Địa điểm quan trọng
Trên những ngọn đồi cao nhất ở phía tây Jerusalem, Kiryat Ye’arim được đề cập trong Sách Thánh là nơi cất giữ trong nhiều năm của Hòm Giao ước, một hộp hình chữ nhật gắn khối đá ghi Mười Điều Răn; bình vàng đựng manna; và cây gậy trổ hoa của ông Aharon. Lần đầu tiên, khu vực từng bảo tồn Hòm Giao ước trong suốt 2 thập niên sẽ được khai quật, dự kiến vào mùa hè 2017. Những nhà tổ chức hy vọng dự án nghiên cứu Kiryat Ye’arim (còn được chuyển ngữ là Kiriath Jearim) sẽ hé lộ những chi tiết liên quan đến tầm quan trọng của nơi này trong thời đại đồ sắt, giai đoạn liên quan đến sự xuất hiện của vua David trong Cựu Ước.
Được biết, Kiryat Ye’arim được đề cập trên 10 lần trong Sách Thánh, là một thị trấn của người Judah gần Jerusalem. Thị trấn nói đến trong Sách Thánh có sự kết nối với vùng đồi là nơi đặt tu viện Deir El-Azar, sát bên thị trấn Ả Rập thời hiện đại là Abu Ghosh, cách Cổ thành Jerusalem khoảng 12km về hướng tây. Một thị trấn Do Thái được xây dựng gần đó cũng được đặt theo tên di tích cổ. Và mùa khai quật đầu tiên của Gia đình Shmunis tại Kiryat Ye’arim sẽ được khởi động vào tháng 8, dưới sự bảo trợ của giáo sư Israel Finkelstein của Đại học Tel Aviv (Israel) cùng các chuyên gia Christophe Nicolle và Thomas Romer của Collège de France (Pháp).
Tờ The Times of Israel dẫn lời giáo sư Finkelstein nhận định: “Nơi này quan trọng vì nhiều lẽ”. Ông giải thích rằng đây là khu vực trung tâm và rộng lớn, nằm giữa các đồi núi Jerusalem chưa từng được khai phá trước đó. Có lẽ Kiryat Ye’arim là nơi duy nhất ở Judah chưa từng trải qua hoạt động khảo cổ học có hệ thống. Chóp của ngọn đồi chủ yếu trong tình trạng trơ trụi, trừ nơi vào thế kỷ 20 đã đặt tu viện Đức Bà của Hòm Giao ước (Our Lady of the Ark of the Covenant), ở độ cao 756m so với mặt nước biển. Nhà thờ này được xây trên nền một dinh thự từ thời Byzantine.
Vết tích theo Kinh Thánh
Bên cạnh đó, những thông tin thu được trong quá trình nghiên cứu sẽ cung cấp kiến thức rõ ràng hơn về nền tảng lịch sử của những trích đoạn quan trọng trong Sách Thánh, bao gồm những đoạn liên quan đến Hòm Giao ước, theo thông cáo của Collège de France. Cuộc khai quật sẽ tập trung vào khu vực xung quanh tu viện, và các chuyên gia hy vọng thông qua đó có thể xác định liệu đã từng tồn tại đền thờ tôn vinh một vị thần thời đó tên Ba’al hay không. Chẳng hạn, trong một số đoạn, Kiryat Ye’arim được đề cập như là một nơi thờ phượng tôn giáo. Nó được nhắc đi nhắc lại với đủ cái tên, từ Kiryat Ba’al, Ba’alah và Ba’ale Judah trong Sách Giôsuê, cho thấy nhiều khả năng nơi này từng có đền thờ Ba’al, vị thần bão tố trong tôn giáo cổ Canaanite.
Tu viện Đức Bà của Hòm Giao ước |
Theo Sách Samuel, Hòm Giao ước đã được bảo tồn ở Kiryat Ye’arim trong suốt 20 năm sau khi được người Philistine trao trả về tay người Israel. Hòm Giao ước là một biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa hướng dẫn dân Ngài. Dân Israel thường xuyên đặt Hòm Giao ước giữa chiến trường vì cho rằng “pháp bảo” sẽ bảo vệ họ trước sự tấn công của quân thù. Vì thế, người Philistine nổi lòng tham và cướp đoạt Hòm Giao ước. Tuy nhiên, khi lọt vào tay đối thủ của người Do Thái, Hòm Giao ước dường như chỉ mang lại chết chóc, bệnh dịch cho họ. Cuối cùng họ đành trao trả thánh vật cho người Judah. Những dòng chữ ghi lại Hòm Giao ước đã được đặt vào nhà của Avinadab trên ngọn đồi và được tu sĩ Elazar trông nom cho đến khi vua David cho chuyển về kinh đô ở Jerusalem.
Việc Kiryat Ye’arim được đề cập trong Sách Thánh vô cùng có ý nghĩa, và hoàn toàn hợp lý khi được phỏng đoán từng có một đền thờ tại nơi này. Theo giáo sư Finkelstein, “theo sau câu chuyện, địa điểm mà họ vận chuyển Hòm Giao ước không phải là nơi đồng trống hoặc dưới tán cây, mà ở trong một nơi thờ phượng quan trọng”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vai trò trên thực tế của đền thờ này. Sách Giôsuê đã được kết tập sau nhiều thế kỷ kể từ khi các sự kiện trên diễn ra. Cuốn sách đã đề cập một thực tế từng diễn ra tại đây có liên quan đến sự tồn tại của đền thờ thần Ba’al, hoặc chí ít là sự hoài niệm về một thời đại đã qua.
Các chuyên gia thừa nhận những câu hỏi chủ chốt liên quan đến lịch sử của Kiryat Ye’arim dường như khó được giải thích cặn kẽ nếu chỉ dựa vào hoạt động khai quật nơi này. “Bạn cần rất nhiều may mắn về mặt khảo cổ học để có thể cung cấp lời giải cho những câu hỏi phức tạp cỡ này”, theo giáo sư Finkelstein. Tuy nhiên, ông hy vọng họ sẽ thu được những thông tin cần thiết về lịch sử cư trú của con người tại đây, quá trình trỗi dậy và tàn lụi của họ, từ đó các học giả sẽ có thể phản ánh được một bức tranh lớn hơn về cuộc sống của người Judah thời đồ sắt, bao gồm cộng đồng gần Jerusalem.
LING LANG