Văn hóa nghệ thuật

Làng mứt Tết cổ truyền Xuân Đỉnh

Cập nhật lúc 06:02 03/02/2022
Tại một cửa hàng bán bánh mứt, kẹo truyền thống lớn cũng chỉ lác đác một vài khách. Ảnh: CTV
Tại một cửa hàng bán bánh mứt, kẹo truyền thống lớn cũng chỉ lác đác một vài khách. Ảnh: CTV

Mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, hộp mứt tết là những thứ không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình Việt vào dịp tết đến xuân về. Nhắc đến mứt Tết, người ta nhớ đến thức quà nổi tiếng của làng nghề Bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) một thời vang danh khắp đất Hà thành. Nhưng giờ đây, người ta không còn thấy hình ảnh tấp nập, hối hả chuẩn bị mùa mứt tết mà thay vào đó là khung cảnh vẻ đìu hiu, vắng vẻ tại làng nghề cổ truyền này.

Tấp nập làng mứt Tết Xuân Đỉnh thời hoàng kim

Từng có một thời, vừa bước đến cổng làng Xuân Đỉnh, người ta đã ngửi thấy hương thơm thoang thoảng nào là hương cay nồng của mứt gừng, nào là vị ngọt thanh của mứt hạt sen, nào là vị chua dịu của mứt quất. Tết mà thiếu mứt, như thiếu đi một món khai vị để người Việt khởi đầu một năm mới an khang, thịnh vượng. Mứt Tết được dùng với chén trà nóng. Dưới thời tiết se lạnh, không khí đầu xuân, người ta thưởng thức mứt Tết trong khi trao nhau những lời chúc, kể nhau nghe dăm ba câu chuyện năm cũ và mong ước một năm mới nhiều may mắn, phát tài.

Làng nghề mứt Tết Xuân Đỉnh có từ thế kỷ XIX. Một thời, cả làng Xuân Đỉnh đua nhau làm mứt Tết với gần 39 hộ sản xuất và cung cấp đến 630 tấn bánh kẹo vào dịp lễ tết. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng - chủ cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Sinh Hùng tại địa chỉ 88 đường Xuân Đỉnh đã gắn bó với nghề suốt 3 thập kỉ. “Gia đình tôi bén duyên với nghề từ năm 1972 và cũng là cơ sở đầu tiên trong làng làm mứt Tết. Từ thời ông tôi bắt đầu làm nghề này, rồi truyền lại cho bố tôi. Đến nay, tôi là đời thứ ba duy trì nghề của gia đình rồi”.

Mứt Tết Xuân Đỉnh đặc biệt bởi hương vị độc đáo của nó. Nguyên liệu phải chọn loại ngon. Mua về phải sơ chế, cắt khúc, thái thành miếng rồi mang đi sao. Đường cũng phải tìm loại thật chất lượng, trắng trong vừa phải. Lượng đường phải thêm sao cho đủ để miếng mứt có độ trong mà vẫn giữ vị ngọt thanh.

Tất cả các công đoạn từ chọn nguyên liệu đến chế biến, thành phẩm đều được thực hiện một cách tỉ mỉ,đảm bảo an toàn thực phẩm, cho ra những mẻ mứt thơm ngon. Nhà nào ít thì mỗi năm cũng làm được chục tấn, nhà nhiều thì mấy chục tấn cũng có.

“Đặc trưng nhất của làng mứt Tết Xuân Đỉnh phải kể đến những loại mứt bí, mứt lạc, mứt dứa, mứt gừng,... Nhưng gần đây, khẩu vị ăn uống của người dân cũng thay đổi nên chúng tôi cũng phải đa dạng hơn trong việc sản xuất. Có thêm mứt trái cây từ quả cà chua, hồng, lê,... nhưng vẫn đảm bảo hương vị riêng của mứt Xuân Đỉnh”.

Mỗi năm cứ đến độ đầu tháng Chạp âm lịch, người ta lại thấy nườm nượp những đoàn xe chở hàng mứt Tết đi khắp các tỉnh phía Bắc. Những hộp mứt được bọc bóng kính là sản phẩm quen thuộc có thể tìm thấy ở bất cứ hàng quán nào tại Hà Nội để người dân sắm sửa đón Tết.

Vắng vẻ làng mứt Tết một thời hoàng kim

Đông vui là vậy nhưng hình ảnh tấp nập đó giờ chỉ còn trong ký ức của những người dân tại làng Xuân Đỉnh. “Ế” cùng cảm giác buồn bã là cảm xúc rõ nhất của người dân nơi đây khi được hỏi về tình hình kinh doanh bánh kẹo, mứt dịp Tết 2022.

“Các đơn đặt hàng năm nay giảm đáng kể. Số lượng những nhà làm mứt truyền thống cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay” - ông Dũng không giấu được nỗi buồn.

Năm nay, ở làng Xuân Đỉnh, người ta vẫn cảm nhận được hương thơm ngọt ngào của mứt trong từng làn gió xuân nhưng cảnh xếp hàng dài chen nhau mua mứt đã không còn nữa. Làng nghề mứt Tết Xuân Đỉnh năm nay bao trùm một không khí đìu hiu, lác đác vài ba nhà bán lẻ, vài vị khách ghé thăm hỏi mua hộp mứt Tết biếu gia đình.

Phải kể từ khi quá trình đô thị hóa trên khu vực Xuân Đỉnh diễn ra nhanh chóng thì làng nghề mứt cũng bắt đầu dấu hiệu lụi tàn. Không còn chỗ phơi nguyên liệu, không khí ô nhiễm, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí có những mẻ nguyên liệu đã phơi khô nhưng phải rửa lại đến 3-4 lần rồi luộc lại mới mang đi sao.

Không những vậy, thị hiếu người Việt cũng dần thay đổi. Giờ người ta chuộng những loại bánh kẹo ngoại nhập với hộp sắt cứng cáp. Mang đi làm quà biếu người thân hay bạn bè nhìn đẹp mắt và lịch sự hơn hẳn. Sức ép từ nhiều phía khiến nhiều cơ sở bỏ nghề làm mứt, tìm hướng kinh doanh mới.

Đặc biệt, hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 khiến mọi lĩnh vực đều bị trì trệ, kinh tế suy giảm, sức mua cũng giảm, sợ không tiêu thụ được nên cửa hàng bánh kẹo mứt Sinh Hùng của ông Dũng cũng chẳng dám sản xuất nhiều.

“Bán, sản xuất mứt Tết ở Xuân Đỉnh bây giờ chủ yếu để duy trì truyền thống của cha ông để lại. Tuy nhiên, không biết chúng tôi sẽ cầm cự được đến bao lâu nữa, hay cũng đành chấp nhận để mất đi nghề truyền thống nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra”, Ông Dũng nói.

Nghề làm mứt Tết không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn ẩn chứa những nét đẹp, tinh hoa ẩm thực lâu đời của cha ông. Ngày nào những người làm nghề như ông Dũng và những hộ dân tại Xuân Đỉnh còn sản xuất mứt thủ công thì những hương vị ngọt ngào của ngày Tết vẫn còn được lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Đỗ Hằng
Thông tin khác:
Tết của người dân xứ Quảng (02/02/2022)
Hương xuân nơi làng nghề kẹo lạc (01/02/2022)
Chúa Giêsu chịu phép rửa (04/01/2022)
Ngôi đền cổ 3.000 năm ở Israel (02/01/2022)
Ngôi sao dẫn lối (26/12/2021)
Ba suối cá thần ở Thanh Hóa (20/12/2021)
Hội ngộ đầy hoành tráng (13/12/2021)
Sòng phẳng sống vô tư (29/11/2021)
Điềm lạ con người đến (18/11/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log