Trong những ngày tết cổ truyền, người Việt Nam thường có câu: “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”. Người Công giáo, trong khi mừng những ngày Tết nguyên đán, cũng hướng ý: Ngày mùng 01: Cầu bình an cho Năm mới, ngày mùng 02: Kính nhớ Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, ngày mùng 03: Thánh hóa công việc làm ăn.
Trong những ngày đầu xuân, người tín hữu Công giáo cũng được mời gọi kính nhớ các bậc Tổ tiên đã qua. Phụng vụ Giáo hội dành ngày mồng Hai Tết để cầu nguyện cách đặc biệt cho các bậc tổ tiên. Sách Huấn Ca viết những tâm tình thật cảm động khi hướng về các bậc tổ tiên: “Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ” (Hc 44, 1. 10-15).
Truyền thống hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, các bậc sinh thành đã trở nên nét đẹp trong văn hóa ngày tết của người Công giáo Việt Nam. Ngày tết là dịp để chúng ta về đoàn tụ bên các bậc sinh thành để bày tỏ niềm tri ân, để nói lời xin lỗi về những khiếm khuyết trong năm qua, để cầu chúc các đấng an khang trường thọ. Ngày tết là dịp để con cái nhìn nhận tình thương của cha mẹ là tình thương không thể thiếu cho con bước đi trong cuộc đời. Nhờ ơn cha, nhờ nghĩa mẹ mà con cái mới đứng vững trước những sóng gió cuộc đời.
Mỗi người được mời gọi hãy hết lòng phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống tôn kính các ngài lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người. Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt Nam giàu tình trọng nghĩa. Người Việt luôn coi trọng việc kính thờ tổ tiên, trọng kính cha mẹ, thương yêu anh, chị, em. Người Việt vốn hiền hoà, tình cảm, lại chung sống cộng đồng với nhau, suốt đời quanh quẩn bên luỹ tre làng; cho nên dù sống, dù chết, họ vẫn gần gũi bên nhau, ấm áp tình người.
Giáo Hội luôn dạy cho mỗi người tín hữu hiểu rằng việc hiếu thảo có giá trị rất đáng trân trọng. Trong 10 điều răn của chính Thiên Chúa truyền cho con người phải tuân giữ, điều răn thứ Bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa. Dân tộc Việt Nam luôn còn giữ được truyền thống thảo hiếu và giáo dân Việt Nam mau mắn lắng nghe và thực hành lời Chúa. Do đó, nghĩa vụ, bổn phận đối với các bậc sinh thành, tổ tiên luôn được trân trọng giữ gìn.
Trong văn hóa những ngày Tết cổ truyền dân tộc, ngày Mùng Hai Tết, Giáo Hội mời gọi con cái mình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Qua đó Giáo Hội mời gọi con cái mình sống tinh thần Đạo Hiếu. Chính từ cha mẹ tổ tiên ông bà mà người Việt Nam có thể và đi xa hơn, lên cao hơn tới chốn trời cao siêu nhiên huyền bí của cõi linh thiêng của thần thánh. Từ đó tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên tời dưới đất. Đạo Ông Bà, Đạo Hiếu không những chẳng đối nghịch, chẳng cản trở đối với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào Đạo Chúa.
Tình yêu và lòng yêu mến biết ơn đối với ông bà cha mẹ càng làm cho người tín hữu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Hãy biết thảo kính Cha mẹ, hiếu nghĩa với các bậc Tổ Tiên. Đó vừa là nét đẹp của truyền thống đạo hiếu, vừa là mệnh lệnh mà Thiên Chúa, qua giới răn thứ Bốn truyền cho con người phải tuân giữ.
Xin trích dẫn lời giáo huấn của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Eepheso để nói lên những bổn phận hiếu nghĩa với Tổ Tiên, ông bà cha mẹ mà người Công giáo phải tuân giữ: “Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng "để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu. Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ khá làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa. Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin” (Ep 6, 1-4. 18. 23).
Lạy Chúa, xin chúc lành và ban tràn đầy hồng ân cho các bậc Tổ tiên yêu dấu của chúng con. Amen.