Bây giờ, mỗi khi về ngang qua góc phố, ở đầu cầu xã Cẩm Nam và đầu cầu An Hội nhiều người không nhận ra nơi đây từng tồn tại nghề guốc mộc nổi tiếng một thời vàng son của gia đình ông Bộ ở xã Cẩm Nam và ông Trương Đình Yên thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim.
Theo lời kể của ông Yên gia đình ông ba đời (đời ông nội là Trương Đình Long, đời cha Trương Đình Qúy, đời ông Yên) chuyên làm nghề đóng guốc gia truyền. Ngày xưa guốc là vật dụng phổ biến, người bình dân thì dùng guốc mộc, người khá giả thì dùng guốc sơn, có vẽ hoa. Do vậy, thời gian trước năm 1945, ông nội và cha của ông làm hàng guốc bán rất chạy, guốc được đem đến chợ Hội An, Nam Phước, Quế Sơn… để bán. Guốc được đóng theo đặt hàng trên mọi miền đất nước. Tuy lúc đầu có liên quan đến nghề guốc truyền thống, sau này, hình thành nghề guốc mộc thì hoàn toàn độc lập và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Được biết, nguyên liệu làm guốc ở Cẩm Nam, Cẩm Kim thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam chủ yếu là gỗ cây mít và cây xoan, hai loại gỗ này có thớ gỗ thẳng, không quá cứng để có thể dùng rìu đẽo bằng tay theo hình dạng mong muốn.
Cây xoan là loại cây được trồng phổ biến ở vùng quê Hội An, nhất là ở Cẩm Kim, Cẩm Nam. Chọn cây xoan làm guốc tốt là những cây có thân thẳng, ít có mắt, không bị con sùng ăn vì có nhựa đắng. Cây có đường kính ít nhất là trên 15cm, thân gỗ có đường kính 20 cm, có thể đóng được một đôi guốc (tính theo độ dày). Để làm ra được đôi guốc khá tỉ mỉ và kỳ công, như một tác phẩm nghệ thuật của người làng nghề. Dụng cụ làm guốc như đồ nghề thợ mộc, tương thích cho từng công đoạn, gồm: cưa, rìu, đục, chàng, đục nảy, đục dũm, bào, đá mài, bút chì…
Đầu tiên, người ta phân chia những cây gỗ nguyên liệu ra thành từng khúc mà dân trong nghề gọi là “dứt cây theo từng đoạn” bằng chiều dài chiếc guốc. Tiếp theo, các nghệ nhân kẻ từng đường bút chì tạo ra những nét phác họa thân guốc và đế guốc. Ngày xưa, do làm thủ công, chẳng có thước đo đạc, nên họ ước lượng và dựa vào kinh nghiệm theo chiều dài, chiều rộng bàn chân người (bây giờ người ta gọi là số đo) để đẽo ra các loại guốc phù hợp với từng độ tuổi. Kiểu dáng, bề dày của guốc cũng còn khá khiêm tốn, chỉ chia ra làm hai loại cao 5 phân và thấp 3 phân, không phong phú như bây giờ. Khi gia công, các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác khá cao, vì chỉ lệch đi vài milimét thì sẽ ra chiếc cao, chiếc thấp. Thông thường, cánh phụ nữ đảm nhận vẽ đồ họa trên thân guốc, đế guốc. Vẽ xong chị em giao cho cánh đàn ông dùng cưa xẻ theo đường đã kẻ sẵn để cho ra hình thù của từng chiếc guốc. Guốc của phụ nữ có thắt eo ở chính giữa, còn đàn ông thường là đế phẳng, dân gian gọi là guốc xà lan hay guốc xuồng. Sau đó đưa vào lò nung, được đốt bằng củi khô và mạt cưa để hút hết nước trong thân gỗ ra để đôi guốc nhẹ, người mang không cảm thấy nặng chân. Khi thân guốc đã nguội, đến công đoạn chà láng làm cho những dằm gỗ trên thân mất đi, rồi dùng đục nảy khoét sâu vào đế guốc thô, gọi là nảy gót và công đoạn cuối cùng là sơn phết, đóng quai hay sơn trang trí tùy theo yêu cầu của khách hàng. Thế là một chiếc guốc mộc đã thành hình.
Nghề guốc mộc có mặt từ rất lâu, khoảng chừng trên mấy trăm năm. Guốc mộc cấu tạo đơn giản, bất cứ ai, cũng có thể lựa cho mình một đôi phù hợp. Guốc mộc ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại nên cũng thuận tiện hơn cho việc chọn lựa khi mặc các loại trang phục khác nhau nhất là quý cô, quý bà thời nay. Người nghèo đi guốc gỗ mộc đơn giản, với một chiếc quai bằng da trâu vắt từ bên này qua bên kia chân, thân guốc chỉ được đẽo đơn giản cho vừa bàn chân. Những người khá giả thường dùng guốc có sơn son thếp vàng, khảm trai, bịt quai gấm, đế lót cao su mỏng để bước đi êm ái thêm quý phái, phong cách hơn.
Thiếu nữ duyên dáng với guốc mộc |
Từ cuối thế kỷ XIX, guốc mộc mới trở nên thịnh hành và bắt đầu có những thay đổi rõ nệt về kiểu dáng và chất liệu. Đôi guốc mộc đã được gọt đẽo thanh thoát hơn bởi những người thợ tài hoa. Quai guốc thay đổi từ dây mây sang vải rồi cao su. Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện những đôi guốc sơn màu sắc sặc sỡ. Bước sang thế kỷ XXI, guốc lên ngôi với sự bùng nổ về kiểu dáng, màu sắc và chất liệu. Quy trình sản xuất guốc là thiết kế mẫu với độ dốc đảm bảo đường cong mặt guốc phù hợp với phần lõm của lòng bàn chân, trọng lực hợp lý không làm tổn hại đến cột sống và còn có chức năng mát-xa các huyệt đạo người mang guốc. Ngày nay, nghề làm guốc mộc đã phong phú, kiểu dáng, màu sức đẹp, được kết hợp các loại chất liệu da, cao sau… khi người phụ nữ mang làm tôn thêm vẻ đẹp kiêu hãnh. Cũng từ đây, guốc đã đi vào các loại hình nghệ thuật, thơ ca, hội họa… Guốc đã đi vào ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, gắn bó cuộc sống, sinh hoạt với quê hương của bao thế hệ người Việt.
Với sự xuất hiện của guốc xốp, guốc nhựa, guốc mộc đã mất dần chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Hoàng Nho |
Nghề làm guốc mộc Hội An đã bị mai một vì không thể cạnh tranh với guốc làm bằng chất liệu khác và công nghệ hiện đại hơn, phong phú, đa dạng, thõa mãn nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao nhưng những nghệ nhân như gia đình ông Bộ, ông Yên vẫn còn giữ nguyên bộ công cụ làm guốc như một kỷ vật của gia đình. Hy vọng trong bối cảnh thành phố Hội An đang tập trung đầu tư khôi phục lại những giá trị văn hóa truyền thống thu hút du khách, thì nghề làm guốc mộc cùng với những làng nghề truyền thống khác như nghề đan, thảm len, mây tre, mộc sẽ được đầu tư và phát triển, góp phần vào sự gìn giữ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.