Văn hóa nghệ thuật

Trưng bày văn hoá Công giáo đương đại Việt Nam

Cập nhật lúc 10:01 16/07/2009

 

Lần đầu tiên, một cuộc trưng bày giới thiệu về cuộc sống, những sinh hoạt văn hóa của người Công giáo Việt Nam với chủ đề “Sống trong bí tích” đã được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy - Hà Nội). Thông qua các gian trưng bày, người xem có dịp hiểu thêm về văn hóa tâm linh của người Công giáo, gắn với hình ảnh Chúa, thánh đường, tiếng chuông nhà thờ ngân nga và cả những nghề thủ công truyền thống gắn với tín ngưỡng, tôn giáo. Thiết nghĩ, đây là cuộc triển lãm rất có ý nghĩa để tránh cái nhìn chưa đúng về cộng đồng dân cư với 6 triệu người này.
Vang vọng tiếng kèn
Triển lãm đã tái hiện cuộc đời của một người công giáo thông qua những bí lẽ chính, từ lễ rửa tội (bí tích Thánh tẩy) cho một em bé bước vào đời, nối tiếp bởi các bí tích hòa giải, Thánh thể, Thêm sức (là những bí tích nền tảng giúp trẻ em trưởng thành về đức tin) đến bí tích Hôn phối khởi đầu cuộc sống gia đình và kết thúc bởi bí tích Xức dầu thánh để được giải tội lần cuối nơi trần thế. Với hơn 120 hiện vật cùng ảnh, bài viết, các câu chuyện, phim video... trưng bày cũng thể hiện những thánh lễ quan trọng của cộng đồng tín hữu: lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh cùng vài nét chấm phá về một số nghề thủ công truyền thống của người Công giáo ở các địa phương khác nhau, chủ yếu là cộng đồng Công giáo ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ (Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nội) và một số nơi khác như Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Kom Tum, Đồng Nai...
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam: “Cuộc trưng bày là một sáng kiến hay để công chúng hiểu hơn về đời sống văn hoá người Công giáo. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đồng bào Công giáo chia sẻ kinh nghiệm, nét đẹp văn hoá của mình”.
Trong khu trưng bày, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi tìm hiểu về một số nghề thủ công truyền thống của người Công giáo, đặc biệt là nghề làm kèn. Đây là loại kèn thường được sử dụng trong các sinh hoạt cộng đồng của người Công giáo như: lễ rước, tang lễ. Hầu như giáo xứ nào cũng có đội kèn. Người tham gia thường là nam giới. Trong một đội kèn, ông phần kèn (trưởng hội tây nhạc) chịu trách nhiệm quản lý, còn ông giáo kèn làm chỉ huy. Trong các ngày lễ quan trọng của người Công giáo, không thể thiếu tiếng kèn khi hùng tráng, khi trầm bổng tạo nên âm thanh trang nghiêm nơi giáo đường. Tiếng kèn cũng như tiếng chuông nhà thờ đổ dài từng hồi gọi người dân đi lễ đã trở thành âm thanh quen thuộc của người Công giáo.
Trao đổi với ông Đinh Văn Mạnh ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường - Nam Định), người nổi tiếng với nghề làm kèn, chúng tôi được biết ở giáo phận Bùi Chu (Nam Định) có rất nhiều gia đình biết làm và chỉnh sửa kèn. Ông Mạnh chia sẻ: “Nếu mua kèn Tây chính gốc, giá rất đắt nên tôi đã tìm hiểu và cải tiến thành công nhằm giảm giá sản phẩm. Từ năm 1960 đến nay tôi đã làm được gần 400 chiếc kèn”.
Ông Mạnh kể lại, năm 17 tuổi, ông mượn chiếc kèn của nhà thờ xứ về nghiên cứu để tự làm kèn nhưng phải đến chiếc thứ 21 mới thành công. Hiện, con trai ông Mạnh, anh Đinh Văn Thanh đang tiếp tục nối nghiệp cha bởi sự kính Chúa và lòng đam mê nghề.
Tôn vinh vẻ đẹp thánh đường
Cũng tại gian trưng bày, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm thêu hết sức tinh xảo, góp phần làm đẹp thêm trang phục của linh mục và người đi lễ. Đặc biệt, tại giáo xứ Phú Nhai (Nam Định), có dòng họ Đinh đã 4 đời gắn bó với nghề. Theo tài liệu sưu tập được thì người tạo dựng nghề này ở Phú Nhai là ông Đinh Ngọc Oanh. Năm 1928, với vai trò là thủ quỹ nhà thờ, ông mời thợ từ Nam Định, Hà Nội về thêu 15 chiếc cờ ảnh dùng trong đám rước. Qua đó, ông học được nghề rồi truyền dạy cho con cháu. Thế hệ thứ 4 trong dòng họ là anh Đinh Thế Công vẫn cùng anh, chị của mình tiếp nối nghề tổ tiên. Anh Công cho hay: “Chúng tôi vẫn kế thừa những mẫu hoa văn cũ dựa trên các tích truyện trong kinh thánh như cành hoa hồng, hoa huệ, chữ thập, bông lúa miến, chùm nho...; đồng thời cải tiến mẫu mã, màu sắc, chất liệu cho phù hợp với thị hiếu ở các xứ đạo, sáng tạo thêm một số mẫu hoa văn mới như tia nắng mặt trời, cành vạn tuế... để sản phẩm bắt mắt hơn”.
Cùng với nghề thêu, đồng bào Công giáo còn nổi tiếng với nghề tạc tượng. Anh Trần Quốc Hưng ở Nam Định là một trong số những nghệ nhân làm nghề này. “Làm tượng phải đúng với cái Tâm. Phải tự tay hoàn thiện thì mới yên tâm được. Chính vì vậy, tôi không thuê nhiều thợ, không nhận nhiều đơn đặt hàng để có được những bức tượng đẹp nhất, thể hiện rõ nhất thần thái, tính cách gương mặt của từng vị thánh” - anh Hưng chia sẻ.
“Những người làm nghề tạc tượng ngoài cái Tài còn phải có Tâm. Tôi làm nghề tạc tượng nên ngoài cầu xin cho bản thân và gia đình mọi sự bình an“, may mắn còn cầu xin cho đầu óc sáng suốtm, làm tượng thật đẹp đã tỏ lòng kính Chúa”, ông Trần Công Khuông ở giáo họ Bắc Tỉnh (Nam Định) thổ lộ.
Tượng làm cho các nghi lễ trở nên linh thiêng hơn, giúp lòng người hướng đạo. Tượng được tạc bằng phương pháp thủ công, căn cứ theo mẫu tượng, mẫu ảnh hoặc theo yêu cầu của người đặt hàng. Những mẫu tượng được làm nhiều nhất là: tượng Chúa chịu nạn (bị đóng đinh trên cây thánh giá), tượng Chúa trái tim (tượng có hình trái tim chạm nổi ở giữa ngực), tượng Đức Mẹ và tượng một số vị thánh quen thuộc như Giuse, Gioan...
Trước kia, tượng chủ yếu được tạc bằng gỗ, tượng nhỏ có thể dùng ngà voi làm mặt, bàn tay, bàn chân. Hiện nay có thêm nhiều chất liệu mới như: thạch cao, xi măng, đá... Nghề tạc tượng thường chỉ hoạt động với quy mô gia đình. Việc truyền nghề đều theo hình thức cha truyền con nối.
Để có được những tư liệu quý về đời sống văn hoá của người Công giáo, theo PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Chúng tôi đã cố gắng thu thập, nghiên cứu các tư liệu, hiện vật để phản ánh một số khía cạnh của văn hoá Công giáo đương đại. Trong đó, các nghề thủ công phục vụ đời sống Công giáo được đặc biệt quan tâm”. Mong muốn của những người thực hiện trưng bày lần này là đặt những viên gạch đầu tiên có tính chấm phá nhưng rất gợi mở, giúp người không theo đạo hiểu và chia sẻ niềm tin về văn hóa Công giáo, để bớt đi những băn khoăn, nghi kỵ do khác biệt tôn giáo.
Kinh tế nông thôn.com.vn
Thông tin khác:
Trọn Đường (07/07/2009)
XỨ ĐẠO NGÀY NAY (07/07/2009)
Linh mục tổ chức thi 'Hoa hậu tu sỹ' (06/07/2009)
Suy nghĩ về đạo công giáo (03/07/2009)
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với đồng bào theo đạo Thiên Chúa (25/06/2009)
VĂN HÓA & NIỀM TIN: TRANG NHẬT KÝ RẤT RIÊNG TƯ TRONG NGÀY THƯƠNG BỐ (23/06/2009)
'ÊM, CHẬM, SÂU, ĐỀU' (23/06/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log