Văn hóa nghệ thuật

Mùa Chay và giữ Chay

Cập nhật lúc 14:33 20/02/2023
Chúng ta bước vào Mùa Chay khởi đầu từ thứ Tư lễ Tro. Mùa Chay năm nay bắt đầu từ thứ tư 22/2/2023 đến ngày 31/3 /2023 (hết tuần thứ 5 Mùa Chay) sau đó là bước vào Tuần Thánh với Tam nhật vượt qua và Chúa nhật mừng Chúa Phục sinh 09/04/2023 (bắt đầu Mùa Phục sinh). Chúng ta cùng tìm hiểu về việc xức tro, Mùa Chay và giữ Chay.
Bức tranh khảm từ thế kỷ XII ở Vương cung thánh đường Thánh Máccô tại Venezia, Ý, “Chúa Giêsu chịu sự cám dỗ” là một câu chuyện Kinh thánh được trình bày chi tiết trong các sách Phúc âm của Matthêu.
“Chúa Giêsu chịu sự cám dỗ” là một câu chuyện Kinh thánh được trình bày chi tiết trong các sách Phúc âm của Matthêu.
1. Nguồn gốc và ý nghĩa việc xức tro
Việc sử dụng tro để rắc lên đầu hay phủ lên thân mình nhằm thể hiện sự thống hối đã xuất hiện ngay từ trong thời Cựu Ước.
Sách Giôna thuật lại rằng: “Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ´Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.` Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3,4-6).
Còn sách Đanien thì ghi lại lời sau đây của Ngôn Sứ Đanien: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu, rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9,3).
Sang thời Kitô giáo, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, những người nào bị phạt phải thực hiện những hành vi sám hối công khai vì đã phạm phải một hoặc nhiều trọng tội, thì ngay từ đầu Mùa Chay, họ phải mặc trên mình một bộ áo vải thô, hay cũng còn được gọi là bộ quần áo thống hối. Những bộ quần áo này thường được dệt từ vỏ cây gai theo dạng rất thô sơ, giống như những chiếc bao bố. Bên cạnh đó, họ còn phải phủ tro hay rắc tro lên người. Tại Giáo hội Gallia, tức tại Pháp quốc, dựa vào cảnh tượng Ađam và Evà bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng sau khi phạm tội (St 3tt), vào ngày thứ Tư lễ Tro, những người mắc trọng tội sẽ tạm bị trục xuất ra khỏi nhà thờ. Và tới ngày thứ Năm Tuần Thánh thì những người đó mới lại được tái đón nhận vào trong nhà thờ, và từ đó mới được phép Rước Lễ.
Khoảng từ cuối thế kỷ thứ X, những tục lệ kể trên mất dần, thay vào đó, người ta tiến hành việc rắc tro lên đầu cho tất cả các tín hữu, trước hết là để thể hiện tình liên đới với các tội nhân sám hối.
Lời nguyện đầu tiên trong nghi thức làm phép tro có nguồn gốc từ thế kỷ XI. Còn quy định phải đốt những cành cây hay cành lá mà chúng được sử dụng trong Chúa nhật lễ Lá của năm trước đó, để làm tro cho ngày thứ Tư này, có nguồn gốc từ thế kỷ XII. Tại Công đồng Benevent (1091), Đức Thánh Cha Urban II đã ra lệnh áp dụng cho toàn Giáo hội nghi thức rắc tro lên đầu các tín hữu.
 
Mùa Chay mở lối cho mỗi người Công giáo ăn năn hối cải để trở nên tốt đẹp mỗi ngày.
Mùa Chay mở lối cho mỗi người Công giáo ăn năn hối cải để trở nên tốt đẹp mỗi ngày.
2. Mùa Chay
Mùa Chay hay Mùa Bốn mươi (Tiếng Anh: Lent, tiếng Latinh: Quadragesima) là một mùa phụng vụ quan trọng trong lịch phụng vụ của nhiều hệ phái Kitô giáo. Mục đích truyền thống của Mùa Chay là việc chuẩn bị của các tín hữu qua lời cầu nguyện, sám hối, ăn năn tội lỗi, thực hành các việc bác ái, chuộc tội và hãm mình. 
Trong Kitô giáo, Mùa Chay kéo dài 40 ngày tức khoảng sáu tuần lễ trước Lễ Phục sinh, bắt đầu từ thứ Tư lễ Tro và kết thúc trước Tam nhật vượt qua chiều thứ Năm Tuần Thánh. Lễ Phục sinh luôn luôn rơi vào một chủ nhật giữa ngày 22 tháng 3 và 25 tháng 4 vì vậy, thứ Tư lễ Tro có thể rơi vào bất cứ thứ tư nào giữa ngày 4/2 và 10/3.
Số “bốn mươi” mang nhiều ý nghĩa Kinh Thánh như: bốn mươi ngày Moses trên Núi Sinai với Thiên Chúa, Thiên Chúa làm trận Đại hồng thủy bốn mươi ngày đêm, hành trình bốn mươi năm đến Đất Hứa của người Do Thái, lời kêu gọi sám hối của tiên tri Jonah cho thành phố Nineveh và đặc biệt 40 ngày Chay Thánh là khoảng thời gian chuẩn bị tâm hồn để được hân hoan đón nhận ân sủng Phục sinh.
Thời gian bốn mươi ngày cũng tượng trưng cho 40 ngày Chúa Giêsu trong hoang địa, nhịn ăn và chịu ma quỷ cám dỗ về ba phương diện của cuộc sống: lòng khao khát đời sống xác thịt, mong muốn quyền lực và lòng kiêu ngạo. Nhưng Chúa Giêsu đã vượt qua được bằng việc trích dẫn nhiều câu trong Kinh Thánh Cựu Ước để phản hồi lại ma quỷ.
3. Giữ Chay
Theo truyền thống Kitô giáo, 40 ngày trong Mùa Chay được đánh dấu bởi việc ăn kiêng, làm từ thiện và hạn chế những thú vui. Ba việc thực hành truyền thống được coi trọng là cầu nguyện (công lý về phía Thiên Chúa), nhịn ăn (công lý về phía bản thân), và làm việc bác ái (công lý về phía tha nhân).
Thời cận đại, theo quy định của Giáo hội Công giáo Rôma đề cao tinh thần của việc ăn chay thì ngày thứ Tư lễ Tro, thứ Sáu Tuần Thánh và tất cả các ngày thứ Sáu trong các tuần của Mùa Chay buộc các tín hữu từ 14 đến 60 tuổi phải giữ chay và kiêng thịt Nhưng ngày nay, luật này được nới lỏng chỉ buộc giữ chay và kiêng thịt vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, những ngày khác tín hữu được khuyến khích ăn kiêng (ăn đạm bạc, không ăn những món xa xỉ, đắt tiền) hoặc ăn ít hơn bình thường (không ăn vặt chỉ ăn những bữa chính). (Lưu ý: ăn ít hơn hoặc ăn kiêng cũng được coi là một hình thức ăn chay chứ không bắt buộc phải kiêng ăn thịt, cá, trứng, sữa, pho mát, mật ong như các tôn giáo khác) qua đó dành phần ăn kiêng (tiết độ) để làm việc bác ái, giúp đỡ người khác.
Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi. Thư thánh Phaolô nói với chúng ta: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” (2Cr 6,2). Đây là thời gian khẩn trương trong Năm Phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu nhiệm Phục sinh. Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.
FX. Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Cây cầu hơn 100 năm tuổi bắc qua sông Danube thơ mộng (10/02/2023)
Công viên rừng (06/02/2023)
Chiêm ngưỡng hồ Bán Nguyệt 2000 năm lọt thỏm giữa sa mạc (30/01/2023)
Ấn tượng xứ sở Kangaru (27/01/2023)
Thú chơi tranh con giáp - nét đẹp văn hóa ngày Tết (22/01/2023)
Nhiều cơ hội đặt khách sạn và tour chơi Tết giờ chót (17/01/2023)
Xuân mới trên vùng cao Tân Tiến (17/01/2023)
Đền thánh giáo xứ Tiêu Động Thượng (11/01/2023)
Chào xuân 2023: Những phong tục đón năm mới độc đáo và kỳ lạ trên thế giới (31/12/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log