Giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh hai đặc tính quan trọng của mùa Chay là Hồi tưởng lại bí tích rửa tội hoặc là chuẩn bị cho bí tích này và Nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Công đồng cũng chỉ rõ: “Bởi những ý nghĩa đặc biệt này, mùa Chay chuẩn bị cho các tín hữu sẳn sàng cử hành mầu nhiệm vượt qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và nồng nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Trong chính bản thân phụng tự và trong những hướng dẫn từ trung tâm của phụng tự, những chủ đề về rửa tội và thống hối được tuyên bố cách sâu sắc hơn” (SC 109). Bổ sung vào ý nghĩa của Mùa Chay, Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 540, viết: “…Hằng năm qua bốn mươi ngày của Mùa Chay, Giáo Hội hiệp thông với mầu nhiệm của Chúa Giêsu trên hoang địa”.
Mùa Chay là một hành trình tập luyện thiêng liêng trong đời sống của người tín hữu. Do đó, trong suốt mùa Chay thánh, Giáo Hội không ngừng kêu gọi các tín hữu hảy hăng hái hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái, cầu nguyện và làm việc Tông đồ. Trong nghi thức xức tro, vị chủ sự đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”. Thật vậy, mùa Chay là mùa hồng ân để giúp người tín hữu phục hồi và bồi dưỡng tâm linh, là sự chuẩn bị tín hữu tham dự trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giúp cho tín hữu thực hiện sự phục sinh trong chính tâm hồn mình, trở nên con người mới.
Năm nay (2012), Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã được công bố cho toàn thể Giáo hội Công giáo với chủ đề: “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24). Ngài mời gọi mọi người cùng suy tư và sống mầu nhiệm của Mùa Chay Thánh theo ba chiều kích quan trọng trong đời sống Kitô hữu, đó là: quan tâm đến tha nhân, nâng đỡ nhau và sự nên thánh của bản thân.
Ngay từ những dòng đầu tiên của Sứ điệp Mùa Chay năm 2012, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc cử hành mùa Phụng vụ này: “Một lần nữa Mùa Chay cho chúng ta cơ hội suy tư về điều cốt yếu của đời sống Kitô hữu là đức bác ái. Đây là thời gian thuận tiện để, nhờ Lời Chúa và các bí tích trợ giúp, chúng ta đổi mới hành trình đức tin, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Hành trình này được ghi dấu bằng kinh nguyện và chia sẻ, bằng thinh lặng và chay tịnh, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh”.
Đức Thánh Cha tha thiết kêu mời mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội, từ giáo dân đến nam nữ tu sỹ, chủng sinh cũng như hàng giáo sĩ, hãy biết cởi bỏ con người cũ với những ích kỷ, nhỏ nhen của mình để dấn thân cộng tác với nhau trong việc thực thi tinh thần bác ái. Mỗi người cần tích cực “xây dựng những tương quan ân cần đối với nhau, quan tâm đến hạnh phúc và hạnh phúc trọn vẹn của tha nhân”.
Trong Mùa Chay, Giáo hội luôn kêu gọi các tín hữu tích cực làm việc bác ái, nghĩa là biết chia sẻ và quan tâm đến những nhu cầu cũng như đời sống thường nhật của mọi người, cách riêng những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh hay bệnh tật. Mùa Chay phải là lúc xét mình và từ bỏ mọi dấu vết của lòng ích kỷ, vị lợi, chia rẽ, hận thù là gốc rễ của bạo lực để xây dựng một trật tự thế giới chan hòa yêu thương, sự quảng đại và tình liên đới. Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong một thế giới đòi hỏi các Kitô hữu đổi mới chứng tá về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, mong sao mọi người chúng ta cảm thấy nhu cầu cấp bách phải cùng nhau thi đua thực hành bác ái, phục vụ và các việc lành (x. Dt 6,10)”.
Chúng ta được mời gọi phải cố gắng hy sinh hãm mình nhiều hơn, hầu kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa để thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn. Nhất là chúng ta biết sống liên đới chia sẻ với những anh em nghèo khổ chung quanh mình. Giáo hội kêu mời mỗi người chúng ta quảng đại làm việc bác ái với những anh chị em nghèo khổ bất hạnh. Chúng ta sẽ làm việc này với lòng nhân ái, muốn an ủi người đang thiếu thốn hay đóng góp vào việc tông đồ, tùy theo phương tiện đang có trong tay, vì lợi ích của các linh hồn. Mọi Kitô hữu đều có thể làm việc bác ái - không chỉ người giàu có và thế lực, mà cả những ai có mức sống trung bình và ngay cả người nghèo; nhờ vậy những người không ngang bằng nhau về khả năng làm việc bác ái lại trở nên bình đẳng với nhau trong tình yêu và tình thương.
Mùa Chay chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra để đến với mọi người. Thông qua mối quan hệ với người khác chúng ta sẽ tìm ra cơ hội chế ngự tính ích kỷ nơi bản thân chúng ta và giúp tạo ra một bầu khí ấm áp dễ chịu hơn quanh mình. Và việc hãm mình tốt đẹp nhất là từng vượt sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của đôi mắt, và lối sống kiêu hãnh nơi những việc nho nhỏ trong suốt cả ngày để đến với tha nhân bằng tấm lòng cởi mở và sự quan tâm chân thành. Những hy sinh hãm mình của chúng ta phải là những việc không gây phiền nhiễu cho người khác nhưng làm cho chúng ta dễ gần hơn, thông cảm hơn và cởi mở hơn trong các mối quan hệ với mọi người. Không thể làm được điều đó nếu chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân mình; nếu chúng ta thiếu tôn trọng hay nhục mạ người khác; nếu chúng ta không trở nên đồng cảm và liên đới với anh chị em xung quanh mình. Vì thế, mùa Chay Thánh mời gọi mỗi chúng ta hãy cố gắng để biết cách làm cho bản thân mình trở nên “mọi sự cho mọi người, để cứu độ mọi người” (1Cr 9,22).
Đức ái được đặc biệt nhấn mạnh trong các thực hành của Mùa Chay Thánh. Đức ái Kitô giáo không dừng lại việc làm phúc bố thí hiểu như một sự thương hại, nhưng hướng tới một tấm lòng yêu thương rộng mở, một thái độ chân thành, một tinh thần khiêm tốn và tôn trọng phẩm giá con người. Mùa Chay mời gọi chúng ta chiêm ngắm chính Chúa Giêsu để học với Người về một tình yêu luôn trao ban và sống vì người khác.
Xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng thời gian thuận tiện Chúa ban để cải hóa tâm hồn và xây dựng cuộc sống Kitô của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn. Xin Chúa giúp cho chúng ta biết đến với tha nhân bằng tấm lòng yêu thương rộng mở, bằng tình bác ái và liên đới với mọi người. Xin Chúa giúp sức để mùa Chay thánh này thật sự trở nên thời gian của ân sủng và bình an hầu chuẩn bị tâm hồn chúng ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đấng Cứu Thế.