Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Công giáo tại Việt Nam đã và đang hoà nhập sâu xa vào đời sống của toàn thể dân tộc. Trên hành trình theo Chúa, người Công giáo cũng luôn ý thức mình đang đồng hành cùng dân tộc quê hương, để vun đắp, xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu này. Bổn phận và trách nhiệm của mỗi công dân là góp phần làm cho đất nước thái bình, văn minh và phát triển. Người Việt Nam Công giáo đã có những đóng góp nhất định, ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Cũng như mỗi thành viên của một Gia đình, luôn biết yêu thương, quan tâm, nâng đỡ, khích lệ và động viên lẫn nhau, cùng nhau chu toàn mọi công việc, cùng nhau chia sẻ vui buồn sướng khổ, các thành viên cũng làm thành một xã hội đông đảo. Mỗi người một quan điểm sống, một thái độ sống, một phương cách sống, một công việc hay hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tất cả góp lại thành một bức tranh tổng thể, làm nên diện mạo của toàn thể xã hội. Đời sống xã hội được xây dựng bởi tất cả các thành viên trong đó. Một xã hội phát triển và văn minh, chính là khi con người biết tôn trọng lẫn nhau và xây dựng tình liên đới, yêu thương, chia sẻ, nhất là mỗi ngừời biết chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của mình. Trong đất nước, đó chính là những quyền và nghĩa vụ mà ngùời công dân phải luôn tôn trọng.
Trong cộng đồng xã hội, những hạnh phúc và phúc lợi của tất cả mọi người đều có quan hệ mật thiết với nhau với nhau. Người ta sống chung với nhau và hợp thành những cộng đoàn lớn hơn. Vì thế, chúng ta không phải chỉ là thành viên của một gia đình lẻ loi nhỏ bé, nhưng còn là thành viên làm nên một quốc gia nữa.
Nhà nước có quyền thiết lập nên những hệ thống luật pháp và những quy định đúng để các công dân của mình phải thi hành. Mục đích của nhà nước chính là xây dựng, đẩy mạnh và bảo vệ hạnh phúc của tất cả mọi thành viên trong Gia đình xã hội của mình. Chính Chúa Giêsu không bao giờ phủ nhận các quyền của một nhà nước; Ngài còn dạy ta phải phải trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa, và cho Xê-da (nghĩa là nhà nước) những gì thuộc Xê-da. Mọi quyền bính phát xuất từ chính Thiên Chúa, mọi công dân có quyền và nghĩa vụ phải thi hành những điều mà quyền bính ấy đề ra, tất nhiên trong những điều hợp luân lý và đạo đức con nguời. Chính Thánh Phaolô đã nói rất mạnh về điều này: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa... Như vậy ai chống đối chính quyền là chống lại điều Thiên Chúa quy định”(Rm 13:1-20).
Nếu như nhà nước có những quyền và nhiệm vụ nào đó, thì các công dân cũng vậy. Là người Công giáo, chúng ta được mời gọi để trở nên những công dân gương mẫu, biết thực thi tất cả những luật pháp và những điều lệ chính đáng, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước của mình. Lòng yêu nước là một đức tính thật cao quý. Lòng yêu nước không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo, địa vị xã hội. Đó là một đức tính nổi bật nơi mỗi ngừời công dân trên dải đất hình chữ S này. Yêu nước cũng chính là dấn thân vào công cuộc đẩy mạnh hạnh phúc thật của cả nước và của mọi công dân nước mình.
Sự đóng góp của nguời Kitô hữu vào xã hội là cần thiết. Trong tư cách là công dân, sự lành mạnh và hạnh phúc của đất nước là mối quan tâm của chúng ta. Chúng ta phải cùng với mọi người cố gắng xây dựng tình liên đới, sự hoà bình, thịnh vượng của đất nước, như trong một đại Gia đình. Hiện nay, đất nước Việt Nam đang tiến đi trên con đường phát triển theo kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc mở cửa giao thương với thị trường quốc tế và khu vực, hiện tượng toàn cầu hóa… đã tạo nên không ít những biến chuyển, những điều kiện sống mới cho mọi người dân. Thật vậy, người Công giáo Việt Nam không nằm ngoài những biến chuyển tích cực của xã hội; nhưng đồng thời, cũng góp phần đem văn hoá Công giáo của mình, cùng với những giáo huấn về xã hội của Giáo hội để thấm nhuần trong đời sống dân tộc.
Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (1992) đã đưa ra những lời chỉ dẫn thật sâu sắc cho những người Công giáo khi thi hành bổn phận và trách nhiệm của Công dân. Theo đó, người công dân tốt là người “tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội” và khi tham gia vào đời sống xã hội, “họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền.” Đồng thời “nghiêm khắc phê bình những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình.” Họ phải hành động theo lương tâm mình, “không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi của luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng”.
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định rõ: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước” và “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới. Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa“.
Trong đường hướng mục vụ “Sống đức tin giữa lòng dân tộc” như thế, mọi thành phần Dân Chúa của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam và đang cố gắng thực thi sứ mạng đóng góp vào công cuộc phát triển xã hội, dựa trên nền tảng Đức Tin và Đức Ái Kitô Giáo. Tôn trọng và thi hành quyền, nghĩa vụ Công dân phải luôn trở nên một định hướng trong đời sống của người tin hữu Công giáo. Vâng theo luật Chúa, lắng nghe tiếng lương tâm, thực thi quyền và nghĩa vụ công dân… làm nên một mẫu gương người Công giáo tại Việt Nam hôm nay. Như thế, chúng ta góp phần xây dựng một xã hội công bình văn minh, một đất nước giàu mạnh phát triển, nhờ đó cũng góp phần làm sáng danh Chúa trên trần gian này.