Văn hóa nghệ thuật

Lịch sử Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci

Cập nhật lúc 16:27 16/08/2024
Qua hơn 500 năm tồn tại đến nay và đã trở thành một tuyệt tác nghệ thuật quý hiếm vô giá của họa sư thiên tài Leonardo da Vince để lại, bức tranh đã làm đề tài cho bao nhiêu chuyện kỳ lạ, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu những diễn nghĩa mà kẻ hậu sinh thưởng lãm đã nghĩ thay, nói thay cho những nhân vật trong tranh.
Rất tiếc một số cảnh trong lễ khai mạc Olympic Thế giới 2024 tại Paris đã xúc phạm nguyên bản bức tranh khiến cho Tòa Thánh Vatican và Hội đồng Giám mục nhiều Quốc gia lên tiếng, cũng như một số các nhà tài trợ đã cắt quảng cáo cho sự kiện thể thao tầm cỡ Quốc tế này. Nhân đây ta cùng tìm lại lai lịch bức họa quý hiếm. 
 
Bữa ăn tối cuối cùng là bức bích họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci.
Bữa ăn tối cuối cùng là bức bích họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci.

I. ĐÔI NÉT CHẤM PHÁ VỀ BỨC HỌA 
Thật là một sự kỳ diệu số phận của tuyệt tác “Bữa Tiệc Ly  - Last Super”  ban đầu mang tên “Bữa ăn chiều cuối cùng - The Last Supper” do họa sĩ Leonardo da Vinci (1452 - 1519) thực hiện, trong vòng 7 năm mới hoàn thành (năm 1498), vẽ cảnh Chúa Giêsu và 12 Tông đồ trong bữa ăn sau cùng, trước khi Chúa bị Giuđa phản bội bán cho quan quân Do Thái lấy 30 đồng bạc. Bức họa tồn tại gần 5 thế kỷ, trên bức tường nhà thờ Santa Maria Dellle Grazie ở thành phố Milan, trong chiến tranh Thế giới lần thứ II vào năm 1943 quân đồng minh đã không kích gây tổn thất nhiều công trình quan trọng trong đó có nguyện đường Santa Maria Delle Grazie cũng bị bom thổi bay mái, đa số các bức tường sụp đổ biến thành đống gạch vụn. Nhìn cảnh tượng này ai cũng tiếc thương tác phẩm bị hư hỏng rồi, mất đi một tuyệt tác vô giá bởi lòng thù hận và tham lam của con người.
Sau vài tháng vụ không kích, những công nhân thu dọn đống đất đá và bê tông vùi lấp bức tường chứa bức bích họa không thể tin vào mắt mình, hầu như bức tranh không bị suy suyển gì như một phép lạ. Chính linh mục  Acerbi  người coi sóc nhà thờ lúc đó cho rằng “Bữa Tiệc Ly” đã được “Chúa cứu” trước sự phá hoại của bom đạn, từ đó đến nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp, ngoài sự can thiệp của Đấng Quyền Năng.
Mặc dù là một họa sĩ nổi tiếng, tài hoa nhưng Leonardo da Vinci rất kỹ và cẩn thận, đã phải cất công đi tìm mời những nhân vật ngồi làm mẫu, sau đó cặm cụi vẽ không ngơi nghỉ, cực khổ trong thời gian dài.  Khởi đầu giữa hàng ngàn người làm mẫu, ông đã chọn được một chàng trai 19 tuổi với gương mặt tuấn tú, thánh thiện toát lên một nhân cách tinh khiết, dễ mến để làm mẫu vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu, ngồi giữa trung tâm bức họa, mất hết 6 tháng mới hoàn tất.
Tiếp tục sáu năm sau đó, ông miệt mài vẽ lần lượt cho xong 12 vị Tông đồ, nhưng đến khi vẽ tên bán Chúa là Giuđa  thì phải ngừng lại, vì họa sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt phải đầy đủ nét gian manh ham lợi. Cuộc tìm kiếm người này thật gian nan khó khăn, vì bao nhiêu gương mặt độc ác và xấu xa nhất đưa đến, mà Vinci vẫn cho rằng chưa đủ bộc lộ cái gian ác của Giuđa. Bất ngờ một hôm ông được thông tin rằng có một tên tử tội đang bị giam trong hầm ngục ở Rôma, là người có thể họa sĩ đang tìm kiếm.
Khi người ta đưa đến trước mặt một gã đàn ông đen đúa, tóc tai bẩn thỉu xõa xuống, một khuôn mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hoá, đúng là một Giuđa mà Vinci muốn tìm. Khi nhà vua cho phép, kẻ tử tù được giải tới Milan, nơi bức tranh đang vẽ dở dang. Hằng ngày tên tử tù ngồi yên lặng để cho họa sĩ  truyền tải vào bức tranh khuôn mặt của kẻ phản phúc.
Bức tranh sau cùng cũng hoàn thành, khi lính canh vào lôi tử tù đi về trại giam, thì hắn nhào lại quỳ xuống dưới chân Da Vinci, khóc lớn tiếng: “Ngài Da Vinci! Bấy lâu nay Ngài không nhận ra tôi sao?”. Người Họa sĩ tài danh trước tình cảnh bất ngờ, nhìn kỹ lại kẻ mà suốt 6 tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt để vẽ, rồi từ tốn đáp: “Không, ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi  được đưa đến từ hầm ngục ở Rôma...”. Tên tử tù bèn kêu lên “Ngài Vinci... Hãy nhìn kỹ tôi đây! Tôi chính là người mà bảy năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu...”.
Nhân vật từng được chọn để vẽ khuôn mặt thánh thiện của Chúa Giêsu, mà chỉ một thời gian đã tự làm mình trở thành một kẻ bất lương phản bội với khuôn mặt xấu xa ghê gớm như vậy sao?  Câu chuyện trên được coi là có thật, cũng như diễn tiến thời gian 7 năm thực hiện bức tranh “Bữa ăn chiều cuối cùng” cũng là có thật.
II. TÂM TRẠNG NHỮNG NHÂN VẬT TRONG TRANH
Chiều ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu vào bàn ăn với 12 Tông đồ (Mc 14:17) bữa tiệc đang diễn tiến với niềm hân hoan, tình Thầy trò thân mật thắm thiết, thì đột nhiên một lời loan báo cực kỳ quan trọng được tiết lộ, Chúa Giê su nói với các môn đệ: “Thầy bảo thật Anh em, một người trong Anh em sẽ nộp Thầy...” (Mt 26: 21). Ngay lúc đó một phản ứng cấp kỳ diễn ra thật sôi nổi:
Nhìn vào bức họa Bữa Tiệc Ly ta sẽ nhận thấy tâm trạng của 11 Tông đồ và Giuđa trong buổi hội nhóm cuối cùng này. Họa sư đã lột tả cho người đời sau chẳng những nhìn thấy chân dung, mà còn diễn tả cho biết tâm trạng, ý nghĩ tâm tư của từng nhân vật trong tranh thật sâu sắc, qua những cử chỉ dung mạo hoàn toàn khác biệt của mỗi cá nhân.
Nhóm 1 - Bên phải cạnh Chúa Giêsu gồm có: Phêrô - Gioan  - Giuđa.
Nhóm 2 - Bên trái cạnh Chúa Giêsu gồm có: Philípphê - Batôlômêô - Giacôbê.
Nhóm 3 - Cạnh nhóm 1 bên phải Chúa Giêsu gồm có: Andrê - Giacôbê Hậu - Tôma.
Nhóm 4 - cạnh nhóm 2 bên trái Chúa Giêsu gồm có: Mátthêu - Tađêô - Simon.
Trong giây phút rối loạn này, tức khắc bộc phát các diễn biến, chia theo từng tốp để tìm cho ra ai là người trong bàn tiệc dám cam tâm bán đứng Thầy mình.
Nhóm 1: Tách ra thành khoảng trống, cách nhân vật trung tâm Chúa Giêsu khá xa, đặc điểm của nhóm này là cử chỉ có vẻ dè dặt, tính toán:
- Gioan: Người môn đệ Chúa yêu, với dáng vẻ ủ rũ, buồn sầu, chán nản , nghiêng về về phía Phêrô, hai tay đan lại để trên bàn và như muốn nói với Phêrô về tâm trạng của mình với Thầy.
- Phêrô: Sau lưng Gioan và Giuđa, Ông sửng sốt hếch hàm, hướng về nhân vật trung tâm, tay trái để lên vai và thì thầm bên tai Gioan một điều gì đó, trong khi tay phải nắm chặt lấy thanh kiếm, với tính tình nóng nảy nhiệt thành, ông như muốn quyết tâm bảo vệ Thầy mình.
- Giuđa:  Quay phắt lại, tay run run nắm chặt túi tiền, vẻ mặt hoảng hốt sợ hãi nhìn về phía Chúa Giêsu với những tính toán đang diễn ra trong tâm trí ông. Với gương mặt xù xì hốc hác, tương phản với nét mặt trẻ đẹp, duyên dáng, sáng sủa của Gioan. Đã thế, Giuđa lại còn vờ vịt, bẻm mép  hỏi lại Thầy: “Chẳng lẽ con sao?”, Chúa Giêsu  thấu suốt tâm trạng nói thẳng cho hắn: “Chính anh đó” (Mt 26: 25).
 Nhóm 2: Tỏ vẻ khắng khít đoàn kết, cùng chung một ý chí, cùng biểu lộ một động tác:
- Philípphê: trẻ trung hăng hái. Giơ tay phải hướng về Chúa Giêsu, với vẻ mặt bối rối ra ý hỏi.
- Giacôbê: lớn tuổi hơn, đồng tình với Philipphê, cũng phẫn nộ giơ tay lên như muốn ăn thua đủ, ông này người hơi lùi về phía sau, có ý tránh né những cử chỉ hăng hái biểu lộ sự nóng nảy, bộc trực của đôi tay Philipphê.
- Batôlômêô: Với dáng dấp hiền lành, khiêm nhường, hai tay đan vào nhau để trước ngực như muốn biểu lộ sự đồng tình với Philipphê và Giacôbê. Tuy nhiên, trong thâm tâm, ông đầy những nỗi buồn day dứt, đắng cay, lòng dạ tái tê.
Nhóm 3: biểu lộ một cách trầm tĩnh nhưng cương quyết:
- Anrê:  Đàn anh lớn tuổi, nắm tay lại giận dữ như muốn đấm, chống tay xuống bàn, cử chỉ thách đố, tỏ ý bực bội, mặc dầu lớn tuổi ông cũng tỏ thái độ anh hùng tính để bảo vệ Thầy mình.
 - Giacôbê Hậu: Ngả lưng ra sau lưng Anrê, hướng về nhân vật trung tâm, mặt ông xanh xao lạ lùng, tỏ vẻ bàng hoàng lo âu, không hiểu sự việc diễn tiến ra sao ? Ông chỉ còn biết thì thầm: “Thầy ơi!...”
- Tôma: Ông này rất nôn nóng, tỏ ý bực bội, đứng phắt dậy như muốn đặt vấn đề với mọi người và như muốn hỏi Chúa Giêsu: - Thưa Thầy, tại sao lại có vấn đề như thế ?
Nhóm 4: Nhóm này chia sẻ có vẻ sôi nổi , nhưng rất công phẫn:
- Mátthêu: Nổi giận, giơ thẳng tay chỉ về Chúa Giêsu, rồi quay phắt sang người bên cạnh.
- Tađêô: Là người lớn tuổi hơn, như muốn yêu cầu ông này giải thích toàn bộ sự kiên xẩy ra. Nhưng cử chỉ lúng túng, ngây ngô, thẫn thờ bối rối của Tađêô chứng tỏ ông này - quả thật, không hiểu gì!
- Simon: Cũng không nắm vững vấn đề cho lắm. Ông đành lòng phải chấp nhận sự việc đã rồi mà lòng dạ nóng như lửa. Ông chỉ mong sao sự việc được kết thúc mau chóng tốt đẹp.
Toàn diện bức ảnh, từ cảnh trí đến các nhân vật, đều hướng về tâm điểm: Chúa Giêsu Kitô, vì Thiên Chúa làm người, đã chết vì yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Ngài còn lập Bí tích  Thánh Thể để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế cũng trong bữa tiệc này (Luca 22: 19). Ngày nay Giáo hội kỷ niệm biến cố trọng đại vào thứ năm Tuần Thánh.
III. “BỮA TIỆC LY” VẪN HIỆN DIỆN QUA DÒNG ĐỜI
Danh họa thời Phục hưng - Leonardo da Vinci sinh năm 1452 tại Anchiano -Ý, suốt đời ông phục vụ cho nghệ thuật và được biết là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và còn là nhà triết học tự nhiên người Ý. Ông qua đời tại  Amboise - Pháp quốc  vào năm 1519. Theo dòng thời gian  số tác phẩm của Da Vinci nay còn sót lại không nhiều, chỉ còn khoảng từ 15 đến 20 bức hiện có thể xác định chắc chắn là của ông trong số đó 2 bức “Nụ cười nàng Mona Lisa” và “Bữa ăn chiều cuối cùng” là nổi tiếng nhất.
Thật là may mắn qua bao thăng trầm, tác phẩm vô giá thời Phục hưng đã được phục hồi  nhờ vào công sức của các chuyên gia, khởi động từ thập niên 1970 với nhiều khoa học gia và giới sử gia nghệ thuật, khi xử dụng các hóa chất đặc biệt để tái tạo những mảng màu sắc như ban đầu, do đó bức họa của Da Vanci gần như chưa từng bị hề hấn.
Sau 29 năm được phục hồi vào tháng 5/1999, nhà thờ và Hiệp hội các Bảo tàng Quốc gia Cenacolo đã tổ chức một cuộc triển lãm “ Bức Tiệc Ly “ kéo dài đến ngày 8/12. Mỗi lượt chỉ có 25 người được vào căn phòng chứa bức bích họa, và họ chỉ được ở 15 phút là phải đi ra nhường cho lượt sau vào thưởng lãm. Rất nhiều du khách khắp nơi đổ xô đến Milan để tìm hiểu về lịch sử bức tranh còn tồn tại một cách hy hữu, sau cuộc không kích ác liệt của Thế chiến thứ hai, cũng như được tận mắt ngắm nhìn tuyệt tác vô giá của danh họa Leonardo Da Vinci. 
 
Leonardo da Vinci là một thiên tài lỗi lạc về mọi phương diện.
Leonardo da Vinci là một thiên tài lỗi lạc về mọi phương diện.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Nhà thờ Tôn Đạo: Kiệt tác kiến trúc trăm tuổi (24/07/2024)
Vết chân cuối cùng của Chúa trên mặt đất (04/07/2024)
Kinh Hòa Bình - một tuyệt tác vượt thời gian (02/07/2024)
Viết nhân Ngày của cha (16/06/2024)
Hàng triệu người vượt nắng nóng dự lễ hành hương Hajj (15/06/2024)
Mưa rào mùa hạ (09/06/2024)
Đường thẳng 240km dài nhất thế giới, xuyên qua sa mạc không một khúc cua (28/05/2024)
Lạc vào miền xứ đạo (25/05/2024)
Nhà nguyện Thánh giá tại Sendona - Arazona (24/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log