Văn hóa nghệ thuật

Ngôi đền cổ 3.000 năm ở Israel

Cập nhật lúc 07:27 02/01/2022
Các nhà khảo cổ học vừa tìm được tàn tích một ngôi đền nhỏ hơn Ðền Solomon ở khu khảo cổ Tel Moza, cách cổ thành Jerusalem khoảng 7 km về hướng tây bắc.

Nếu xét về khía cạnh khảo cổ học, Israel là một trong những nơi được nghiên cứu với mức độ dày đặc nhất trên thế giới, đến nỗi tưởng chừng như chẳng còn gì là bí mật ở đất nước này. Thế nhưng, thời gian chứng minh vẫn còn nhiều bí ẩn đang chờ được khám phá tại đây. Một trong những ví dụ điển hình là khu khảo cổ Tel Moza nằm ở khu vực trồng trọt màu mỡ của thung lũng Soreq.
 

 

Gần Ðền Solomon

Năm 2012, các nhà khảo cổ học của Cơ quan Nghiên cứu Cổ vật Israel (IAA) đã khai quật được một ngôi đền có niên đại vào khoảng năm 900 trước công nguyên (TCN). Khu vực đặt đền thờ được xác định là cổ thành Moza trong Kinh Thánh, nằm bên trong lãnh địa của bộ lạc Benjamin (Joshua 18:26). Dựa trên những gì còn sót lại, ngôi đền đã hoạt động liên tục kể từ khi xây dựng xong cho đến đầu thế kỷ thứ 6 TCN, lúc nó bị bỏ hoang (cũng trùng với thời gian vua Babylon Nebuchadnezzar II kéo quân đánh chiếm Jerusalem). Dù Kinh Thánh vào thời điểm đó chỉ đề cập đến Ðền thờ Thứ nhất ở Jerusalem, rõ ràng một đền thờ nhỏ hơn (18x10m) vẫn tồn tại ở trung tâm cộng đồng Do Thái, cách không xa cấu trúc tráng lệ và nguy nga của Ðền Solomon.

 

Mùa xuân năm 2019, nơi này đã trải qua cuộc khai quật đầu tiên theo Dự án khám phá Moẓa do nhà nghiên cứu Shua Kisilevitz và giáo sư Oded Lipschits thuộc Ðại học Tel Aviv triển khai theo ngân sách tài trợ của IAA. Trong bài viết tựa đề “Một ngôi đền khác ở Judah! Câu chuyện về Tel Moa” đăng trên chuyên san Biblical Archaeology Review, các tác giả cho biết: “Rõ ràng những đền thờ như ngôi đền ở Moza không chỉ mà phải được tồn tại xuyên suốt giai đoạn Ðồ sắt, đóng vai trò là công trình tôn giáo được phép xây dựng bên cạnh ngôi đền chính thức ở Jerusalem”.

Theo cuộc nghiên cứu, việc xây dựng đền thờ ở vị trí trên, và thường xuyên thờ phụng là một tiến trình tự nhiên của một cộng đồng đang sinh sôi và phát triển. Sự tồn tại của đền thờ nhằm đảm bảo thành công về kinh tế và gia tăng uy tín của giới lãnh đạo địa phương.

 

Bộ ba đầu tượng

Không dừng lại ở đó, cuộc nghiên cứu của hai chuyên gia Kisilevitz - Lipschits còn khai quật được đồ tạo tác vô cùng đặc biệt. Trong bài viết mới “Khuôn mặt của Thượng Ðế?” đăng trên chuyên san Biblical Archaeology Review, giáo sư Yosef Garfinkel của Ðại học Hebrew ở Jerusalem, ghi nhận đã tìm được 3 cổ vật bằng đất sét khắc họa hình dạng đầu của nam giới. Trong đó, 2 cổ vật được phát hiện ở Tel Moza và cái thứ ba (chiều cao 5 cm), được ông khai quật tại khu khảo cổ Khirbet Qeiyafa, cách Jerusalem khoảng 36 km về hướng tây nam. Tất cả có niên đại vào thế kỷ thứ 10 đến thứ 9 TCN.

 

Vị giáo sư đã so sánh nhóm đầu tượng với 2 mẫu vật tương tự đang được bảo quản tại Viện Bảo tàng Israel ở Jerusalem, và phát hiện có vẻ như các cổ vật này đều xuất phát từ cùng một giai đoạn, dù chưa rõ nguồn gốc của những nhóm tượng. “Kết hợp với các bản thảo khảo cổ, giai đoạn xuất hiện, phân bổ địa lý, nghiên cứu về biểu tượng học, các văn bản tiếng Ugaritic và tư liệu dựa trên Kinh Thánh, những bức tượng nhỏ này đại diện cho một vị thần nam giới - nhưng câu hỏi đặt ra là người Do Thái cổ lúc đó thờ vị thần nào?”, giáo sư Garfinkel viết.

 

Ðội ngũ khảo cổ cũng tìm được hai bức tượng hình con ngựa gần các bức tượng đầu người ở Tel Moza. Giáo sư Garfinkel cho rằng các đầu tượng ở Tel Moza trước đây thuộc về những kỵ sĩ trên lưng ngựa. Kế đến, ông tìm được nhiều dòng chữ bằng tiếng Ugaritic mô tả về vị thần Baal của người Canaan là “kỵ sĩ của Thiên Ðường”, hoặc “kỵ sĩ trên những đám mây”. Và hai cụm từ này được sử dụng để gọi danh xưng của Thượng Ðế - Giavê thánh vịnh; Sách Isaia, Sách Ðệ Nhị Luật... Trong Sách Habakkuk, Ðấng Giavê được mô tả ngồi trên lưng ngựa. Dựa vào những manh mối trên, giáo sư Garfinkel kết luận nhóm bộ ba đầu tượng tìm được ở Tel Moza và Khirbet Qeiyafa là những hình ảnh của Thượng Ðế, được người thời xưa tưởng tượng và tạc lại. 

 

 

LING LANG
Theo: cgvdt.vn

Thông tin khác:
Ngôi sao dẫn lối (26/12/2021)
Ba suối cá thần ở Thanh Hóa (20/12/2021)
Hội ngộ đầy hoành tráng (13/12/2021)
Sòng phẳng sống vô tư (29/11/2021)
Điềm lạ con người đến (18/11/2021)
Ký ức một thời về guốc mộc Hội An (15/11/2021)
Đền thánh Sa Châu Giao Thủy, Nam Định (12/11/2021)
Hai sân vận động Quốc gia (11/11/2021)
Biết có ngày tận thế (09/11/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log