Thánh đường Anrê. Ảnh: CTV |
Không có một nhà thờ nào trên nước Nga lại độc đáo và nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, như nhà thờ St. Andrew hay thánh đường Anrê- Người được gọi đầu tiên- Andrei Pervozvanny tại vùng Leningrad Oblast, St. Petersburg. Do thánh đường này nằm trên một đảo nhỏ xinh xắn, lọt thỏm giữa một thái hồ của một dòng sông hùng tráng, chảy từ Nga tới Phần Lan, và được Sách Kỷ lục Guiness công nhận là nhà thờ duy nhất hiện nay của thế giới tọa lạc trên một hòn đảo. Nói chung, vào mùa nào, nhà thờ Anrê cũng rất rực rỡ, nổi bật vì làm bằng gỗ nâu đỏ ấm áp và mang phong cách Orthodox truyền thống, hơn thế còn được bao bọc bởi vô vàn mặt nước, cây xanh chuyển sắc mỗi mùa và đặc biệt vào mùa đông, tuyết rơi trắng xóa phủ lên vạn vật và mặt hồ đóng băng lóng lánh kỳ diệu.
Theo Kinh Thánh, Anrê chính là vị thánh bảo hộ cho nghề cá của ngư dân. Ngài sinh ra tại một làng chài bên Biển hồ Galilê, và là anh của thánh Phêrô. Theo Tin Mừng Matthêu và Tin Mừng Macô, cả hai đều được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu khi Chúa đi dọc theo Biển Hồ, quan sát cảnh đánh cá của hai anh em và gọi Anrê, Phêrô đến làm môn đệ ngài. Thánh Anrê sau này đã đi khắp nơi rao giảng, như đi dọc theo bờ Biển Đen, tới nơi nay là Nga, Ukraina và Rumani, lập nên các giáo đường. Vì thế, ngài được phong là vị thánh hộ quốc, an dân của Nga…, và tên của ngài được lập thành Huân chương Anrê tông đồ, huân chương đầu tiên và cao quý nhất của Đế quốc Nga cho tới ngày nay. Phần thưởng này chỉ được Nhà nước Nga trao tặng cho những ai có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật làm giàu đẹp và rạng rỡ quốc gia.
Mặc dù trên khắp nước Nga đã có rất nhiều nhà thờ tôn kính Anrê, song người dân vẫn tiếp tục xây dựng nhiều thánh đường vinh danh ngài. Trong đó năm 2000 là một nhà thờ hết sức kỳ thú: Nhà thờ Anrê trên hồ Vuoksa. Kiến trúc sư của công trình là anh Anrê Rotinov đã được truyền cảm hứng từ cuộc đời ngư dân của Anrê, nên đã tìm tới vùng hồ, gồm khá nhiều cái hồ trên sông Vuoksi, và cuối cùng chọn Ozero Vuoksa làm địa điểm kiến thiết thánh đường. Công trình được đóng hoàn toàn bằng gỗ và dựa theo nhà thờ Chúa Thăng Thiên ở Kolomenskoye, Matxcơva. Hồ nằm cách thành phố St. Petersburg hai giờ xe chạy, và là tên gọi gắn với thánh Phêrô, gợi nhớ đến hai vị thánh tông đồ. Có diện tích lên tới 108 km2 mặt nước, và một núi đá nằm chính giữa, ấy là đảo Olesny nên Ozero Vuoksa vô cùng ấn tượng.
Nhìn từ xa, do sương mù bảng lảng công trình như bồng bềnh trong mây, hoặc là một tòa tháp vươn lên từ mặt nước hay nổi trên sông vậy! Còn vào mùa đông, khi nước đóng băng và mái nhà thờ phủ đầy băng tuyết thì vẻ xa xôi, vắng lặng, lại lồng lộng giữa trời cho ta như đứng trước một lâu đài của nàng công chúa tuyết. Phải đến gần mới thấy hết sự tinh tế, cầu kỳ của thánh đường vì trên gỗ, từ tường, mái, cửa sổ và đồ thờ bên trong đều được chạm trổ rất đẹp những hình ảnh dân gian. Sở dĩ công trình có thể chịu được hơi nước và sự lạnh giá tồn tại vĩnh hằng nơi đây là nhờ được dựng từ những cây gỗ to, ráp mộng hai đầu, xếp như chồng chất và bít khít đến nỗi không gì có thể xâm phạm.
Không khí quanh nhà thờ lúc nào cũng trong lành- mát mẻ, còn không gian quanh nhà thờ thì tĩnh lặng, yên ắng đến nỗi ta cứ tưởng như lạc vào một thế giới khác thật bình yên, xinh đẹp. Ở đây có thể nhìn thấy, nghe thấy nhiều sinh vật hoang dã, gồm 50 loài động vật, 250 loài chim, cùng những tiếng gió lao xao từ cả nghìn cây trong các khu rừng nguyên sinh. Do ở xa, chỉ có một cách đến với thánh đường là đi xe từ thành phố khoảng hai tiếng, rồi tản bộ vào rừng, tiếp tục chèo thuyền ra giữa hồ và leo qua một cầu gỗ vào sân. Thế nhưng, ngày nào tại đây cũng thấy đông người đến để cầu nguyện, cưới hỏi, vui chơi và ngoạn cảnh.