Văn hóa nghệ thuật

Trầm mặc Nhà thờ phố núi Sa Pa

Cập nhật lúc 09:59 19/10/2009

  

Nhà thờ xây dựng đầu thế kỷ 20. Trước khi đặt những viên gạch móng đầu tiên cho công trình này, những người kiến trúc sư Pháp đã chọn lựa rất kỹ địa thế để xây dựng.

 

Nhà thờ Sa Pa toạ lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội. Đặc biệt, nhà thờ ở vị trí trung tâm của thị trấn Sa Pa, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích, cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp. 

Việc chọn hướng của nhà thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Công Giáo: Đầu di tích quay về phía Đông, là hướng mặt trời mọc, hướng đón nguồn sáng Thiên Chúa. Cuối nhà thờ (khu Tháp chuông) là hướng Tây, nơi sinh thành của Chúa Kitô.
Hình dạng và kiến trúc của Nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn…đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho di tích. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm (nay làm mới). Đặc biệt trần ở phần gác chuông (gần quả chuông) là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt, chưa sửa chữa lần nào.

Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 6.000 m2, nhà thờ Sa Pa có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: Khu nhà thờ, dẫy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, phần sân phía trước, hàng rào, khu Vườn Thánh. Dãy nhà xứ xây song song với khu nhà thờ, gồm 5 gian: Gian gần với tháp chuông là phòng nghỉ của Cha xứ, gian gần với cung thánh là phòng của Đức Cha, ba gian giữa là phòng khách.
 
 

Nhà thiên thần gồm: một tầng hầm, ba gian tầng trên là nơi cứu chữa người bệnh tật, người lữ hành qua đêm, khu để xác, công trình vệ sinh, bếp ăn…; khu vườn thánh có hai ngôi mộ, 5 cây Kháo Vàng trên trăm, trong đó 4 cây mọc trên đá.

Khu nhà thờ gồm 7 gian rộng hơn 500 m2, phần tháp chuông cao 20 m, trong tháp có quả chuông cao 1,5 m, đúc tại năm 1932, nặng 500 kg, tiếng vang trong vòng bán kính gần 1km. Hiện, trên bề mặt của chuông còn rõ nét ghi đúc, số người quyên góp tiền đúc chuông…Phần giá đỡ chuông bằng gỗ pơmu vẫn giữ nguyên sau lần trùng tu.
Trầm lắng giữa phố núi Sa Pa
Nhà thờ Mân côi giữa khu trung tâm Sa Pa là điểm hẹn của nhiều du khách mỗi khi có dịp đến đây. Tuy qua một số lần trùng tu, cải tạo do chiến tranh và sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên nhưng nhà thờ vẫn giữa được nét duyên dáng và cái hồn của một công trình kiến trúc tôn giáo.

 

Từ khi được xây dựng đến nay, nhà thờ Sa Pa luôn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của các dân tộc nơi đây. Ngay phía trước Nhà thờ là khu vực Sân quần và hàng thông lưu niên, nơi đây vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần thường diễn ra các sinh hoạt văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số mà du khách quen gọi với cái tên “chợ tình”. Với tiếng sáo, kèn lá, đàn môi dìu dặt, tha thiết và những điệu xoè chao nghiêng của những chàng trai, thiếu nữ người Mông, Dao... Cùng với hoạt động cầu nguyện diễn ra trong những ngày cuối tuần tạo cho không gian của Nhà thờ thêm lung linh, huyền ảo và có sức lôi cuốn lạ thường.

Bên cạnh đó, do là một công trình được kiến thiết từ rất sớm, cùng với mảnh đất và con người nơi đây, Nhà thờ Sa Pa cũng trải quan nhiều biến cố của lịch sử. Kể từ khi thành lập, nhà thờ Sa Pa luôn có các linh mục ở tại giáo xứ phục vụ bà con giáo dân. Tuy nhiên các năm sau đó, do sự có mặt của quân đội Nhật, các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của Nhà thờ đã bị ngưng trệ. Những năm sau đó chiến tranh liên miên nên dân chúng phải đi sơ tán, giáo xứ hầu như không còn sinh hoạt, nhà thờ, nhà xứ bỏ hoang. Sau đó, nhà thờ trở thành kho gạo, nhà xứ là trường dạy học.
Bắt đầu từ năm 1995, chính quyền địa phương cho phép trùng tu Nhà thờ lần thứ nhất và giáo xứ tiếp tục sinh hoạt trở lại. Cùng thời gian này, hai họ đạo Hầu Thào, Lao Chải (họ đạo dân tộc thiểu số Mông thành lập năm 1920) cũng được tái lập và bước đầu sinh hoạt. Tuy vậy chỉ vào dịp lễ trọng trong năm mới có các cha đến dâng lễ và cử hành các bí tích phục vụ cộng đoàn. Tháng 5/2006, giáo xứ Sa Pa chính thức có linh mục quản nhiệm và thường trú sau gần 60 năm không có cha xứ. Năm 2006 tiến hành lần trùng tu thứ hai sửa lại mái và nền.
Với nét trầm mặc như bản chất vốn có, Nhà thời Sa Pa vẫn ẩn dấu nhiều bí ẩn còn đang ngủ yên chờ đợi được khám phá.
www.baodatviet.vn
Thông tin khác:
MẸ ƠI ! (05/10/2009)
Hai ngàn ngọn nến (02/10/2009)
Mẹ Bảy Sự - Mẹ Sầu Bi (01/10/2009)
Triển lãm mỹ thuật Dấu ấn đức tin II (09/09/2009)
Cà Mau - Cõi tâm linh: Nhà thờ Quản Long (26/08/2009)
XỨ ĐẠO ĐỒNG GIỮA (24/08/2009)
Tư tưởng và hành động nhất quán của Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam (23/08/2009)
Giáo hoàng phát hành album (21/08/2009)
Nhà thờ công giáo ở Việt Nam - kiến trúc và lịch sử (18/08/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log