Nhà thờ Ka Đơn đoạt giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6 – năm 2016. Ảnh: CTV |
Các nhà thờ thường quen thuộc với kiến trúc gotich, rôman kiên cố xây bằng gạch, đá, xi măng rải rác khắp Việt Nam. Còn ngôi nhà thờ Ka Đơn ở trên một gò đất cao nhưng bằng phẳng, xung quanh vi vút thông reo chẳng có tí gạch đá nào mà chỉ có gỗ thông, trừ mái ngói và đường kiệu gạch. Chiếc cổng nhà thờ cũng lạ. Không có cổng chào, không cánh cổng. Chỉ có một tấm biển với hàng chữ cũng đơn sơ, không cầu kỳ sắc nét như chính chiếc biển. Mấy đoạn gỗ thông đặt lên một gốc gỗ lũa lâu năm: Nhà thờ Ka Đơn. Nhà thờ đúng là ngôi nhà dài của người dân tộc nơi đây: người K’Ho. Hóa ra mỗi dân tộc có một kiểu nhà dài: Nhà thờ chính tòa Lạng Sơn, là kiểu nhà dài của người Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng.
Giáo xứ Ka Đơn được thành lập từ năm 1994 dưới thời Đức cha Batholomeo Nguyễn Sơn Lâm, sau này ngài ra làm Giám mục Thanh Hóa và là Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam. Cha xứ tiên khởi là linh mục Alexis Nguyễn Phúc Hậu. Nhà thờ đầu tiên của Ka Đơn dựng bằng khung sắt, lợp tôn có xây tường gạch bao quanh. Năm 2007, cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc được cử về coi sóc Ka Đơn, ngài đã chuẩn bị một kế hoạch xây dựng ngôi nhà thờ mới nhưng sao phải mang được văn hóa của người Churu và K’Ho ở đây. Cha đặt hàng cho các kiến trúc sư trong nước và cả ở nước ngoài. Rất may, có một nhóm sinh viên người Việt học kiến trúc đang du học ở Đức ghé thăm Ka Đơn. Nghe nguyện vọng của cha Ngọc. Họ rất thích và chọn thiết kế nhà thờ Ka Đơn làm đồ án tốt nghiệp. Đồ án của họ được đánh giá xuất sắc. Tất nhiên, chưa hoàn thiện để thi công được. Một nhóm kiến trúc sư người Việt và Đức ở Đại học kỹ thuật Berlin tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện. Có một số thiết kế được hoàn thành. Vừa lúc đó có cuộc thi về kiến trúc thánh do quỹ Fretle Sola tại Pania, Italia tổ chức. Nhà trường đã chọn bản thiết kế của hai tác giả người Việt là kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng có tên là “Sự trở lại của hồn đất” (Petrura Genius Loci) tham dự cuộc thi. Kết quả thật bất ngờ. Bản thiết kế nhà thờ Ka Đơn đã được chọn là đồ án xuất sắc nhất giành cho Thạc sĩ, Tiến sĩ nghệ thuật thánh.
Nhà thờ được khởi công ngày 13/12/2009 do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn lúc đó đang là Giám mục Đà Lạt, bây giờ là Hồng y Tổng Giám mục Hà Nội đặt viên đá đầu tiên. Ngôi nhà thờ được cung hiến ngày 13/7/2014 có cả sự hiện diện của Đức Hồng y Phêrô, Đức TGM Leopold Girelli- đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Nhà thờ có 4 mái dài kéo xuống sát gần mặt đất. Một kiến trúc làm cho ai bước vào nhà thờ cũng phải hơi cúi đầu như giúp con người sám hối trước khi gặp Chúa. Nhà thờ không có tường ngăn. Chỉ có những nan gỗ thông vàng óng cùng màu với trần nhà thờ và ghế ngồi. Nhà thờ không có tiền sảnh, không có bậc thềm lên xuống. Các nhà kiến trúc muốn tạo không gian gần gũi, thân thiện để không ai dù nghèo khổ hay khuyết tật cũng không bị mặc cảm khi bước vào nhà thờ. Ghế nhà thờ xếp quây quần quanh gian thánh chứ không chia làm hai phần trên dưới như các nhà thờ khác. Nhà thờ chỉ có tượng chịu nạn đơn sơ trên gian thánh. Tòa Thánh Thể được thiết kế như nhà rông Tây Nguyên. Nhà thờ Ka Đơn được bình chọn là kiến trúc ấn tượng nhất, hài hòa với thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam năm 2015.
Nói đến nhà thờ Ka Đơn mà không nói đến cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc là thiếu sót. Chính cha mới là tác giả có công gìn giữ cho văn hóa Churu, K’Ho khỏi thất lạc. Cha học tiếng dân tộc nơi đây. Cha đi sưu tầm ca dao, tục ngữ của người dân tộc, làm 10 cuốn cả từ điển và ca dao, tục ngữ rồi dịch sách thánh, thánh ca ra tiếng Churu, K’Ho. Người già ở đây nói, thanh thiếu niên bây giờ đi học, nói tiếng Kinh cả, chẳng còn nói tiếng cha ông nữa. Chỉ có đến nhà thờ là còn nghe, còn hát tiếng dân tộc thôi.
Cha Ngọc bảo rằng, khi cha đến đây năm 2007 thì dân cư còn nghèo lắm. Đường đi lầy lội, lúc nào cũng ngập nước về mùa mưa và bụi mù về mùa khô. Lúc đó, nhà ai cũng có những gia tài văn hóa như cồng chiêng, đồng la, chum chóe. Nhưng vì thiếu ăn, họ cứ đổi dần cho người miền xuôi. Cha đi từng nhà khuyên họ cố giữ lại. Cha bảo: nếu không giữ lại, vài chục năm nữa, bà con mất gốc vì mất văn hóa là mất dân tộc. Nhưng rồi, cái khó nó buộc người dân phải tiếp tục bán đổi. Từ mành cửa bằng xương thú đến bộ ché quý giá. Một cái chóe trước đây từng đổi được 40 con trâu. Vậy là cha đi mua lại để giữ. Cái gì họ quăng đi thì cha lượm về cất như cái lược chải chấy chẳng hạn. Cha nói, hồi trước vẫn thấy các bà mẹ chải chấy cho con gái bằng cái lược dày bằng xương thú này. Chải được cả chấy và trứng chấy. Bây giờ, không còn chấy nữa nên họ quăng đi.
Hay quả bầu khô để ủ cháo chua là món ăn truyền thống của người Churu. Nhưng nấu cháo kiểu này cầu kỳ, công phu lắm, bây giờ chẳng ai nấu nữa nên quả bầu họ cũng vứt đi. Còn bộ cồng chiêng, người xuôi lên trả 3-4 triệu đồng. Ham tiền họ bán. Nghe tin, cha lại đến mua về cất giữ trong “bảo tàng”. Nhưng dân bây giờ có việc lại đến mượn về dùng. Xong việc lại đưa trả “bảo tàng cha Ngọc”.
Cha Ngọc say sưa giới thiệu chiếc đòn tre cộng sinh (ảnh dưới) mà cha gọi đó là triết lý sống của người Churu. Khi thả trâu, có con phá đám cứ chạy nhảy lung tung khiến cả đoàn không gặm cỏ được. Người Churu làm ra một thanh tre, mỗi đầu có sợi dây mềm nhưng chắc để cột vào mũi trâu. Thế là con nọ phải dựa vào con kia để đi, để ăn, không thể chạy nhảy lung tung được.
Nhà thờ Ka Đơn lưu giữ nét văn hóa độc đáo người Chu Ru. Ảnh: Thanh Tuyền |
Xem bảo tàng của cha Ngọc thấy rất thích thú với vài trăm hiện vật có giá trị. Từ dụng cụ sản xuất, săn bắn, hái lượm đến các nhạc cụ dùng trong lễ hội. Từ bộ đàn đá đến đầu bò rừng- chiến lợi phẩm của các trận săn thú đến đồ nghi lễ thờ cúng. Cũng có một Thánh giá với riêng phần đầu của Chúa rất lạ được trưng bày ở trung tâm của bảo tàng. Hai bên là hai chiếc đầu bò rừng và đôi chóe rất đẹp dưới chân Thánh giá. Nhà thờ cũng còn lưu giữ những chiếc xe hơi đầu tiên ở Đà Lạt với biển số 49H 5621 và 49H 1562. Xe được bảo quản tốt, nước sơn vẫn bóng loáng.
Cha Ngọc còn muốn duy trì nghề cổ truyền của người Churu như nghề làm đồ gốm, làm nhũ bạc, làm mây tre đan. Nhưng hàng Trung Quốc tràn vào nhiều quá không cạnh tranh được. Bây giờ chỉ còn làm gốm là có một số người đang theo thôi.
Sắp đến giờ lễ, cha Ngọc mời chúng tôi tham dự. Mở đầu thánh lễ là màn cồng chiêng, đồng la tưng bừng rồi các điệu múa dân tộc. Tiếp đó mới là ca nhập lễ hát bằng tiếng Churu.
Thật cảm ơn cha Ngọc, người đã giữ hồn văn hóa Churu và K’Ho cho Ka Đơn. Tôi ước ao, tất cả các linh mục ở Việt Nam không chỉ là những người loan báo Tin Mừng mà còn là những người biết giữ gìn văn hóa dân tộc Việt.
Triết Giang