Tôi không có được nguyên văn ngoại ngữ của câu nói của Đức Giáo hoàng, chỉ nghe truyền khẩu lại, nên không rõ có trích dẫn nguyên văn không. Nếu nguyên văn là: “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”, hay “Người Công giáo tốt phải là công dân tốt”, thì ý nghĩa sẽ khác đi một chút, cho dù nội dung vẫn không thay đổi bao nhiêu.
Ở đây, tôi tạm suy tư dựa vào câu trích dẫn đầu tiên.
Điều thứ nhất tôi muốn lưu ý, là Đức Giáo hoàng nói câu này, trong bài đáp từ vào dịp viếng thăm ad limina của các giám mục Việt Nam tại Rôma, năm 2009, trong đó ngài có nhắc tới Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, và trích dẫn hẩu như nguyên văn câu viết đã trở nên như một châm ngôn quen thuộc: “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc” Ngoài ra, cũng cần nối kết câu nói của Đức Giáo hoàng với một câu nói khác, cũng trong bài đáp từ của ngài, mà tôi coi như một lời chỉ đạo của ngài cho các giám mục và Giáo hội Việt Nam, đó là “Đối thoại thằng thắn, hợp tác chân thành, trong bác ái” với mọi người, cách riêng là đối với chính quyền Việt Nam hiện tại.
Sau hết, tưởng cũng cần nối kết những lời nói trên đây của Đức Giáo oàng, với lời ngài nói trong Thông điệp gửi cho cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, nhân dịp lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở kiện, ngày 24 tháng 11 năm 2009, đại ý: hãy “sám hối và tạ lỗi nhau, tạ lỗi đồng bào về những lỗi lầm trong quá khứ và trong hiện tại”.
Nối kết những lời nói ấy của Giáo hoàng Bênêđitô XVI, và nghĩ tới những cố gắng của ngài để tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh với Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là qua việc tiếp kiến Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, và sau đó, lả tiếp kiến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, cũng như quyết định cử Đại diện không thường trú, là Tổng giám mục Girelli, tại Việt Nam, chúng ta hiểu rằng câu “Người Công giáo tốt là người Công giáo tốt” không chỉ được nói lên như một lời nhắc nhở chung của Đức Giáo hoàng cho tất cả mọi tín hữu trên toàn cầu, mà cách riêng cho các tín hữu Việt Nam, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay của Việt Nam, khi mà giữa Giáo hội và chính quyền vẫn còn một khoảng cách và những khó khăn, lấn cấn, cần phải được tháo gỡ, để đi đến một sự hòa giải thật sự, mà việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Chính phủ Việt Nam sẽ là dấu chỉ cụ thể.
Thật vậy, Đức Giáo hoàng và Tòa Thánh rõ ràng là đang cố gắng giao hòa tốt đẹp với Nhà nước Việt Nam, một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, và ngài muốn chính Giáo hội Việt Nam đồng hành với ngài trong công cuộc hòa giải này, chấm dứt một thời gian quá dài, kéo dài từ thời chiến tranh lạnh, đặc biệt là rất căng thẳng nặng nề từ khi Thư chung của các giám mục Đông Dương năm 1951 ra đời, trong đó lên án chủ nghĩa cộng sản và phạt vạ tuyệt thông bất cứ người Công giáo nào cộng tác với Cộng sản.
Phải nhắc lại tất cả những sự kiện ấy mới thấy rằng câu nói “Người Công giáo tốt là người công dân tốt” có ý nghĩa nào đối với người Công giáo Việt Nam hôm nay.
Thật vậy nếu trong bối cảnh thập niên 50 thế kỷ trước, thì “người Công giáo tốt” phải là người trung thành và tuân theo mệnh lệnh của Giáo hội, và như vậy chắc hẳn phải là người “chống cộng” triệt để. Và nếu thế, thì đối với Nhà nước Cộng sản, không thể được coi là một “người công dân tốt”!. Cũng tương tự như vậy, vào cuối tháng 10 năm 1955, khi ông Ngô Đình Diệm trưng cầu dân ý truất phế vua Bảo Đại để lên làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Đức giám mục Sài-gòn Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đến tiểu chủng viện Bùi Chu ở Huyện Sĩ, khóc mà tố cáo ông Diệm là phạm tội phế vua, và như vậy, đối với ngài, ông Ngô Đình Diệm không thể là người Công giáo tốt, ngược lại, ông Diệm chắc chắn coi Đức cha Hiền, nếu không phải là Công giáo không tốt, thì ít ra cũng không thể là “Công dân tốt” được!
Thế mới hay, việc đánh giá ai là “Công giáo tốt”, ai là “Công dân tốt” không đơn giản như chúng ta nghĩ.
Đứng trên bình diện phổ cập và tuyệt đối, có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. và trong mọi hoàn cảnh, dựa trên tiêu chuẩn của Tin Mừng và Giáo lý Đức tin mà nói, thì hễ ai là người mến Chúa hết lòng và yêu người như chính bản thân, thì đều là người tốt, đứng trên cả hai phương diện Công giáo và công dân.
Người Công giáo tốt là người có đức tin, sống theo tinh thẩn của Tin Mừng, đó là ăn ở tốt lành, thật thà, ngay thẳng, không gian dối, yêu thương giúp đỡ mọi người, không làm hại một ai, chu toàn mọi bổn phận của một người tín hữu và của một người công dân, không ích kỷ, sống hòa hợp với mọi người.
Còn người công dân tốt, không nhất thiết phải là người có đức tin hay phải sống Tin Mừng, nhưng cũng phải có những đức tính nhân bản vừa kể trên đây. Tuy nhiên, đời sống chính trị xã hội, không giống với đời sống đức tin hay tôn giáo, trong đó con người trước hết đối diện với Thiên Chúa, đặt mình dưới sự phán xét công minh của Người, và được bình an khi thấy lương tâm mình thanh thản. Trong khi đó, ở trong cuộc đời trần thế, con người phải đối diện với tha nhân, và những hoàn cảnh khác nhau, thậm chí có thể đối nghịch. Con người thì bá nhân bá tánh, hoàn cảnh, đặc biệt là chính trị, kinh tế, xã hội, có khi trái nghịch nhau. Cùng một hành vi, một thái độ, có khi bị đánh giá trái ngược, tùy theo quan điểm của người đối diện với chúng ta. Thí dụ như ở nơi này, dưới chế độ này, thì ta có quyền phê bình người lãnh đạo, nhưng ở chỗ khác, dưới chế độ khác, thì bị coi là điều xấu, không được làm. Cái khó là ở chỗ mỗi thời, mỗi nơi, người ta đều có những quan điểm chính trị, xã hội khác nhau. Các học thuyết chính trị, kinh tế không bao giờ đồng nhất, hòa hợp được với nhau, vả lại cũng chẳng bao giờ có một học thuyết có giá trị tuyệt đối và vững bền.
Bởi đó, một người “công dân tốt” đối với thời này, ở đây, có thể không được đánh giá như vậy ở thời điểm khác, và ở nơi khác. Thậm chí, ở cùng một nơi, trong cùng một thời điểm, có khi ta được coi là tốt, đối với người này, nhưng lại là không tốt đối với người khác. Vì thế mới có chuyện chia rẽ bất đồng trong xã hội, và ngay trong Giáo hội, khi mà chúng ta chưa hòa giải được với nhau, để tìm ra được quan điểm chung tối thiểu nào đó làm nền tảng để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình.
Tôi tin rằng Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI tin rằng Giáo hội và Nhà nước Việt Nam có thể làm được điều này, nên mới mời gọi người Công giáo “sám hối và tạ lỗi nhau, tạ lỗi đồng bào, vì những lỗi lầm quá khứ và cả trong hiện tại”, để từ nay “đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, trong bác ái” với mọi người, như vậy là thực hiện châm ngôn “Sống Phúc âm giữa lóng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bảo”, như Thư Chung 1980 đã đề ra. Làm được như thế thì “Người Công giáo tốt” và “Người công dân tốt” sẽ chỉ còn là một, trong “Người Việt Nam Công giáo”, không có gì là mâu thuẫn.
Nói thế hẳn vẫn còn có những người chưa đồng thuận, bởi vì đứng trên bình diện chính trị, Đức Giáo hoàng, cũng như Giáo hội không có quyền bắt người tín hữu Công giáo phải ủng hộ một thể chế chính trị nào. Quyền tự do chính kiến, tự do tư tưởng là những quyền căn bản của con người và bất khả xâm phạm. Bởi thế có những người vẫn còn thề “không đội trời chung với cộng sản”, cho nên không đồng thuận với quan điểm của Đức Giáo hoàng.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra trên khắp thế giới, thì không có chế độ chính trị nào thỏa mãn hết mọi người, cho nên người ta vẫn phải chấp nhận thực tế và chung sống với nhau, giữa những người bất đồng chính kiến, không những trong các quốc gia đa đảng, đa tôn giáo, mà còn cả trong các quốc gia độc đảng hay chỉ theo một tôn giáo, miễn là những quyền cơ bản của con người được tôn trọng.
Riêng đối với người Công giáo ở Việt Nam, sở dĩ còn có nhiều khó khăn trong tương quan với người cộng sản, là do những “di chứng” của quá khứ lịch sử một thời đấu tranh “không đội trời chung” để lại. Những di chứng đó kéo dài hình như không thể chữa trị, đã khiến cho công cuộc xây dựng hòa bình thống nhất và tình đoàn kết dân tộc vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn, thậm chí còn gây phân hóa ngay trong nội bộ Giáo hội, bằng chứng rõ rệt là những bài viết đăng trên các mạng điện tử phát tán rộng rãi trong những năm tháng gần đây, và cả trong hiện tại, trong đó nhiều thành phần dân Chúa chưa tìm được tiếng nói đồng thuận để đi tới sự hiệp nhất trong bác ái với nhau, chứ chưa nói tới đoàn kết với những người ngoài Giáo hội, nhất là với những người cộng sản.
Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI hẳn là biết rõ tình trạng ấy, cho nên đã có những hành động và lời nói kêu gọi hòa giải. Ngài cũng biết hơn ai hết, rằng chuyện này rất khó khăn, hầu như không thực hiện nổi, bởi vì thời gian hòa bình và thống nhất đã lâu dài hơn thời kỳ chiến tranh vậy mà những vết thương trong lòng người vẫn chưa được lành lặn, và những cơn đau thể xác, tinh thần vẫn chưa chấm dứt. Có thể ví với những cơn đau của các bệnh nhân chất độc da cam vậy!
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng vẫn phải hành động, vẫn phải lên tiếng, bởi vì ngài ý thức được hơn ai hết, rằng Chúa đã trao cho Giáo hội, và cách riêng cho ngài, sứ vụ Hòa Giải, như thánh Phaolô đã viết trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô: “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.”(2 Cr 5,17-19).
Người Công giáo ý thức mình là con cái của Thiên Chúa, mà tự bản chất, phải là người “xây dựng hòa bình”, theo tinh thần của Tám mối Phúc thật (x.Mt 5,9), vì thế chúng ta không thể nào từ chối sứ vụ hòa giải với mọi người. Vả lại, với tư cách là men, là muối, chúng ta luôn luôn phải chấp nhận hòa mình vào giữa mọi anh em, không phải để tìm cách loại trừ, mà trái lại, sẵn sàng liều mất chính mình, để tìm lại được mình trong sự hiệp nhất với anh em, như muối không còn là muối khi hòa tan trong thực phẩm, làm cho thực phẩm tươi ngon, đậm đà, hay như như men không còn là men khi làm cho cả khối bột dậy men. Men không thay thế hay loại trừ bột, muối cũng không thay thế hay loại trừ thực phẩm. Men làm cho bột lên men, muối làm cho thực phẩm đậm đà thêm ngon, nhưng vẫn là thực phẩm. Cũng vậy, sứ vụ của Giáo hội là làm cho xã hội dậy men yêu thương hoà hợp, và ướp mặn lại cho khỏi ươn thối, vì những suy đồi đạo đức do những thói hư tật xấu của xã hội vật chất, chỉ biết hưởng thụ này gây ra. Giáo hội không lên án, loại bỏ, hay thay thế thế gian, và những người cầm quyền của bất cứ chế độ nào.
Thế giới và đất nước chúng ta hôm nay đang cần phải được ướp mặn lại bằng tình yêu thương đoàn kết. Hơn bao giờ hết, lời kêu gọi của tổ tiên cần phải được nhắc nhở không ngừng:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
người trong một nước phải thương nhau cùng”
Và lời của Chúa trước lúc từ giã chúng ta để bước lên thập giá thực hiện công cuộc hòa giải đem lại bình an cho nhân loại và cả thế giới vũ trụ (x.Cl 1,19-20), đó là: “Anh em hãy yêu thương yêu nhau như Thấy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; 15,12), và Người còn nói: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hũu của mình” (Ga 15, 13)
Các thánh Tử đạo Việt Nam khi bị bách hại vì đức tin, vẫn không ngừng yêu thương quê hương, đất nước và đồng bào, kể cả vua chúa quan quyền, là những người ghét bỏ và làm khổ các ngài, trái lại các ngài đã hy sinh mạng sống mình để chứng tỏ lòng mến Chúa yêu người trọn vẹn đôi đường. Bởi vì các ngài biết rõ là theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người (x.Mt 8,34).
Điều này thật không dễ, nhưng chúng ta tin rằng: “Đối với Thiên Chúa, thì không gì là không thể làm được” (Lc 11,37).
Tóm lại, xét theo quan niệm trần thế và trên bình diện chính trị mà nói, khó có thể hòa giải hòa hợp, và sống chung hòa bình với nhau, khi người ta bất đồng chính kiến và không thể có chung một tiếng nói, khi những quyền lợi tinh thần và vật chất không được phân chia thỏa đáng. Nhưng đối với người theo Chúa Kitô, thì thế gian này chỉ là một chặng đường trong cuộc hành trình Vượt Qua để đi tới Vương quốc của Thiên Chúa. Bao lâu Triều đại Thiên Chúa chưa đến, chúng ta vẫn phải tiếp tục đồng hành với mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, văn hóa hay chủ nghĩa chính trị. Và trên đầu chúng ta, Chúa vẫn cho mặt trời soi sáng, và làm cho mưa rơi trên đầu mọi người, trên kẻ tốt cũng như người xấu, và ban cho mọi người đều có cơ hội trở nên công chính, nghĩa là nên người tốt. Trong cuộc đồng hành này, chúng ta vẫn cần phải đối thoại và hợp tác với nhau trong tinh thần bác ái. Chúng ta cũng có quyền chất vấn anh em chúng ta về những gì chưa đồng thuận được với nhau, nhưng vẫn trong tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, dựa trên nền tảng của tình người, và tình dân tộc. Bởi vì trước khi là Công giáo hay Phật giáo, Cộng sản hay người tôn giáo, chúng ta đều là người, và là người Việt Nam. Mà là người, trước hết chúng ta đều phải có lòng nhân, nghĩa là thương người, và cha ông dạy chúng ta phải “thương người như thể thương thân, và Chúa cũng chỉ dạy chúng ta hai chứ “thương người” ấy.
Vì vậy, chúng ta cũng phải noi gương Chúa mà yêu thương tha thứ cho nhau, cho mọi người, bởi vì “Người có giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 30,6 ).
Chẳng lẽ chúng ta cứ tiếp tục sống với quá khứ hận thù, và bắt buộc con cháu chúng ta tiếp tục sống cái quá khứ ấy của mình cho đến ngày Chúa đến hoàn thành Vương quốc của Người, là Vương Quốc của “ Sự Công chính, Bình an và Hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17) hay sao?