Vương quốc mang tên Edom, ngày nay thuộc thung lũng Arabah, lọt thỏm trong ranh giới giữa Jordan và Israel. Khu vực này là địa điểm khai thác quặng đồng vô cùng quy mô, và từng diễn ra hoạt động luyện kim từ năm 4.000 trước Công nguyên.
Các chuyên gia đã khai quật được vô số mỏ đồng và địa điểm luyện kim từ thời đại cuối Đồ Đồng và đầu Đồ Sắt |
Edom đã xuất hiện trong Cựu Ước, cụ thể là Sách Sáng Thế có đề cập đến người Edom, được cho là hậu duệ của Esau, anh em sinh đôi của Jacob. Theo đó, họ là “các vị vua trị vì Edom, trước thời của các vị vua Israel” (Sách Sáng Thế 36:31). Sau đó, Cựu Ước kể lại vua David của Israel đã đánh bại người Edom. Hiện vẫn chưa có manh mối khảo cổ nào cho phép chứng minh diễn biến sau cuộc chiến đó. Tuy nhiên, giờ đây, các nhà nghiên cứu có thể chắc chắn một điều rằng Edom vào thời xưa từng một thời thịnh vượng, theo kiểu nhà nước tập trung quyền lực, trước khi người Israel xuất hiện.
“Các bộ lạc trong khu vực tập hợp và chịu sự lãnh đạo của một cơ quan chính trị duy nhất, nhằm mục tiêu khai thác tối đa khoáng sản đồng”, theo nhà khảo cổ học Erez Ben-Yosef thuộc Ðại học Tel Aviv (Israel) và là người dẫn đầu Dự án Thung lũng Timna. Sau thời gian triển khai, các chuyên gia đã khai quật được vô số mỏ đồng và địa điểm luyện kim từ thời đại cuối Ðồ Ðồng và đầu Ðồ Sắt.
Sự thay đổi bí ẩn
Chuyên gia Ben-Yosef và các đồng sự đã sử dụng những chất còn sót lại ở các lò luyện kim để tái tạo quy trình “công nghiệp” kéo dài suốt 500 năm. Trong lúc đào bới các đống xỉ đồng (phần còn lại sau khi luyện kim), họ tìm thấy than còn sót lại sau khi được dùng để đun nóng lò luyện kim. Bằng phương pháp xác định đồng vị carbon, nhóm nghiên cứu có thể đưa ra kết luận chính xác về độ tuổi của xỉ đồng. Kế đến, đội ngũ khoa học gia tiến hành phân tích các khoáng chất và kim loại còn sót lại bên trong những đống xỉ để phân tích những phương pháp luyện kim thay đổi như thế nào qua từng thế kỷ. Chẳng hạn, hàm lượng đồng trong xỉ thấp có nghĩa là số kim loại được chiết xuất thành công cao hơn trong quá trình luyện kim, cho thấy có cải thiện trong kỹ thuật xử lý. Sự xuất hiện hoặc vắng mặt của các loại khoáng sản khác có thể cho thấy mức độ thay đổi của những chất bổ sung.
Từ năm 1300 đến 800 trước Công nguyên, người Edom dần dần cải thiện được kỹ thuật, theo trưởng nhóm nghiên cứu Ben-Yosef. Những thay đổi này có khuynh hướng diễn ra cùng lúc ở nhiều nơi tại thung lũng Arabah. Trung bình, hàm lượng đồng trong xỉ giảm chậm chạp từ 1,49% xuống còn 1,14% trong suốt nửa thiên niên kỷ. Thế nhưng, đột nhiên kỹ thuật được cải tiến mạnh trong nửa sau thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên. “Sau nhiều thế kỷ nối tiếp hầu như không quá thay đổi, kỹ thuật bất ngờ tăng vọt về khía cạnh hiệu quả lẫn được tiêu chuẩn hóa”, theo nhà khảo cổ học Ben-Yosef.
Ảnh hưởng từ Ai Cập
Sự đột phá trong kỹ thuật trùng với thời điểm diễn ra chiến dịch quân sự, mà theo ghi nhận trong Cựu Ước và các văn bản Ai Cập cổ, do pharaoh Sheshonq I, hay tên khác là Shishak, dẫn đầu. Senshonq I là vị vua sáng lập triều đại thứ 22 của Ai Cập cổ đại, và triển khai các cuộc tấn công nhằm mở rộng bờ cõi, trong các vương quốc bị thôn tính có Judah và Israel vào khoảng năm 925 trước Công nguyên. Một món đồ trang sức có khắc tên của vị pharaoh đã được phát hiện ở miền nam Jordan cho thấy các đội quân của ông có lẽ đã đến được vùng đất dồi dào khoáng sản đồng này.
Một trong những mục tiêu của mùa khảo cổ tới sẽ là tìm kiếm các chứng cứ về chiến dịch quân sự của người Israel đối với người Edom |
Người Edom vẫn giữ quyền kiểm soát các mỏ đồng, nhưng cuộc xâm lăng của Ai Cập dường như đã mang đến sự thay đổi trong quy trình khai thác và sản xuất, theo báo cáo đăng trên chuyên san PLOS ONE. Có lẽ nhu cầu từ Ai Cập khuyến khích dân địa phương tìm cách thay đổi quy trình luyện kim, và sẵn sàng tiếp nhận các kỹ thuật mới, chẳng hạn như đun chảy quặng đồng ở những mức nhiệt độ khác nhau, thay đổi tỉ lệ bổ sung các khoáng chất, hoặc can thiệp vào quá trình cung cấp khí oxy cho lò nung…
Các nhà khảo cổ học sẽ quay lại thung lũng trong mùa đông năm nay để tiếp tục đào bới. Một trong những mục tiêu của mùa tới sẽ là tìm kiếm các chứng cứ về chiến dịch quân sự của người Israel đối với người Edom. “Chúng tôi sẽ tiếp tục khai quật và thám hiểm khu vực, với hy vọng có thể tìm được những bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa Edom với các vương quốc khác trong khu vực, bao gồm Israel cổ đại”, trưởng nhóm Ben-Yosef cho biết.
LING LANG