1- Cuộc cách mạng trong giáo hội Công giáo
Thật ít ai nghĩ rằng Đức Gioan XXIII được bầu lên ngày 28-10-1958, một cụ già đã 77 tuổi lại có thể làm nên một mùa xuân cho giáo hội. Có thể nói, chính tương quan của giáo hội và thế giới lúc đó đã tạo ra bầu khí ngột ngạt hối thúc vị Giáo hoàng già nua phải làm một cái gì đó như Ngài nói: “ít nhất phải mở toang cánh cửa ra để thoáng khí hơn”.
Thật vậy, cho đến những năm nửa đầu thế ký XX, giáo hội Công giáo vẫn còn ứng xử với thế giới và cả trong nội bộ của mình theo tài phán của “ Nước Toà thánh”. Uy quyền của Giáo hoàng với định tín “ bất khả ngộ” nên mọi chỉ dẫn của Giáo hoàng đều trở thành chuẩn mực của đức tin. Giáo hội không chỉ lên án chủ nghĩa phát xít mà cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản. Mọi tư tưởng học thuyết có tinh thần tự do, khác với giáo huấn truyền thống của giáo hội đều bị kết án nặng nề. Các nước cộng hoà ra đời sau cuộc cách mạng tư sản Âu- Mỹ không được Toà thánh thừa nhận. Phong trào có tính dân tộc ái quốc như L’ action Francaise với tờ báo cùng tên đã bị cấm. Tháng 3-1927, Toà Xá giải tuyên bố, linh mục nào đọc báo L’ action Francaise bị rút quyền giải tội, chủng sinh bị thải hồi còn giáo dân thì mắc tội công khai. Các hội đoàn như Mission de Paris do Hồng y Suhard lập năm 1941 với phong trào linh mục thợ ( Pretres ouvriers) bị cấm hoạt động. Ba vị Bề trên dòng Đa minh và 4 nhà thần học nổi tiếng Chenu, Congar Feret Boiselot ủng hộ phong trào trên bị kỷ luật nặng nề. Còn các tác phẩm của nhà khoa học gia và triết gia nổi tiếng là Teilhard de Chardin của dòng Tên đã không được phép xuất bản. Một giám mục ở Việt Nam đã nhận xét về giáo huấn của giáo hội Công giáo lúc đó: “ nặng về mặt tiêu cực, dạy điều cấm hơn điều phải làm, dạy tránh tội hơn là điều tiến đức, sợ phạm tội do hình phạt hơn là mất ơn nghĩa với Chúa…Đạo Chúa như là con đường băng qua bãi mìn hơn là con đường thoải mái đưa đến hạnh phúc thật” (1).
Đấy là chưa nói đến do sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà cung cách quản trị cũng như truyền giáo của giáo hội hiện đã không còn phù hợp. Rồi sự chia rẽ trong nội bộ Ki tô giáo ngày càng sâu sắc. Sự xuất hiện của nhiều tôn giáo mới lôi kéo các tín hữu của Công giáo cũng là thách đố đòi hỏi phải mở Công đồng. Trong lịch sử, thông thường việc mở Công đồng là do phải phán xét một giáo phái, một lạc thuyết đe doạ sự hiệp nhất của giáo hội. Công đồng Vatican 2 mở ra không phải do sự xuất hiện của giáo phái, lạc thuyết nào mà là sự cần thiết phải đổi mới của chính giáo hội và tương quan của giáo hội với thế giới.
Trong 21 Công đồng đã diễn ra trong lịch sử của giáo hội Công giáo thì Công đồng Vatican 2 được đánh giá là đồ sộ nhất cả về quy mô, thời gian, số nghị phụ tham dự và nội dung làm việc. 16 văn kiện đã được thông qua gồm 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn. Ban tổ chức đã phải in tới 46 triệu trang tài liệu (150 tấn giấy in) cho các đại biểu. Các buổi họp của Công đồng được ghi lại trong 712 cuốn băng dài tới 724.000m.
Sự đổi mới đầu tiên của Công đồng phải kể tới là tính toàn cầu. Đã có 3058 nghị phụ trên toàn thế giới được triệu tập trong đó có 129 Bề trên Tổng quyền các dòng tu. Số nghị phụ đông nhất là châu Âu với 1060 vị, 408 vị ở châu Á, 351 vị ở châu Phi, 74 vị ở châu Đại Dương, Bắc Mỹ có 416 vị, Trung Mỹ có 89 vị và Nam Mỹ 531 vị. Trong thời gian họp Công đồng đã có 253 vị qua đời và 296 vị được tấn phong giám mục. Số người tham dự cũng là một sự đổi mới vì ngoài các nghị phụ còn có tới 460 chuyên gia là các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Lần đầu tiên đã có 13 giáo dân được mời là dự thính viên của Công đồng trong đó có triết gia nổi tiếng người Pháp Jean Guitton và trong phiên họp cuối con số này tăng lên thành 42 vị. Đại diện các tôn giáo bạn cũng có mặt từ 46 vị kỳ họp đầu tăng lên thành 90 vị ở phiên họp cuối.
Tính dân chủ được thể hiện ngay trong phiên họp đàu tiên. Các nghị phụ đã phá bỏ thông lệ bỏ phiếu thông qua ngay danh sách các Uỷ ban và nội dung các kỳ họp do Ban tổ chức đưa ra đến nỗi nhà báo Andre Vimeux đã đặt tít cho bài tường thuật phiên họp toàn thể của Công đồng ngày 13-10-1962 rằng:” Các Giám mục chống lại giáo triều”. Quả phản pháo đầu tiên do Hồng y A. Lienart- TGM giáo phận Lille ( Pháp) nêu ra : Khoan hãy biểu quyết, cần có thời gian để chúng tôi xem họ là ai! Vì vậy, ba ngày sau bỏ phiếu các thành viên của 10 uỷ ban, số người quốc tịch Ý chỉ còn có 19 chứ không phải 42 như đề cử của ban tổ chức. Các thành viên còn lại trong tổng số 160 vị được chia cho 42 quốc gia. Số lược đồ cũng bị rút từ 59 xuống 17 và chốt ở con số 13.
Các nghị phụ đã vượt qua e dè, sợ hãi mà tranh luận thẳng thắn bất kể tác giả bản dự thảo là ai. Ví dụ Hiến chế về Phụng vụ do hai Hồng y kỳ cựu là Gaetano Cicognani và Arcadio Larraona soạn thảo. Những tưởng các nghi lễ truyền thống như dâng lễ quay lên, dùng ngôn ngữ Latinh, rước lễ …đã quá quen thuộc, có gì mà phải thay đổi. Thậm chí Hồng y Otttaviani - Bộ trưởng Thánh vụ Toà thánh còn khẳng định rằng: Phụng vụ giáo hội Latinh hiện nay có tính thánh thiêng, ai động tới là phạm thánh, cho nên chăng cần phải cải tiến, đổi mới gì về Phụng vụ cả. Thế mà tranh luận nổ ra kéo dài cả tháng trời với 329 nghị phụ đăng đàn và ngày bỏ phiếu 14-11-1962 có 2162 phiếu “placet” (thuận) và 46 phiếu “ non placet” (chống). Vậy là phải thay đổi Phụng vụ. Và bây giờ mới có thánh lễ bằng các ngôn ngữ địa phương, rước lễ hai hình, làm lễ quay xuống… Có những vấn đề mà bên ủng hộ và phản đối ngang ngửa nhau như vấn đề Đức Maria với 1114 phiếu thuận và 1074 phiếu chống nên phải trình lên Giáo hoàng để soạn lại.
Người ta nói không sai rằng Công đồng Vatican 2 là cuộc cách mạng đối với giáo hội. Giáo hội trước đó luôn được coi là “ tinh tuyền, thánh thiện” và “ ngoài giáo hội Công giáo không có ơn cứu rỗi”. Một giáo hội đã được an bài trong một trật tự có sẵn dù có vẻ “bất bình đẳng”như lời Đức Gregoa XVI (1831-1848) nói: “ Ai cũng phải biết rằng giáo hội là một tổ chức bất bình đẳng trong đó Thiên chúa đã ấn định những người này ở vai trò lãnh đạo, những người khác ở vào thế vâng phục. Những người này làm giáo dân, những người kia làm giáo sĩ”. Trong cái mô hình hình kim tự tháp, giáo dân là tầng lớp đông đảo nhất nhưng chưa bao giờ được có một vị trí xứng đáng trong tương quan giữa giáo dân và giáo sĩ… Nhưng tất cả đã thay đổi khi đến Vatican 2.
Công đồng Vatican 2 đưa ra khái niệm mới “ Dân Thiên chúa”. Không chỉ có dân chọn Ixrael mà tất cả cư dân trên thế giới đã nhận phép Rửa đều là dân Thiên chúa và đặc biệt là giáo hội không loại bỏ thế gian, chống đối thế gian mà là tinh lọc nó: “ Giáo hội tức dân Thiên chúa , hợp thành nước ấy, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào; trái lại, giáo hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong hoá của các dân tộc, và khi thu dụng, giáo hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hoa chúng”( GH, 13).
Cũng lần đầu tiên khái niệm “ Tông đồ giáo dân” ra đời để khẳng định vai trò của người giáo dân. Người giáo dân trước kia chỉ có vai trò “quỳ trên ghế nhà thờ nghe giáo huấn của các chủ chiên và mở ví góp tiền công đức” thì nay đã có đủ nhiệm vụ là tư tế, tiên tri và vương giả như mọi thành phần khác trong giáo hội được “ bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu” ( GH, 32).Vai trò của giáo dân được đề cao tới mức có người đã coi “đây là thời đại của giáo dân”.
Công đồng Vatican 2 cũng mở ra đường hướng cải tổ giáo triều Vatican vốn được thiết kế theo mô hình phong kiến trung cổ. Giáo hoàng Paul VI khi đăng quang ngày 21-6-1963 đã từ chối đội chiếc mũ ba tầng vốn được coi là vua của giáo hội, vua của thế gian và vua của các vua, sau đó đã cho bán chiếc mũ ba tầng để tặng cho người nghèo. Giáo hoàng bâĩ bỏ quân đội của giáo triều chỉ giữ lại một ít vệ binh Thuỵ Sĩ làm trật tự. Giáo hoàng cũng giải tán giáo triều ( cour pontificale) để trực tiếp làm việc với các Hội đồng giám mục các quốc gia, khôi phục lại vị trí của Thượng Hội đồng giám mục thế giới. Vatican đã tìm cách xoá bỏ tình trạng phân biệt giữa các màu da trong giám mục đoàn, hồng y đoàn. Ngay tại Phi châu lúc đó trong số 349 giám mục chỉ có 77 vị gốc Phi còn ở châu Á cũng chỉ có 88 vị sinh trưởng ở đây trên tổng số 434 vị giám mục của châu lục này. Vì vậy, ngày 13-4-1969, Đức Paul VI đã tấn phong 33 tân hồng y mà nhiều vị là tiên khởi của các nước Hàn Quốc, Tân Tây Lan, Guatemala, Congo, Malagassy…Rất nhiều giám mục được tấn phong ở những nước mới giành được độc lập thuộc xứ truyền giáo trong đó có Việt Nam.
2- Mở cửa ra với thế giới bên ngoài.
Trước Vatican 2, giáo hội Công giáo tự mình đóng cửa với thế giới xung quanh. Giáo hội độc quyền phán xét thế giới theo quan điểm thần học của mình. Nhưng điều đó không làm giáo hội mạnh lên mà ngược lại là sự chia rẽ, chống đối và bị cô lập nhiều hơn. Công đồng Vatican 2 là Công đồng đầu tiên trong lịch sử giáo hội không đưa ra bất cứ một sự kết án, ra vạ tuyệt thông nào mà người đứng đầu giáo hội- Đức Paul VI, còn công khai xin lỗi sau ba ngày đăng quang tại đền thờ Thánh Phê rô :“Nếu từ nguồn gốc một vài sai lỗi nào đó của sự phân cách được quy cho chúng tôi, chúng tôi sẽ khiêm tốn xin lỗi Thiên chúa và những người anh em đã nghĩ rằng chúng tôi là người xúc phạm. Điều gì liên quan đến chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng tha thứ…”. Hồng y Beran đã lên tiếng ngay tại Công đồng rằng: “ Tại nước tôi, xứ Bohemia, giáo hội ngày nay coi như phải đền những tội lỗi, mà xưa kia người ta đã nhân danh giáo hội chống lại tự do, chẳng hạn thiêu sống linh mục Jean Huss thế kỷ XV và cưỡng bức phần lớn dân Bohemia vào Công giáo thế kỷ XVII” (3).
Một quan niệm truyền thống trong giáo hội là kết án những người Do Thái đã gây ra cái chết của Đức Jesus nên ngay trong kinh cầu nguyện cho người Do Thái cũng là lời kết tội: “Chúng ta hãy cầu cho những người Do Thái bất tín để Chúa chúng ta cất đi tấm vải che phủ lòng họ…xin đừng xua đuổi những người Do Thái bất tín, xin nhậm lời kinh mà chúng con dâng lên Ngài vì sự mù quáng của dân tộc này, để sau cùng khi nhận biết ánh sáng của chân lý Ngài là Đức Ki tô, họ sẽ được cất đi những bóng tối tăm của họ…”. Giáo hoàng Paul VI đã phải sửa lại thành: “ Ta hãy cầu cho người Do Thái, Thiên chúa đã nói với họ đầu tiên. Ước gì họ được tiến triển trong tình yêu của danh Ngài và trung thành với giao ước của Ngài” (4).
Do những bất đồng về quan điểm thần học và giáo lý mà đầu thế kỷ XI Chính thống giáo đã hình thành, rồi thế kỷ XVI Tin lành lại ra đời từ các linh mục của Công giáo ly khai. Tiếp đó, vua Henry VIII của nước Anh vừa được Đức Leo X tặng danh hiệu “ Người bảo vệ đức tin” cũng tự xưng là thủ lĩnh tối cao của giáo hội Anh giáo vào năm 1531. Vậy là lại thêm một tôn giáo phân ly nữa. Cả Công giáo và các tôn giáo phân ly đều buộc tội, ra vạ tuyệt thông lẫn nhau. Hố ngăn cách giữa Công giáo và các tôn giáo cùng thờ Chúa Ki tô ngày càng sâu hơn, rộng hơn. Công đồng Vatican 2 muốn lấp hố ngăn cách đó với cách nhìn nhận ôn hoà hơn: “ Nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều cộng đoàn đáng kể đã hoàn toàn ly khai khỏi sự hiệp thông với giáo hội Công giáo, mà đôi khi cũng tại lỗi những người ở cả hai bên. Vậy ngày nay, những người sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy và thấm nhuần đức tin nơi Chúa Ki tô không thể bị kết tội chia rẽ và giáo hội Công giáo kính trọng, yêu thương họ như anh em” (HN,3).
Với các tôn giáo ngoài Ki tô giáo trước đây thường bị giáo hội Công giáo coi là “đạo rối”, “đạo lạc” vì chỉ có đạo Công giáo mới là “đường và sự thật đưa tới chân lý”. Quan niệm này đã bị các tôn giáo khác chỉ trích, phê phán. Để có thể đối thoại được với các tôn giáo, Công đồng Vatican 2 đã nhìn nhận những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo khác: “ Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, giáo hội xét thấy phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà giáo hội duy trì, nhưng cũng thường dem lại ánh sáng của chân lý. Chân lý chiếu soi cho hết thảy mọi người” (NK, 2).
Một sự thay đổi của giáo hội Công giáo đó là thái độ đối với khoa học. Thời Trung cổ, những “Toà án dị giáo” được giáo hội thành lập để xét xử những nhà khoa học, các nhà tư tưởng có quan điểm trái với Kinh thánh. Nhà bác học Galilei ( 1564-1642) khi nói về sự chuyển động của trái đất, triết gia R. Descartes (1596-1650) đề cao giá trị của duy lý đều bị giáo hội lên án nặng nề. Đặc biệt, có những nhà khoa học bị kết án đưa lên giàn hỏa thiêu như Jordano Bruno, Jean Hus…Đến Công đồng Vatican 2, thái độ của giáo hội đã thay đổi hẳn: “Có hai lĩnh vực tri thức khác nhau: lĩnh vực đức tin và lĩnh vực lý trí. Giáo hội không cấm các kỹ thuật và các bộ môn văn hóa nhân loại dùng những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình; do đó, giáo hội nhìn nhận sự tự do chính đáng này và xác nhận sự tự trị hợp pháp của văn hóa, nhất là khoa học” (MV, 59). Trong sứ điệp gửi giới trí thức do hồng y P. Leger đọc hôm bế mạc Công đồng Vatican 2 (8-12-1965) còn khẳng định rõ ràng hơn, giáo hội không chống đối, không loại trừ mà còn hợp tác: “ Con đường quý vị cũng là con đường của chúng tôi. Đường lối của quý vị không bao giờ xa lạ với đường lối của chúng tôi. Chúng tôi là những người bạn đồng hành cùng được kêu gọi để tìm kiếm như quý vị, cùng chia sẻ mệt nhọc với quý vị, cùng chung tiếng thán phục những thành quả của quý vị và nếu cần, có thể khích lệ khi quý vị nản chí và thất bại” (5).
Ngay với những quan điểm vô thần luôn đối lập với giáo hội như nước với lửa, giờ đây với Vatican 2 cũng được xem xét thận trọng hơn trên tinh thần đối thoại hơn là loại trừ: “ Giáo hội vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân chối bỏ Thiên chúa tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần và ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên giáo hội thấy cần phải cứu xét những nguyên nhân ấy kỹ lưỡng và sâu xa hơn” (MV, 21).
Theo quan niệm thần học Công giáo cổ điển thì chỉ có nước Trời và linh hồn con người là thánh thiêng, cao quý còn thế gian và xác thịt con người thì đồng nghĩa với tội ma quỷ. Giáo hội phong thánh cho các vị ẩn tu và khuyến khích tín hữu sống khổ tu, ép xác. Nhưng Công đồng Vatican đã đưa ra một quan niệm mới hoàn toàn so với trước đó, người tín hữu không trốn đời, xa lánh con người mà trái lại: “ Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người ngèo và những ai đau khỏ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki tô và không có gì là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV,1).
Xưa nay mối quan hệ giữa thần quyền và thế quyền tức giữa đạo và đời bao giờ cũng phức tạp. Có lúc thần quyền chi phối thế quyền như thời Trung cổ. Nhưng cũng có lúc thế quyền áp đặt thần quyền như dưới triều đại của Theophylac (896-965). Trong vòng 70 năm, triều đại này đã thao túng tới 20 người để đặt lên ngôi Giáo hoàng. Sự tranh giành này đã nổ ra nhiều cuộc chiến ở nhiều nơi và người ta đã tìm ra giải pháp ứng xử là tách bạch đạo- đời qua “luật Phân ly” (1905). Bây giờ đạo là đạo, đời là đời, không bên nào can thiệp vào bên nào. Nhưng khốn nỗi, người tín đồ lại cũng là công dân. Mà nghĩa vụ công dân và bổn phận người Ki tô hữu không phải bao giờ cũng đồng thuận đã đẩy người Công giáo vào những tình huống chọn lựa khó khăn: đạo hay đời? Trong khi cả nhà nước và giáo hội đều muốn lôi kéo, chinh phục thần dân không chỉ “phần xác” mà cả “ phần hồn” nữa. Vậy là phải có cách xử lý khác trong quan hệ đạo-đời. Công đồng Vatican 2 đã đưa ra một phương án: “Vì căn cứ vào vai trò và thẩm quyền của mình, giáo hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị và cũng không bị cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào… Cộng đoàn chính trị và giáo hội, mỗi bên một lĩnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh nghĩa khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn” (MV, 76). Trong sứ điệp gửi các nhà cầm quyền do hồng y A. Lienart đọc còn có đoạn: “ Chúng tôi lớn tiếng tuyên bố: chúng tôi kính trọng quyền hành của quý vị, chúng tôi tôn trọng chức vụ của quý vị. Chúng tôi nhìn nhận những pháp luật chính đáng của quý vị, chúng tôi quý chuộng người làm ra cũng như người áp dụng những luật ấy” (6). Như vậy, đạo – đời tách bạch nhưng không tách rời mà cộng tác lành mạnh với nhau để phục vụ con người và cũng chính là tháo gỡ cho người tín hữu làm tròn bổn phận công dân của cả hai vương quốc nước Trời và trần thế như tinh thần của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes ( Vui mừng và hy vọng) nổi tiếng mà Công đồng Vatican 2 đã thông qua.
Mặc dù Công đồng Vatican 2 chưa giải quyết hết mọi thách đố của giáo hội Công giáo nhưng nó đã mở ra một thời kỳ mới cho giáo hội. Đúng như nhà báo Georgé Montaron – Giám đốc tờ Temoignage Chretien ( Chứng từ Ki tô giáo) đã viết:” Một Công đồng có tính tiến công, nhưng không có tinh thần thánh chiến, có tính xây dựng mạnh mẽ và tính mục vụ sâu sắc…Giáo hội đang tỏ ra cho mọi người mùa xuân bất tận của mình” (TC. Ngày 19-10-1962).
Chú thích:
1- Nguyễn Bình Tĩnh: Biết yêu và sống Lời Chúa, Nxb Thuận Hóa 1993, tr.8
2, 4-Theo Lui Accattoli: Quand le Pape demande pardon, Albin Michel 1998, p.50; p.44
2- Theo Nguyễn Thế Thoại: Giáo hội đi trong nhân loại, Lưu hành nội bộ 1994, tr.514
5,6- Thánh Công đồng Vatican 2, Giáo hoàng học viện Đà Lạt 1972, tr.892 và 880.
TS. Phạm Huy Thông