Văn hóa nghệ thuật

Ngũ Hành Sơn và sông Hàn

Cập nhật lúc 16:25 02/06/2020
Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Hà Hoa
Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Hà Hoa
Ngũ Hành Sơn (núi Non Nước) ở Đà Nẵng là tên của một danh thắng gồm 5 ngọn núi đá nhô lên trên một bãi cát ven biển rộng tới 2 km², gồm Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Kim Sơn và Hỏa Sơn. Tên Ngũ Hành Sơn vừa mang tính hoa mỹ, vừa nói lên thế đất, thế núi, kết hợp các yếu tố cơ bản của thuyết âm dương-ngũ hành. Cuối thế kỷ XIX, một nhà nghiên cứu người Pháp dựa vào chất liệu của núi, đặt tên “Những ngọn núi cẩm thạch”. Cẩm thạch tại đây có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi. Đá ở Thủy Sơn màu hồng, Mộc Sơn màu trắng, ở Hỏa Sơn màu đỏ, ở Kim Sơn màu thủy mặc và ở Thổ Sơn màu nâu. Quanh Ngũ Hành Sơn, về phía đông có biển Đông với bãi cát mịn trắng. Nữ sĩ Bang Nhãn có bài thơ chữ Nôm: “Vịnh Ngũ Hành Sơn: Cảnh trí nào hơn cảnh trí này/ Bồng Lai âu hẳn cũng là đây/ Núi chen sắc đá màu phơi gấm/ Chùa nức hơi hương khói lẫn mâ/ Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước/ Tiều phu chống búa tựa lưng câ/ Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách/ Khen bấy thợ trời khéo đắp xây”. Tương truyền ở Hỏa Sơn trước đây có một tấm bia đá của vua Lê Thánh Tông, bên trên được khắc mấy hàng chữ Hán: “Nhất thiên niên tiền nhất hải đạo/ Nhất thiên niên nhất danh sơn”. Nghĩa là: “Một nghìn năm trước là một đường biển/ Một nghìn năm sau là một hòn non có danh”.

Sông Hàn (Hàn Giang) bắt nguồn từ ngã ba sông nằm giữa quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và quận Hải Châu tới vịnh Đà Nẵng, rộng 900-1200 m, dài khoảng 7,2 km, độ sâu trung bình từ 4-5 m. Sáng sớm, sông êm nhẹ, dịu dàng; trưa đến, sông rực rỡ, khỏe khoắn, hòa cùng nhịp đập sôi động của thành phố; xế chiều, sông khoác lên mình áo choàng tím của trời hoàng hôn; buổi tối, sông rực rỡ, lộng lẫy hòa nhịp những ánh đèn từ đường phố, các biển quảng cáo và những tòa nhà bên sông chiếu soi những sắc màu sặc sỡ xuống mặt nước. Lịch sử sông Hàn vang dội từ bao câu chuyện qua chống ngoại xâm, như người dân ven sông đã khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn tàu giặc từ biển tiến sâu vào bờ cõi. Sông Hàn hiện tại gắn đôi bờ bằng 9 cây cầu, mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp. Cầu treo Thuận Phước đang chiếm kỷ lục cầu treo dây võng dài nhất nước; Cầu Sông Hàn là cầu quay đầu tiên ở nước ta; Cầu Rồng mang hình dáng con rồng, phun lửa và phun nước vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần; Cầu Trần Thị Lý dây văng trụ nghiêng hình cánh buồm; tiếp theo là các cầu Nguyễn Văn Trỗi, Tiên Sơn, Hoà Xuân, Nguyễn Tri Phương và Cẩm Lệ. Hội pháo hoa quốc tế hàng năm được tổ chức ở sông Hàn đang góp phần tạo cho thành phố Đà Nẵng thêm rực rỡ.
 
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Vương cung thánh đường Manila - Philippin (29/05/2020)
Hãy lãnh nhận Thánh Thần (28/05/2020)
Mẹ thiên nhiên trong thơ Haiku (20/05/2020)
Mong họ nên như một (19/05/2020)
Bức tượng Chúa Kitô Vua ở Lisbon Bồ Đào Nha (15/05/2020)
Lá cờ Tổ quốc đặc biệt bằng báo in (15/05/2020)
Tác phẩm mỹ thuật quý (12/05/2020)
Nhà thờ Anrê trên hồ Vouksa (07/05/2020)
Công trình lịch sử và tâm linh (07/05/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log