây dựng trong 9 năm, từ 1926 đến 12/10/1935 mới hoàn thành, với 220 bậc thang dọc theo con dốc lên pho tượng.
Năm 2007, hơn 100 triệu người đã chọn tượng Chúa ở Brazil là một trong bảy “Kỳ quan trên thế Giới”. Điều “diệu kỳ” là bất cứ đi tới đâu trong thành phố Rio de Janeiro, khi ngước mắt lên giữa trời bao la đều nhìn thấy tượng Chúa uy nghi hiện diện. Với một quốc gia có 95% dân số là tín hữu Công giáo, thì tượng Chúa Cứu Thế ở đây đã trở thành biểu tượng đức tin và là báu vật của của quốc gia này.
2. CAP SAINT-JACQUES VŨNG TÀU - KÍNH CHÚA KITÔ VUA
Tượng Chúa Kitô Vua ở Việt Nam, đặt trên đỉnh núi Tao Phùng cao trên 176m nhìn ra biển, ở thành phố Vũng Tàu. Tượng được xây dựng từ năm 1974 và trải qua nhiều trắc trở mãi tới 20 năm sau tới ngày 24/12/1994 mới được Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật cắt băng khánh thành. Tượng cao 25m, đặt trên bệ khối cao 7m chạm hình Chúa và 12 Tông đồ, toàn bộ cả tượng lẫn bệ cao 32m, chiều dài hai cánh tay 18,4m. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc chạy từ bệ lên vai tượng giúp du khách lên cao nhìn khắp toàn cảnh xung quanh thành phố, biển rộng bao la. Trong lòng tượng có thể chứa 100 khách thăm viếng cùng một lúc.
Công trình tượng đài “Chúa Giêsu Kitô Vua” do công sức của cộng đoàn dân chúa giáo phận Xuân Lộc đóng góp, họa sĩ điêu khắc gia Văn Nhân thiết kế và kỹ sư Nguyễn Quảng Đức thực hiện. Theo Trang thông tin của tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietkings năm 2012, tượng Chúa ở Núi Tao Phùng được xếp vào 1 trong 10 kỷ lục Việt Nam được công nhận lớn nhất ở châu Á, và có khoảng 2 triệu du khách đến kính viếng trong năm.
3. QUỐC GIA BA LAN - TƯỢNG CHÚA LỚN NHẤT THẾ GIỚI
Pho tượng Chúa Giêsu uy nghi ngự trên đồi cao, khi khởi đầu xây dựng đã nổ ra một cuộc tranh luận về giá trị mỹ thuật, nhưng công trình vẫn hoàn thành tốt đẹp. Tượng với hai cánh tay dang rộng và mũ miện vàng cao 2m đã được ông Dariusz Bekisz, Thị trưởng thị trấn Swiebodzin khẳng định đây là bức tượng “Chúa lớn nhất thế giới”, với chiều cao 33m (vượt hơn tượng ở Brazil 3m) đứng trên bệ cao 8m, trọng lượng trên 440 tấn, dựng trên ngọn đồi cao 16m, như vậy tổng thể chiếu cao của toàn bộ công trình 51m, khởi công năm 2012 hoàn thành sau 5 năm xây cất. Trong buổi lễ khánh thành 2017 tổ chức ở chân bức tượng, Đức Giám mục Stefan Regmunt phản kháng lại những kẻ cho rằng mẫu tượng không thẩm mỹ, ngài tuyên bố “Bức tượng không phải là một nghệ thuật điêu khắc mà là một thể hiện rõ ràng của đức tin và có nhiệm vụ cứu rỗi linh hồn của giáo dân”. Chính quyền địa phương cũng hy vọng trong tương lai có nhiều người đến hành hương để giúp đem lại sức sống cho nền kinh tế của dân chúng.
4. MARIALO - ĐẾN VỚI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Giáo hội Công giáo tại Philippine đã quyết định khánh thành tượng đài “Chúa Giêsu Thương Xót” vào 19/01/2017, như cao điểm chào mừng Hội nghị Tông đồ thế giới lần thứ IV về Lòng Thương Xót, tiến hành tại Manila từ ngày 16 đến 20/01/2017 với sự tham dự của 5 ngàn đại biểu địa phương và nước ngoài. Đức Hồng y Ricardo Vidal, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Cebu đã chủ sự nghi thức làm phép và khánh thành tượng Chúa Giêsu.
Công trình xây dựng đã khởi sự từ tháng 1/2016 để ghi nhớ “Năm Thánh Lòng Thương Xót” được thực hiện trong khu vực rộng rãi với một tượng đài Chúa Giêsu Lòng Thương xót nơi Đền Thánh quốc gia Marialo cách thủ đô Mania của Philippin 24 cây số về hướng Bắc. Nhịp độ công việc tiến triển tốt đẹp và hoàn thành trước ngày Đại hội kỳ IV Lòng Chúa Thương Xót đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho Giáo hội Philippin.
Những tượng đài nổi tiếng trên do công lao con người chung sức đóng góp xây dựng, đặc biệt qua bàn tay các nghệ nhân nổi danh sáng tạo được thể hiện trên những tác phẩm độc đáo vô giá. Ngày nay du khách bốn phương đi tới chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ diệu này, đã để lại trong tâm hồn những ấn tượng khó quên, đồng thời không quên dâng lời nguyện cầu, xin Thiên Chúa ban cho gia đình và bản thân an bình trong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vinhsơn Vũ Đình Đường