Văn hóa nghệ thuật

Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 1,2,3)

Cập nhật lúc 09:28 11/06/2012

 

Tôi đã được nghe danh tánh các vị linh mục lão thành tập kết, các vị trực tiếp tham gia Cách mạng ở miền Bắc đều không được giáo dân cũng như Giáo hội hưởng ứng nồng nhiệt. Tôi đã nghe kể, một cha xứ nọ đi theo Cách mạng, nói đúng hơn là theo Việt Minh hay Việt Cộng, một hôm về thăm giáo xứ do ngài đang trông coi vào một đêm mưa tầm tã, vậy mà giáo dân không cho ngài vào nghỉ trong nhà xứ, thậm chí cả trong nhà thờ ngài cũng không được vào mà chỉ được nằm nghỉ trước cửa nhà thờ với một viên gạch làm gối.
Lý giải điều này là do những nguyên nhân nào cũng không phải dễ. Ngày nay bối cảnh xã hội và Giáo hội đã nhiều thay đổi. Tuy nhiên không biết đến bao giờ mới xoá được mặc cảm giữa đôi bên. Ở đây tôi cũng không thể thanh minh cho những hoạt động của mình và dường như không ai có thể làm được việc đó. Tôi nghĩ rằng nhận định của dư luận sẽ là những nhân chứng khách quan hơn cả.
Phải chăng có sự ngộ nhận giữa những hoạt động truyền giáo? Tôi chỉ cảm nhận Giáo hội sau Công đồng Vatican II quan tâm đến những vấn đề xã hội nhiều hơn. Thể hiện qua các hiến chế, nhất là hiến chế Lumen Gentium (Giáo hội trong thế giới ngày nay). Sách Giáo lý chung nhấn mạnh “con người” qua Đức Giêsu. Dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn Giáo hội, tôi khám phá ra nguồn động lực chủ đạo cho sứ vụ linh mục của tôi. Ngoài ra bức Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980 cũng đã định hướng cho mọi hoạt động dấn thân của cộng đồng dân Chúa Việt Nam: “Đồng hành với Dân tộc, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với Dân tộc mình. Vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc là cộng đồng mà Chúa đã trao cho chúng ta để phục vụ với tư cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa”.
Hồi ký cũng là hồi tưởng, nhìn lại chặng đường hai mươi bảy năm đã qua. Tôi muốn ghi lại những việc làm vặt vãnh có thể chỉ ra vùng nông thôn nơi tôi sống và làm việc, đã giúp tôi suy tư và học hỏi để tạo nên một phần đời tôi hôm nay và ngày mai.
1.LÀM QUEN
Tôi đến với cách mạng vào một buổi chiều nắng đẹp, trên sân vận động xã Long Thới. Xã Long Thới nằm phía Đông Bắc huyện Tiểu Cân, tỉnh Trà Vinh, trước năm 1992 là tỉnh Cửu Long, cách Tp Hồ Chí Minh trên 200km, dân số khoảng 20.000 nhân khẩu, người công giáo chiếm 80%. Chiều hôm đó, tôi vừa đá trái banh lên, cũng là trái banh cuối cùng, trọng tài thổi còi dài chấm dứt 90 phút thi đấu. Cổ động viên nhí, la hét, nhiệt tình cổ vũ cho đội nhà. Chúng tôi thắng đậm với tỉ số 4-0. Giải, mỗi vận động viên được thưởng một ly đá chanh, do đội bạn chung tại quán nước bên sân.
Sau ngày giải phóng đất nước 30/04/1975, chúng tôi thường tổ chức những trận thi đấu nhà vườn như thế. Tôi, một linh mục trẻ, vừa thụ phong ngày 15/04/1975 và được ĐGM Gp. Vĩnh Long bổ nhiệm làm linh mục phó, phục vụ họ đạo Mặc Bắc. Hôm ấy, một anh bạn áo xanh nước biển, đầu đội nón tai bèo, đến làm quen, tự giới thiệu là cán bộ đoàn. Tôi đứng bật dậy, vừa vì phép lịch sự, vừa nghe cán bộ, tôi chỉ biết bái phục và trong lòng rộn lên một mối tơ “lòng thòng”, không biết “hỏi thăm sức khoẻ” gì về mình đây. Anh bắt đầu câu chuyện bằng một nụ cười thật duyên, có lẽ để tôi yên lòng, anh khen tôi chụp gôn hay lắm, anh hỏi tôi được đào tạo trường nào. Tôi bẽn lẽn trả lời: “hồi nhỏ, tôi lượm được một trái bưởi non, các bạn tôi xúm lại giật, tôi chạy thoát, đem đi lấy rơm đốt, nướng cho héo làm trái banh. Tôi mới giành đá được hai, ba cái, thấy tôi đá dở bắt tôi về chắn khung thành.
Khi vào Chủng viện, chờ tới mùa gặt, chúng tôi đá sân ruộng, từ gốc rạ còn tươi, hai chân dính đầy máu, đến lấp bằng những lỗ chân trâu, tạo được những kỳ tích trên sân bãi không còn cọng cỏ non. Trong thời gian tập luyện, chúng tôi dự nhiều giải học sinh, đạt nhiều thành tích cao. Lên Đại chủng viện, đã được khoảng sân chơi khá rộng, được trang bị giầy móng, vớ, và bộ đồ truyền thống. Tôi luyện thêm bóng rổ và ít đòn võ thuật Vovinam để nhào lộn, mảy may cho ra vẻ chuyên nghiệp nhà nghề; về kỹ năng thủ môn, tôi quan sát mấy chú lái dưa tung bắt rất điêu luyện. Tôi mê từng thao tác khéo léo của họ, từ dưới ghe tung lên, tôi xin thử và dần dần tôi biết chụp, tôi vận dụng vào tung bắt banh. Thế là tôi biết chụp gôn từ đó. Sau khi nghe tự sự, thành tích tầm thường, anh cán bộ đoàn lại bảo, chúng tôi mời anh linh mục tham gia đội tuyển bóng đá, tham gia sinh hoạt Đoàn. Tôi đang phân vân, thì được các bạn đồng đội cổ vũ: “nhất trí đi! nhất trí đi!”
Nói chung, tôi nhất trí, nhưng tôi còn phải thông qua cha sở và các anh em linh mục trong nhà. Các cha nghĩ rằng: “Tình thế đất nước đã thay đổi, Giáo hội cũng thay đổi phần nào cho phù hợp thời đại mới; không hại gì tín lý, đức tin. Hơn nữa, thể dục, thể thao đang là phong trào sôi nổi ở khắp nơi trong nước. Ngoài ra nếu họ cần, yêu cầu mình, anh em cũng có thể sắp xếp mục vụ để cha Đoài tham gia với người ta. Thêm vào đó, cũng để hai bên hiểu nhau hơn, có thể thuận lợi cho việc mục vụ mình hơn”.
   Đâu ngờ chuyện xảy ra hôm nay: thể dục, thể thao, chuyện vui chơi, chuyện nam nhi chi chí đời thuờng, mình chỉ nghỉ đơn giản như thế! Sao hôm nay lại biến thành quan điểm, lập truờng, hội nhập, hòa giải, thân hữu hai bên; thậm chí dính dấp hơi hớm chính trị, xã hội… Song song đó, cũng tạo uy tín cá nhân, tập thể đạo, đời. Truớc đây, nếu có, tôi suy nghĩ xa hơn xa một chút: “Mai mốt đi thực tập mục vụ cho họ đạo, mình sẽ thu hút giới trẻ, để giáo dục bằng sinh hoạt, thể dục thể thao, vui chơi lành mạnh.
   Đúng hẹn, anh cán bộ đoàn hôm trước hẹn tôi ngoài sân bóng. Anh em đội bóng vây quanh tôi, ríu rít hỏi dồn dập. “Đồng ý rồi, cha sở, các cha đã thống nhất” – Tôi phải lấy hơi trả lời. Nhưng bây giờ, bản thân tôi nè, có hoàn thành nhiệm vụ anh em tin tuởng giao phó hay không đây?
2. NỖI LO
Ngoài ra còn nỗi lo dư luận từ nhiều phía. Người giáo dân nghĩ gì về một linh mục đá banh? Nhà nước hiểu thế nào? Có thể hòa hợp giữa mục vụ và vui chơi? Ngay từ đầu, tôi xác định đây không hẳn chỉ là vui chơi, nhưng lại chính là con đường tắt của mục vụ rao giảng. Ngay trận ra quân đầu tiên, chúng tôi dành phần thắng. Kết quả nào cũng do một phần yếu tố tâm lý, sân nhà và cổ động viên nhà. Theo đánh giá chung của các cổ động viên, chưa có trận giao hữu nào khán giả đông như trận này. Tôi lại nghe được nhiều tiếng xầm xì, trận này có ông cha ngộ quá, hèn chi không thắng. Tôi quay lại nhìn, thấy người lạ, chắc hẳn là người lương. Có lẽ do dài truyền thanh xã thông báo và áp-phích dán ở các quán nước, trong khung thành của đội tuyển xã, đặc biệt có linh mục Nguyễn Sơn Đoài, mang áo số 1, thủ môn. Thế là người này kháo người kia, rủ nhau đi đông, vừa để xem cha, vừa ủng hộ cha mình. Họ nói với nhau, làm sao cha Út đi đá banh, từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ có nghe nói cha nào đá banh bao giờ. Do đó số khán giả đông vì hiểu kỳ hơn vì mê thể thao. Tất nhiên, khi nhập cuộc trận đầu càng quyết liệt, cổ động càng cuồng nhiệt, từng tràng pháo tay nổ ra không ngớt. Tiếng còi vừa chấm dứt trận đấu, các vị lãnh đạo xã, huyện và khán giả tràn vào sân, người bắt tay, người vỗ vai, và một số đông đến gần để nhìn cho rõ. Nhiều người nhìn tôi chăm chú như thể theo dõi một hiện tượng lạ thường. Ban quản trị và các nhà mạnh thường quân mời chúng tôi vào quán nước, các em nhỏ vẫn theo tôi không rời một bước, các mạnh thường quân, các vị lãnh đạo chính quyền, bày tỏ lòng ưu ái mời tôi hút thuốc cán. Vào thời điểm đó, thuốc lá đầu lọc là món hàng xa xỉ, người hút mang dáng dấp tư sản, là bửu bối trong giao dịch: “Samit xích lại gần; ba số năm (555) vừa nằm vừa ký…”
Kể từ đây, tôi mang thêm tên mới đối với bà con ngoại đạo Công giáo, “ông cha đá banh”, thực tế hơn với bà con Khơme, “thằng Run” (Gôn).
3. PHẤN KHỞI
Tôi bắt đầu trở nên thân quen với mọi người. Mỗi trận đầu trên sân nhà hay sân khách là mỗi lần quen biết thêm. Trong 10 năm đầu sau Giải phóng, được đánh giá là thời kỳ vàng son của phong trào thể dục, thể thao trên cả nước. Từ thành thị đến vùng nông thôn sâu, đều có từ một đến hai đội bóng đá, bóng chuyền và giao lưu hàng tuần vào Chúa nhật. Do tình hình thực tế địa phương, tôi phải trình lên Đức Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, qua ý kiến cha sở Anre Hớn và các anh em linh mục phụ tá đồng thuận tôi tham gia mục vụ xã hội. Các cha sẽ thay thế tôi cử hành thánh lễ chiều Chúa nhật cho giáo dân. Một lần viếng thăm mục vụ họ đạo Mặc Bắc, lần đầu ĐGM Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, thấy tôi mặc đồ đá banh, ngài niềm nở gọi tôi, “ông cha cầu thủ” và ân cần hỏi thăm tôi, hôm nay đá ở đâu. Cử chỉ ưu ái ấy, như làn gió Thần linh thổi trong tôi, bỗng nhiên tôi cảm nhận Chúa sai tôi đi. Tuy nhiên trong kinh nghiệm mục vụ, tôi biết hỏi ai? Vì chính tôi đã phải ngỡ ngàng và phân vân trước khi chọn lựa. chưa hề nghe anh em linh mục nào đi trước tôi trong lĩnh vực này và có lẽ nó chỉ đồng nghĩa với “xướng ca vô loài”. Tâm nguyện của tôi, quyết tâm dấn thân từ cánh cửa mở này, có thể là cánh én trong muôn vàn cánh én dệt nên mùa xuân của đất trời. Từ ngày tôi có mặt trên sân cỏ, số lượng khán giả ngày càng tăng, thành phần cổ động viên nữ thường hiếm hoi với các phong trào TDTT, chưa kể vận động viên. Nhưng nay, hiện tượng đáng ngạc nhiên, các thành viên nữ lại chiếm đa phần, kể cả các bà trung niên và đứng tuổi. Chỉ có thể lý giải, vì lần đầu tiên họ chứng kiến một chuyện lạ đời, chưa hề thấy ông cha đá banh. Nhiều anh em linh mục còn diễn giải sâu hơn, tếu hơn: “họ đi xem đùi ông đó.” Tình tiết li kỳ là chuyện nhỏ, nhưng hàm ý một quan niệm đã ăn sâu trong tiềm thức người giáo dân, ông cha phải “kín đáo”. Tôi nhớ thời Tiểu chủng viện, có cha già C. ngài bị lòa cả hai mắt, một hôm tôi dắt ngài lên nhà nguyện viếng Chúa, khi về phòng, ngài rờ cánh tay tôi, ngài trách “sao con ăn mặc hở hang vậy?”.
Ngoài ra có một số cổ động viên quá khích bảo vệ “cha mình”. Cầu thủ đối phương chơi xấu, hoặc va chạm thủ môn, tức khắc bị điểm mặt, khi tan trận có thể bị đón đường. Dưới trời mưa, sân bãi lầy lội, bà con vẫn đứng nép dưới cầu môn theo dõi và có thể chạy ra sân, lấy khăn lau mặt cho thủ môn. Tuy nhiên, có nhiều bà lão đi xem một vài trận, thấy cảnh giành giật, tranh cướp bóng quyết liệt, vừa chạy vừa thở dốc, thở dài, mồ hôi ướt đẫm; vừa đi vừa bình luận: “tội nghiệp, cha út không mua được trái banh chơi một mình sao, để phải giành với tụi nó, mấy chục đứa một trái banh”. Giáo dân đã nhận ra con đường nhập thế giữa lòng xã hội, dễ dàng chấp nhận hướng đi của Giáo hội. Đem đạo vào đời, mỗi người tự đến với tôi như một người bạn, không phân biệt lương, giáo, cách mạng, cán bộ, nhân dân, linh mục, sư sãi… Mỗi lần đá trên sân Lương Hòa, gần chùa Khơmer trong đồng bào dân tộc, nhiều cô gái dân tộc đã lột cam, quýt mời tôi ăn ngay lúc banh đang xuống gần cầu môn và sau khi tan trận đấu đã tận tình mời tôi ở lại chơi, ngày hôm sau về, tôi phải khó khăn lựa lời từ chối. Một bạn cầu thủ có đạo bỏ Phục sinh lâu năm, tôi hỏi lý do, anh trả lời sợ ông Cố. Tôi bắt bí lại, bây giờ còn sợ? Hết đường binh, anh thú nhận xin tôi giúp trở lại. Tôi đã giúp anh xưng tội trong bụi cây gần sân banh. Trên sân bóng, không còn hố cách biệt, chúng tôi là đồng đội. Cách mạng, không loại trừ tôn giáo, Tôn giáo không mặc cảm cách mạng. Tôi còn là bạn đồng đội với một nhà sư trên sân bóng chuyền, thi đấu nhiều trận giao hữu trong sân chùa Khơmer, phục vụ những ngày lễ hội, tết cổ truyền của người dân tộc. Đến bây giờ nhiều bạn đã là những vị lãnh đạo cấp cao trong chính quyền tỉnh, huyện xã. Chúng tôi vẫn ôn lại những kỷ niệm xưa, hồn nhiên, vô tư, một thời trên sân cỏ. Không ngờ chúng tôi lại gặp nhau trên cương vị một đại biểu dân cử HĐND tỉnh, huyện và nhiều hội nghị khác. (Còn nữa)
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (08/06/2012)
Nguồn gốc và ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê su (05/06/2012)
Theo gương Đức Mẹ đến với tha nhân (31/05/2012)
Đức Maria – Mẹ đầy ơn phúc (28/05/2012)
Công cuộc Phúc âm hóa mới (21/05/2012)
Ứng xử của Hồ Chí Minh với vấn đề tôn giáo (16/05/2012)
Chuyện thờ ơ (08/05/2012)
NGUỒN GỐC THÁNG DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ (08/05/2012)
CÔNG ĐỒNG VATICAN II: NỬA THẾ KỶ NHÌN LẠI (17/04/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log