Nhà thờ St. Peter ở Melverley, Shropshire. Ảnh: CTV |
Phần lớn những thánh đường xưa kia đều bằng gỗ, và thậm chí nhiều công trình ngày nay vẫn vậy!. Bởi vì gỗ đem lại sự mộc mạc, khiêm nhường, chan hòa. Chưa kể tới còn có những mùi thơm dễ chịu, lâu bền và là chất liệu tự nhiên nên mát vào hè, ấm vào đông. Tuy nhiên, những nhà thờ gỗ hoàn toàn như thế hiện đã hiếm dần, và trên thế giới chỉ còn có một số nước bảo tồn được chúng, trong đó phải kể tới Anh quốc, với nhiều di sản tuyệt đẹp.
Một đơn cử là nhà thờ St. Peter ở Melverley, Shropshire- England. Tọa lạc bên bờ sông Vyrnwy và những quả đồi xanh tươi, đây là một nhà thờ đặc biệt, vì từ trong ra ngoài đều bằng gỗ, sơn hai màu đen trắng tựa những dòng kẻ. Vào năm 1141, tu sĩ, đồng thời là sử gia lừng danh người Anh, Ordericus Vitalis, đã nhắc tới trong một tác phẩm của ông, rằng có một nhà nguyện xinh xắn ở bên bờ sông phía trên mạn Shrewsbury. Cho thấy công trình đã ra đời ít nhất từ thế kỷ XII, và là nơi thờ phụng Thiên Chúa suốt gần 1.000 năm. Thế nhưng, trong cuộc chiến dành độc lập của Wales khỏi Anh, nhà thờ đã bị thêu rụi vào năm 1401 bởi hoàng tử Owain Glyndwr, và vì tầm quan trọng với dân gian, ngay lập tức nó đã được tái thiết bằng gỗ sồi năm năm sau. Bên trong có khá nhiều đồ vật cổ quý, như một cái bình đựng nước thánh từ thời Saxon, một ban thờ trạm khắc tinh xảo từ thời vua James hay một cuốn Thánh Kinh gắn dây xích từ năm 1727…
Dù xuất hiện muộn hơn trên tám thế kỷ, Thánh đường St. James ở Baidon- Yorkshire cũng đặc sắc không kém. Nhờ những bức tường trắng xóa, bộ mái đỏ rực, cùng một khu vườn trồng toàn cây trong Kinh Thánh. Vốn dĩ nhà thờ đã mọc tại Great Warley- Essex vào năm 1892, song tới năm 1904 thì chuyển đến Charlestown, Baildon- Yorkshire, nhờ rất nhẹ và theo di nguyện của linh mục Revd HR Bailey, người đã gắn bó với nhà thờ một thời gian dài. Vì có quỹ đất riêng và muốn tĩnh dưỡng tại đây, khi giảng dạy ở đại học St. John, ngài đã viết chúc thư xin chuyển nhà thờ về Baildon. Vậy mà ngài đã mất vào năm 1900 trước khi nghỉ hưu, và bốn năm sau, nhà thờ đã được dựng lại ở Baildon theo mong ước ấy. Để đưa tòa nhà gỗ tới địa điểm mới, người ta đã phải dùng xe kéo, nhấc đi hàng chục cây số, và tới năm 2007-2008, lại một lần nữa di rời công trình, nhưng chỉ đi xa hơn 30 mét, để sửa chữa hệ thống nhiệt ngầm phía dưới. Ngoài vẻ đẹp hấp dẫn như một khối tam giác cân, thì xung quanh nhà thờ là một khu vườn và đồng hoa bát ngát. Những cây trong vườn đều là cây trong Kinh Thánh, như cọ, sung, ô liu, tuyết tùng Lebanon... Cạnh đó là một dòng nước thể hiện cho thung lũng Jordan và nhiều hồ ao ngụ ý biển Chết và biển Galilee.
Nhà thờ St. Andrew ở Greensted- Essex lại ấn tượng vì là một kiến trúc tiêu biểu thời Saxon còn nguyên vẹn. Công trình đã xuất hiện ngay trước cuộc xâm chiếm của người Norman, nên đến giờ là một nhà thờ gỗ lâu đời nhất thế giới, cũng như nhà gỗ cổ xưa nhất châu Âu, với cấu tạo khá đơn giản, gồm một chánh điện hình chữ nhật, một gian phòng cho giáo sĩ và một tháp gỗ sát sườn. Nổi bật nhất là chánh điện, được chắp bởi 51 tấm gỗ sồi lớn, và là phong cách xây dựng thời Saxon thế kỷ X, có bằng chứng còn khẳng định nó đã được xây hoặc bắt nguồn từ một nhà thờ thế kỷ 6. Người xưa đã xẻ gỗ ra nhiều mảnh hình chữ nhật và xếp chúng cạnh nhau, làm thành các bức vách, rồi chèn gỗ vụn chống thấm. Bất chấp mưa gió, nó đã tồn tại 11 thế kỷ và chứng kiến nhiều công sức của các thợ xây Saxon, Norman, Tudor và Victoria trong việc sửa sang và tu bổ. Lần tu sửa lớn nhất là năm 1990 và 2005. Bên trong hầm mộ nhà thờ còn bảo quản thi thể của St. Edmund, vua xứ East Anglia, và là vị thánh bảo hộ đầu tiên của nước Anh. Ngoài ra, nghĩa trang ở đây cũng an táng nhiều nhân vật lịch sử, như một cung thủ trong cuộc thập tự chinh thế kỷ XII, và ba quân nhân trong Đại Thế Chiến I cùng một phi công thuộc Đại Thế chiến II.
Nằm ở phía Tây ngôi làng Great Alcar, nhà thờ St. Michael và tất cả các thánh ở West Lancashire- England, cũng đã từng được nhà nghệ thuật kiến trúc tài ba người Đức, Leon Pevsner, xem là một công trình hấp dẫn vô cùng. Và hiện tại là một nhà thờ lớn xứ đạo Anh giáo, phục vụ nhiều cộng đồng trong vùng, từ những ngày khởi đầu là một nguyện đường (năm 1429) cho tới nay. Vào các năm 1740, nó đã bị cháy, rồi tái thiết năm 1747, không lâu sau lại bị rỡ xuống, và năm 1879 thì có dáng vẻ đương đại theo thiết kế của John Douglas. Đại thể, đây là một nhà thờ gỗ, nằm trên đế gạch, lợp ngói đỏ, gồm một chánh điện năm gian, một tháp chuông, một phòng cho giáo sĩ, một phòng thay áo lễ, một phòng để nhạc khí, và cũng có hình tam giác, sừng sững với chóp nhọn ở đỉnh đậu một chú gà trống báo giờ và canh gác. Toàn bộ ánh sáng, không khí trong nhà được lấy chủ yếu từ những ô cửa sổ trông ra vườn, có ánh nắng ấm áp và nhiều cỏ hoa