Văn hóa nghệ thuật

XỨ ĐẠO ĐỒNG GIỮA

Cập nhật lúc 09:38 24/08/2009

Gọi bên Lương bên Giáo là cách khai trong giấy tờ để dễ cho việc quản lí xã hội thôi, còn dân thì có phân biệt gì. Kể cũng có khác tí ở chỗ người bên Giáo thì thờ chúa thắp nến, còn bên Lương thì hương đèn thờ tổ tiên. Họ đều là những người bình thường. 

Vùng quê tôi có một tục lệ chẳng thành văn nhưng lại được thực hành triệt để, đó là người phụ nữ sau ngày cưới là mất tên, người ta gọi theo tên chồng. Ví dụ tôi tên Đức, vợ tôi tên là Điền nếu hiện diện ở quê thì không có ai lại tò mò hỏi tên vợ là gì bao giờ. Người trong xóm có việc cần cứ réo luôn “chị Đức ơi”, ban đầu thì ngẩn ngơ, nhưng chỉ nghe gọi vài lần là quen và tự giác chấp nhận. Còn các bề trên trong họ thì cứ nhà Đức thế này, nhà Đức thế kia, rất thân thiện như tên vợ tôi vốn thế từ lâu. Đến khi có con, câu chuyện tên tuổi chuyển sang hướng khác. Trong xóm người ta bắt đầu lấy tên con đầu lòng ra gọi. Con tôi là Thắm, thế là tôi thành cậu Thắm, anh Thắm, bác Thắm. Vợ tôi lúc này thì lưỡng danh, lúc người ta réo tên chồng, lúc người ta gọi theo tên con. Cái tai tội nghiệp phải dỏng lên để biết mà thưa gửi. Nhưng chỉ riêng lúc có chuyện xung đột, chửi bới nhau thì người ta lại réo tên thật ra để đay nghiến, gọi là tên cúng cơm. Lúc ấy là mối quan hệ đã lâm vào ngõ cụt rồi đó.

Ông quản (một chức danh nhỏ của họ đạo) cũng trong tình trạng như vậy. Ông tên là gì nào ai biết. Cái tên Dị là người trong xóm gọi ông theo con gái đầu lòng. Còn chị liền dưới là Ly. Ly - Dị, tên hai chị em nghe thật buồn cười, nhưng ông bà lại sống rất hòa thuận hết kiếp. Cả hai đều hiền lành phúc hậu. Đến khi cả hai ông bà về với Chúa mà trong xóm không ai biết tên thật. Lại một lần nữa, tên ông bà được chuyển gọi bằng tên thánh. Cái tên để giáo dân nương tựa phần hồn. Đời một con người, cái tên thật chỉ có lúc chưa vợ chưa chồng. Còn sau hôn nhân, tiếp hai lần thay tên theo những đổi thay trong nhà thì tên thật bố mẹ đặt cho đã biến mất vĩnh viễn trên cõi đời.
Suốt ngày bé tôi không thấy ông bà quản mắng con cái. Còn nói năng thì thấy không bao giờ cao giọng hơn khi cầu nguyện. Buổi sáng lúc còn nhọ mặt người, hai ông bà đã thức làm thành hai bè cao thấp rì rầm song hành đọc “kinh mừng mai,(ơ) lời ơn chúa...”. Tôi nghe trong lúc ngái ngủ thấy chập chờn một tâm thành đang được giãi bày trước đấng Cứu thế vừa sẽ sàng vừa nồng hậu thánh thiện. Giai điệu khúc thánh ca chập chờn gợn như sóng hình sin, như gió bay ngang mặt lúa, mang hơi mát ban mai rải đi khắp nơi.
 
Ông bà sống được tuổi trời, đều gần tám mươi cả. Tôi còn nhớ không biết bao nhiêu lần sáng sớm bà sang xin nước đái của tôi về uống, bảo là nước đái trẻ con chữa được bệnh gì của phụ nữ. Có lần bà bưng bát nước đái trong veo còn bốc hơi nóng uống ngay trước mặt, khiến tôi nôn nao đến tận bây giờ!
Xứ đạo Đồng Giữa có một nhà thờ để ngắm nguyện giáo dân tự làm. Đây là vùng dân nghèo, chỉ lợp mái cọ tường trát vách đất, xoa vôi cát. Thế nhưng lúc ấy trông nó bề thế và trật tự.
Năm đôi lần, cha đạo xứ Yên Huy, mặc đồ đen đi bình bịch kinh lý qua đây. Lúc ấy thấy bà con giáo dân cung kính rước đón đức cha về nhà thờ họ đạo. Thấy lời Đức cha phủ dụ các con chiên nghe cũng nhẹ nhàng như gió thoảng. Nhiều người tai nghễnh ngãng thì không nghe được gì. Nhưng tôi lại có cảm nhận hình như đức cha nói gì không quan trọng bằng sự hiện diện. Chỉ cần người có mặt là đủ. Người theo thiên chúa nhận cảm đức tin Chúa trời qua lời răn dạy ngắn gọn, và hun đúc niềm tin bằng cầu nguyện, hay ngắm nguyện gì đấy với lòng chân thành để sống trọn trong kinh Phúc Âm, nghe thật huyền bí. Đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu hết bề sâu tinh thần của họ đạo. Hình như tôn giáo nào cũng tạo ra sự huyền bí để tập hợp tín đồ.
Bố tôi bảo, ông Mỹ nhà nghèo thế mà có ổ trứng gà cũng mang ra kính cha. Tôi cũng không kịp hỏi liệu cha có nhận quà của con chiên rách không. Nhưng chuyện ấy cũng lâu rồi.
Xứ họ đạo Đồng Giữa bây giờ vẫn còn đấy. Cũng không phát triển lên là bao. Hôm mồng Một tháng Chín vừa qua về quê, cô Dần báo tin bà Bảy, con gái thứ ba của ông quản Dị bị xe máy tông chết cùng đứa cháu trai hai bốn tuổi vào đúng ngày rằm tháng Bảy khi bà đi lễ ở xứ đạo Yên Huy về. Thế là lại mất thêm một người bạn thời thơ ấu kém tôi một tuổi mà từ lâu chưa hề gặp lại. Chỉ còn nhớ Bảy người thanh, da trắng, mắt sáng như mắt Đức bà Maria, mặt hơi lưỡi cày mà lại có duyên... Nhưng lại là hồi vọng trên năm mươi năm về trước.
Người công giáo ở họ đạo Đồng Giữa quê tôi hiền như bột, đến hôm nay họ vẫn thế.

 

Đỗ Đức

Lê Thị Cúc
Báo TTVH
Thông tin khác:
Tư tưởng và hành động nhất quán của Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam (23/08/2009)
Giáo hoàng phát hành album (21/08/2009)
Nhà thờ công giáo ở Việt Nam - kiến trúc và lịch sử (18/08/2009)
Nhà thờ Phát Diệm - Đỉnh cao của kiến trúc Việt Nam (18/08/2009)
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (18/08/2009)
Thơ Băng Tâm: Linh mục cầu nguyện và cầu nguyện cho Linh mục (14/08/2009)
Tổng Giáo phận Paris: Chủng viện Carmes mở cửa đón khách viếng thăm (14/08/2009)
Ý NGHĨA CỦA NGHỆ THUẬT VẼ ẢNH THÁNH (24/07/2009)
10 KIẾN TRÚC NHÀ THỜ ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ (20/07/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log