Nhà thờ Basilique Saint-Sernin. |
Rời Lộ Đức, đoàn chúng tôi tiến về miền Tây Nam nước Pháp, đến với Toulouse, giáp giới Tây Ban Nha, thăm ngôi nhà thờ Basilique Saint-Sernin được xây dựng từ thời trung cổ theo phong cách Rôman, với một tháp chuông khổng lồ tạo nên một không gian nhiều góc cạnh nghệ thuật.
Không gian yên tĩnh, những ngôi nhà cổ ẩn mình sau những hàng cây, dòng sông đào chảy dọc giữa hai đại lộ tạo nên đường thủy thuận tiện cho vận tải từ thời trung cổ. Giữa nền văn minh hiện đại, Toulouse vẫn giữ được nét cổ đáng yêu. Đối với đoàn chúng tôi, Toulouse là chặng đường cuối để từ đây chúng tôi đáp chuyến bay tới Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, đất nước của địa danh Fatima đã được Đức Mẹ hiện ra tròn trăm năm từ 13/5 đến 13/10/1917.
Chuyến bay cất cánh. Đoàn rời xa Paris theo tốc độ của máy bay mỗi lúc một nhanh. Tạm biệt Paris với nhiều kỷ niệm ấn tượng, ân phúc và bình an. Vẫn còn lại đó những địa danh nước Pháp nổi tiếng như điểm hành hương xứ Ars, điểm du lịch tháp Eiffel... không phải đoàn không có chương trình đến thăm ngọn tháp nổi tiếng thế giới này, nhưng đến vào đúng lúc có báo động đỏ của cảnh sát nên phải từ bỏ. Nguyên nhân là có một gói hành lý vô thừa nhận, cảnh sát an ninh nghi ngờ và thận trọng báo động, mọi hành khách phải giải tán hết. Dĩ nhiên là buổi chiều tháp lại mở cửa lại nhưng đoàn không còn giờ nữa. Tình trạng siết chặt an ninh của Pháp không có gì phải ngạc nhiên, vì cuộc khủng bố bằng xe tải khiến 84 người thiệt mạng dưới chân tháp Eiffel vẫn còn mới nguyên đó. Khủng bố là nỗi đau của cả nhân loại và Pháp là một trong những nước lớn trên thế giới đang phải đương đầu. Tại quảng trường Concorde nổi tiếng, hôm trước đoàn vừa đi qua, hôm sau có thông tin một tài xế lái xe đâm vào cảnh sát, tên này bị bắn chết và khi cảnh sát kiểm tra thì trên xe có súng và thuốc nổ.
Điểm hành hương xứ Ars thánh thiện tốt lành nhưng thuộc về Lyon nằm hẳn về phía Bắc nước Pháp, đoàn không thể có thêm hai ngày để viếng thăm nên đành chấp nhận một cuộc viếng thăm trong hy vọng.
Đền thờ Đức Mẹ Fatima tại Bồ Đào Nha. Ảnh: CTV |
FATIMA - BỒ ĐÀO NHA Tâm điểm hành hương là Fatima, vì thế sau khi hạ cánh tại Lisbon, đoàn trực chỉ Fatima với một tinh thần hồ hởi và rạo rực. Fatima là thành phố ở Bồ Đào Nha, thuộc khu tự quản Ourém, quận Santarém, phân vùng “Medio Tejo”, vùng Trung Bồ Đào Nha, cách 187 km về phía nam Porto và cách 123 km về phía bắc Lisboa. Sự kiện Fatima đã diễn ra tròn trăm năm nhưng trong Đức tin vẫn mãi là hiện tại. Đức Mẹ vẫn luôn đón con cái khắp gần xa hành hương về đây trong năm thánh kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra tại Fatima. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định ban ơn toàn xá trong suốt năm kỷ niệm này, bắt đầu từ ngày 27/ 11/ 2016 đến ngày 26/ 11/ 2017. Để được lãnh nhận ơn toàn xá, các tín hữu cũng phải đáp ứng được các điều kiện thông thường gồm: Xưng tội, Rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Thánh Cha.
Cùng dòng người hành hương xuyên suốt thế kỷ, mặc dù chỉ là những hạt cát bé nhỏ, nhưng chúng tôi cũng đang tiến về Fatima. Chặng đường hành hương từng bước cứ gợi lên trong chúng tôi những sự kiện của lịch sử:
Từ tháng 8 năm 1914, châu Âu xảy ra trận thế chiến thứ nhất, giết chết khoảng 6 triệu binh sĩ. Bồ Đào Nha theo phe Hiệp ước tham gia trận chiến từ tháng 5/1916. Bồ Đào Nha có khoảng 50.000 binh sĩ đồn trú ở Pháp. Chiến tranh, hận thù là những lưỡi gươm sắc tiếp tục xuyên qua trái tim Mẹ. Mẹ của Lòng Thương Xót muốn loài người ăn năn sám hối, cải thiện đời sống. Sứ điệp đã được ban xuống tại Fatima - Bồ Đào Nha năm 1917. Khi đó Fatima là một giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv...Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết. Ba em Luxia, Phanxico và Giaxinta thường chăn dắt đàn cừu tại bãi gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km. Tiếp nối truyền thống đạo đức của gia đình, trong lúc rãnh rỗi, khi đoàn vật tự do ăn uống, ba em thường tụm lại cùng nhau sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi và cầu nguyện.
Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc