Văn hóa nghệ thuật

Công cuộc Phúc âm hóa mới

Cập nhật lúc 14:34 21/05/2012

 

Cả hai diễn ngữ này đều có âm hưởng rất “Tây”, với cái đuôi “hoá” ở cuối, một đặc trưng của ngôn ngữ gốc La tinh, với cái tận –ation ở cuối từ mà người ta muốn nói là muốn biến thành cái gì đó, thì dụ normalisation : bình thường hóa. Hay chẳng hạn như ta nói chuyện Việt Nam hóa ai hay cái gì đó : Viêtnamisation de quelqu’un ou de quelque chose.Trong từ vựng Công giáo còn một từ khá quen thuộc, đó là từ justification, mà chúng ta dịch rất “Tây” là “công chính hóa”, còn linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là “giải án tuyên công”, Chúa tha tội tha vạ cho chúng ta, và kể chúng ta vào hàng người công chính. Nhưng “công chi1nhhoa1” hay “Tân Phúc Âm hóa”, đều không phải là cách nói của người Việt nam chúng ta. Phải chăng vì thế mà ngày xưa người ta không nói về người Việt nào đó đổi quốc tịch để trở thành người Pháp, là “Pha lang sa hóa”, hay “Tây hóa”, “Tây hòa” (naturalisé francais), mà sử dụng một diễn ngữ, đúng hơn là một thuật ngữ rất độc đáo, mà chỉ người Việt mới sáng chế ra được, đó là “vào làng Tây” !
Trở về với diễn ngữ “Tái Phúc Âm hóa” với “Tân Phúc Âm hóa”, không những nghe không thuận tai người Việt Nam, mà, riêng diễn ngữ “Tân Phúc Âm Hóa” còn dị nghĩa. Thật vậy, nếu diễn ngữ “Tái Phúc Âm hóa” có nghĩa là loan báo lại Tin Mừng cho những người đã bỏ quên, đã đánh mất Tin Mừng. Trong khi đó, “Tân Phúc Âm hóa” lại dị nghĩa, bởi vì ở đây nói tới “Tân Phúc Âm”, chẳng lẽ muốn nói đến một “Phúc Âm mới” nào đó?
Nhưng Nouvelle évangélisation, không phải là Tân Phúc Âm hóa.Nouvelle ờ đây gắn liền với Évangélisation, cuộc rao giảng, hay việc loan báo Tin Mừng, chứ không gắn liền với Tin Mừng, Évangile.
Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta thường sử dụng những kiểu nói dị nghĩa, nhưng rất phổ biến, chẳng hạn trên đài truyền hình, tôi nghe các xướng ngôn viên thường nói đến nào là “Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương”, hay còn tệ hơn : “Kịch liệt lên án việc chiếm đóng Hoàng Sa của Trung Quốc”! Chẳng lẽ có những cơn bão được gọi tên là “bão trung ướng” hay sao? Còn nếu Hoàng sa là “của Trung Quốc” thì sao còn phản đối họ chiếm đóng ? Bổ túc từ thì phải đi đôi với từ mà nó bổ túc cho.
Dưới chế độ cũ, linh mục Bửu Dưỡng kể lại chuyện một hôm đi thăm một trại chăn nuôi, thấy ở cổng vào có trẻo tấm bẳng to tướng với hàng chữ: “Trại chăn nuôi quốc gia”, linh mục bèn hỏi người hướng dẫn: -Vậy thì cái chuồng nuôi tổng thống ở đâu ?”Linh mục có ý phê bình cách đặt tên cho Trại là “Trại chăn nuôi quốc gia”. Đã “chăn nuôi quốc gia” thì phải có chỗ nuôi tổng thống là lẽ đương nhiên.
Nhiều người có thể phản đối lối phê bình quá khắt khe đó, vì trong tiếng Việt thiếu gì kiểu nói mâu thuẫn, dị nghĩa đó, chẳng hạn khi ta nói “đi khám bác sĩ”, đâu có nghĩa là khám bệnh cho bác sĩ, mà ngược lại, để bác sĩ khám bệnh cho mình. Tuy nhiên, dù sao cũng không thể biện minh cho những kiểu nói dị nghĩa hoàn toàn như “Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương”, hay “Tân Phúc Âm hóa”.
Vậy Nouvelle évangélisation, hiểu nôm na là làm cho ai đó, cho dân tộc nào đò thấm nhiễm Tin Mừng, hay như ta vẫn thường nói, là đón nhận Tin Mừng. Như trên đã nói, trong tiếng Pháp, tiếng Anh, những từ có đuôi “-ation”đều có nghĩa lả “làm cho trở thành cái gì khác” Vậy évangélisation là làm cho người nào đó biết và đón nhận Tin Mừng để trở thành môn đệ Chúa Kitô, như Người đã truyền dạy các môn đệ trước lúc thăng thiên : "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,119-20).
Như đã nói, “Tân Phúc Âm hóa”không thể hiểu là rao giảng một “Phúc Âm mới”, thay thế cho Phúc âm mà chúng ta đả rao giảng từ trước đển nay. Nếu vậy thì Phúc âm mới này là của ai, do ai biên soạn, và tìm được ở đâu ra?
Nhưng sự thật không phải thế. Cái gì “mới” ở đây không phải là Tin Mừng, bởi vì chỉ có một Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng và truyền cho chúng ta nối tiếp sứ vụ rao giảng ấy, để cho nhân loại ở mọi thời, mọi nơi nghe biết và tin vào Tin Mừng ấy, như Đức Giêsu đã nói nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1,14). Tin Mừng ấy không ai thay đổi được, dù chỉ một từ, hay một dấu chấm, dấu phết (x.Mt 5,18).
          Vậy chỉ còn cách hiểu lả phải đổi mới cách hiểu, cách diễn tả, cách rao giảng hay loan báo Tin Mừng. Thật vậy, trước khi diễn ra Mật nghị hồng y ngày 18 tháng 2 -2012 vừa rồi, trong cuộc gặp gỡ và cầu nguyện chung với các hồng y, Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI có nói với các ngài rằng :“Cần phải thực sự đổi mới việc dạy giáo lý để nhấn mạnh chân lý quý giá của giáo lý đó, và xóa “mù giáo lý”. Ngài mạnh mẽ tái khẳng định sự cần thiết của niềm tin sâu sắc vào chân lý của Thiên Chúa được mặc khải nơi Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, bởi vì “nếu không có chân lý ấy, sẽ không có la bàn, và chúng ta chẳng biết đi đâu”, và “chỉ khi có chân lý, cuộc sống mới trở nên phong phú và xinh đẹp.”
Ngoài ra, nhân kỷ niệm 50 Công đồng Vaticanô II, đặc biệt là 50 Sắc lệnh Ad Gentes,Thượng Hội đồng giám mục thế giới sẽ nhóm họp để bàn về đề tài “Tân Phúc Âm hóa”, được hiểu như là “tìm ra những phương thức mới để truiyền đạt hiệu quả Lời Thiên Chúa”
Điều này trước hết đòi hỏi phảigắn bó với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô bằng đức Tin được canh tân nơi mỗi cá nhân cũng như các cộng đoàn “lúc nhân loại đang sống giữa những thay đổi sâu xa như hiện nay”.
Tóm lại “Tân Phúc Âm hóa”, nếu hiểu đúng ý nghĩa của cụm từ này, thì nên thay thế bằng cụm từ:
“Cuộc loan báo mới Tin Mừng”
Cái “mới” ở đây đi với việc loan báo, chứ không đi với Tin Mừng. Cái mới ở đây cũng có nghĩa là làm lại cái gì một lần nữa,, như chúng ta đã từng nghe được kiểu nói “tái Phúc Âm hóa”, như khi nói về tình trạng Âu châu, mà người ta nói là đã bị “déchristianisè”, tạm dịch là “bật rễ Kitô giáo”, nay cần phải được truyền giáo lại, được loan báo lại Tin Mừng. Tuy nhiên “Tân Phúc Âm hóa” không chỉ là “rao giảng lại” Tin Mừng một lần nữa, mà chủ yếu là “rao giảng một cách mới mẻ”, rao giảng bằng một cung cách mới”. Cái “mới” ở đây, như chúng ta đã nói, liên quan đến những phương thức mới, hay là những cách thức mới loan báo Tin Mừng, trong đó có việc dịch thuật Kinh Thánh, soạn thảo sách giáo lý, với ngôn ngữ sử dụng, cách diễn tả, cũng như cách giảng dạy vv. Nhưng trước hết là đổi mới chính người loan báo hay rao giảng Tin Mừng, bằng cách đổi mới tâm hồn, canh tân đức tin.
Đổi mới cung cách loan báo tin mừng
Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy, một ý tưởng hay, một đề tài hấp dẫn, nhưng người trình bày sử dụng những từ lỗi thời, không chính xác, hay trình bày một cách khô khan, vụng về, thì người nghe không những khó tiếp thu, mà còn khó chịu, buồn chán hay tức cười. Nhưng không phải vì thế mà ta nghĩ rằng cứ phải dùng những từ ngữ văn chương kiểu như “phun châu nhà ngọc”, khuơ tay, uốn éo, điệu nghệ, với những cử chỉ điệu bộ diễn viên sân khấu vv., là có thể thu hút được khán thính giả! Quả thật, tôi đã từng được chứng kiến những linh mục giảng giải điệu nghệ như thế, thậm chí còn xen cả tân cổ nhạc giao duyên vào bài giảng, khiến cả nhà thời nhiều phen phải rộ lên tiếng cười. Còn lợi ích thì được bao nhiêu? Có những người có tài hùng biện, văn hay chữ tốt, nhưng rốt cục bị chê là rỗng tuếch, chẳng có nội dung. Trái lại, có những người giảng dạy một cách đơn sơ giản dị, không dùng văn chương chữ nghĩa bay bườm, cũng chẳng hùng hồn mạnh mẽ, nhưng không hiểu sao lại thu hút được tâm hồn người nghe. Tôi nhó hai lần được nghe Sư huynh Roger Schutz. Tu viện trưởng tu viện Taizé bên Pháp nói chuyện với anh em tu viện L’Arbresle của chúng tôi: Sư huynh nói nhỏ nhẹ, đơn sơ, tự nhiên, không dùng những từ cao siêu, những thuật ngữ Kinh Thánh, Thần học hay tu đức, vậy mà các giáo sư của chúng tôi, chuyên môn về Kinh Thánh, Thần học, triết lư vv. đều ngồi chăm chú nghe, như bị thu hút bởi một sức mạnh huyền bí nào đó. Lúc ấy tôi sực nhớ tới phản ứng của dân chúng khi nghe Đức Giêsu giảng, theo như Mác cô kể lại :
“Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : "Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”! (Mc 1,27).
Theo tôi nghĩ, lời rao giảng Tin Mừng không giống với một bài thuyết trình về triết lý, hay thần học. Vì thế có những vị giáo sư rất nổi tiếng khi đứng trên bục giáo sư, nhưng lại không lôi cuốn được giáo dân trên bục giảng. Trái lại, có những vị giáo sư bị gán cho biệt hiệu là “người gây mê” trên bục giáo sự, nhưng lại là người rất hấp dẫn trên tòa giảng. Lý do có lẽ là vì để giảng dạy trên bục giáo sư, thì người ta phải biết trình bày một cách khoa học, lý luận chính xác, cộng thêm mọt chút hùng hồn. Cũng vậy, một bài thuyết trình tại hội nghị, đôi khi cũng cần “dánh bóng” cho văn hoa, hùng hồn, thậm chí cũng có thể thêm tí mắm muối cho đậm đà. Nhưng một bài chia sẻ Tin Mừng, thì lại cần cái gì khác, mà nghệ thuật văn chương hay hùng biện không giúp gì được. Cái gì khác đó, chính là ân sủng, là Thần Khí, mà chỉ cầu nguyện và suy tư chiêm niệm mới có thể đem lại cho người sứ gỉả Lời Chúa. Nói cách khác, một bài dạy học, hay một bài thuyết trình đòi hỏi trí óc, khả năng, trình độ và tài năng, đôi khi cũng cần một chút tâm tình. Nhưng một bài chia sẻ Lời Chúa, trước tiên cần nhất một tâm hồn biết “lắng nghe và suy đi nghĩ lại” Lời Chúa, như Đức Maria (Lc 2,19). Thế nên mới có chuyện nhà giảng thuyết của nhà thờ Đức Bà ở Paris, cha Lacordaire đến ngồi dưới chân tòa giảng xứ Ars, một giáo xứ nhà quê, để nghe cha Gioan Vianey giảng. Thế mà ai cũng biết, cha sở họ Ars khi còn ở đại chủng viện, đã xuýt bị loại vì điểm số kém trong học hành.
Nhân nói tới nhu cầu đổi mới giáo lý và cách dạy giáo lý, tưởng cũng nên một lần nửa phải than phiền về tình trạng sách giáo lý của chúng ta hiện nay ở Việt Nam, cũng như tình trạng ngôn ngữ được sử dụng trong phụng vụ và kinh đọc hằng ngày của chúng ta. Chuyện này đã được bàn cãi từ bao lâu rồi, hơn thế nữa, bản dịch Phụng vụ sử đi sửa lại bao phen, vậy mà vẫn chẳng thể nào được coi như hội nhập vào được nền văn hóa hay văn chương chữ nghĩa truyền thống dân tộc, như nhiều Thư chung từ 1980 nói đi nói lại. Đối với tôi, chỉ một câu kết của Kinh Tạ Ơn, mà các cụ chuyên gia (hay chuyên da?) Phụng vụ dịch là “Kinh nguyện Thánh Thể”! Than ôi, “Prex eucharistia”, đâu có phải là kinh đọc để cầu nguyện với Thánh Thể ? mà là Kinh Tạ Ơn. Eucharistia cũng là từ có trong công thức “Truyền phép”: “Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra …” , vậy sao không dịch luôn là “Người cầm lấy bánh, nguyện Thánh Thể, bẻ ra … ?.
Ngoài chuyện dịch sai, còn chuyện diễn tả không hợp với  văn chương chữ nghĩa hay văn phong Việt Nam, thí dụ như câu kết long trõng Kinh Tạ Ơn :“Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thanh Thần đeến muôn đời.”Trong văn chương Việt Nam chẳng ai nói cái kiểu “Tây” : “Trong sự” như thế. Cũng như trong Kinh Lạy Cha, tại sao vẫn cứ cố chấp duy trì một bản dịch vá víu, “tân cổ giao duyên” : “Danh Cha cả sáng”, “Nước Cha trị đến” đi đối với “Ý Cha thể hiện”…
Tôi nghe nhiều linh mục phê bình sách lễ dùng cho đám cưới mới được Ủy ban Phụng vụ ban hành, có quá nhiều những thiếu sót, vụng về, lủng củng, không đáng được gọi lả có giá trị “hội nhập văn hóa”, trong một nghi thức đáng lẽ ra phải đáp ứng được đòi hỏi chính đáng này.
Còn nói về các kinh đọc, than ôi, chúng ta đang ở thế kỷ nào rồi, mà vẫn còn sử dụng ngôn ngữ của Công đồng Đông Dương , với những từ như “sinh thì”, “xuống thai” và cả một từ phản nghĩa như “giời răn” áp dũng cho “điều răn”, hay “lệnh truyền” yêu thương ! Chẳng lẽ Chúa cấm chúng ta yêu thương nhau hay sao, mà gọi đó là “giời” răn, vì giới là cấm, cho nên nói tới “phá giới” là nói đến vi phạm điều cấm, chẳng hạn như Lỗ Trí Thâm ra khỏi chùa đi uống rượi, thì đó là “pha giới”, bởi vì trong Ngũ giới, năm điều cấm của Phật giáo, thì uống rượu là một giới. Chuyện này tôi đã nhiều lần nói tời, ở đây chỉ xin nhắc lại như thế đã đủ.
Trở về với việc canh tân, đổi mới chính bản thân người loan báo, hay rao giảng Tin Mừng, như Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI nói tới, và tiếp đến là đổi mới cung cách loan báo Tin Mừng và những phương tiện có thể dùng để hỗ trợ cho công cuộc rao giảng hay loan báo Tin Mừng.
 
Cần những sứ giả mới
Thời đại mới, cần những con người mới. Trên thế gian này, không co cái gì tồn tại lâu bền được. Cái gì cũng bị chi phối bởi luật tự nhiên. Phật giáo cho rằng con người bị đặt vào vòng sinh lão bệnh tử. Dù cho tài giỏi hay thánh thiện đến đâu, con người cũng phải già yếu và chết đi. Thánh vịnh 90 :
“kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.
          Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
          mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
          mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
          cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (90,9b-10).
 
Trước kia, trong các đan viện, người ta bầu viện phụ để phục vụ cộng đoàn đến hết đời. Nhiều bề trên các dòng tu khác cũng được bầu cho một nhệm kỳ lâu dài, như đối với Bề trên Cả dòng Đa Minh là 12 năm. Nay thì đã bị rút ngắn lại. Các viện phụ không còn kéo dài cả đời, và Bề trên Cả dòng Đa Minh cũng chỉ còn lại 7 năm. Giám mục ngày xưa cũng làm việc cho đền chết, nqy giới hạn tuổi về hưu là 75. Các linh mục, thì tuy không có giới hạn tuổi rõ rệt, nhưng nói chung, trên dưới 75 thì cũng về hưu. Sự hao mòn về sức lực, cũng như sự kém hăng say, nhạy bén, làm giảm bớt hiệu năng sinh hoạt của con người. Nhưng còn một yếu tố khác, đó là sự nhàm chán, khiến cả kẻ nói lẫn người nghe đều mất đi sự húng thú. Người noi khi nghe nói mãi giọng nói của mình, sẽ có cảm tưởng như mình chỉ là một cái máy phát âm, người nghe thì lại tưởng mình nghe lại một cái máy hát cũ, tiếng đã rè, nghe buồn ngủ, hay có khi gây bực bội.
Một linh mục dù giảng hay đến mấy đi nữa, nếu cứ đứng mãi trên một bục giảng mấy chục năm liền, thì thử hỏi còn có cái gì mới mẻ để mà nói. Ấy là chưa nói đến chuyện vị đó không chỉ giảng Lời Chúa, mà còn thường xuyên nói linh tinh, hết uảng cáo rao vặt chuyện này chuyện nọ, than phiền vì tiền dầu nến hao hụt, về vật giá leo thang, mà tiên thau lại mỗi ngày một sụt giảm. Lại còn chuyện phê bình, chửi bới la mắng con chiên…, khi nhiều khi ít, khi nào cũng có!
Người già cả thường quên trước quên sau, và trở nên lú lẫn, có khi lẩm cẩm, vì thế hay nói đi nói lại nhiều lần một điều quen thuộc. Truyền thuyết kể rằng thánh Gioan Tông đồ khi về già, cứ giảng đi giảng lại một điều : :Chúa dạy chúng ta thương yêu nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta !”. Các môn đệ của ngài nghe mãi đâm ra nhàm chán chẳng còn muốn nghe, bèn xin ngài nói đến những chuyện khác, nhưng ngài chẳng còn nhớ chuyện gì khác mà nói. Hồi còn học ở Paris, tôi cũng nghe nhiều người nói về cha Giản, ở giáo xứ Việt Nam ở Paris như vậy. Quán cơm của ngài thì người ta thích, nhưng bài giảng của ngài thì không, vì ngài chỉ nói đi nói lại một cậu: “Chúa thương anh chị em lắm mà. Vậy anh chị em hãy yêu thương nhau…”.
Có lúc tôi tự hỏi: nếu Chúa mà sống lâu trăm tuổi, thì liệu Người có trở nên thẩn thẩn như tánh Gioan hay không! Nhưng Chúa chỉ giảng dạy Tin Mừng chỉ được trên dưới ba năm thì đả bị giết, chưa kịp mừng kỷ niệm 5 năm “linh mục”! Chúa đâu có nghĩ phải giảng nhiều, giảng dài thì người ta mới thấm!
 
Ưu tiên cho việc rao giảng Tin mừng
Nhưng điều đáng nói hơn cả, đó là, nói chung, Giáo hội Việt nam chúng ta ít chú trọng đển việc rao giảng Lời Chúa. Thật vậy, Giào hội chúng ta là một giáo hội của Bí tích, của Phụng vụ. Hay nói đúng hơn, một Giáo hội của các “Phép”và “Nghi thức”, nghĩa là “làm các Phép” như kiểu phù phép. Hơn là cử hảnh Bí Tích theo đúng nghĩa. Thật vậy, có những linh mục già nua tuổi tác, đam ra lú lẫn, không còn biết mình làm gì, đến nội lúc “truyền phép” phải hỏi các cậu giúp lễ xem “truyền” cái gì : -“Mình hay Máu mày?” Hễ các cậu thưa :-“Mình”, thì cụ “truyền” Mình, -“Máu”, thì cụ “truyền” Máu. Có những vị chủ tế, kể các giám mục, khi về già trở nên bối rối, người thì sợ đọc sai một câu một chữ, người thì sợ sập bàn thờ. Thời xưa “truyền pháp” bằng tiếng La-tinh, có cha cứ “Hóc, hóc, hóc…” mãi mà chưa “truyền phép” Mình Thánh xong. (Hoc est Corpus meum : Này là Minh Ta ). Còn nghe nói Đức giám mục tiên hởi Việt Nam, Nguyễn Bá Tòng, về cuối đời, khi “truyền phép” cứ sợ sập bàn thờ, nên lấy hai tay ấn xuống rất mạnh nhiều lần…
Về Phụng vụ, nói thật ra trước kia chẳng ai nghe thấy từ này. Ở Trường Thử và Tiểu chủng viện ngày xưa, người ta chỉ nghe quan từ “Lễ nhạc”, tức là tập đi đứng, bái quì, chắp tay, cúi đầu, rung chuông, cất mũ và nâng đuôi áo lễ cha khi cha dâng Mình Thánh, Máu Thánh. Linh mục Mai Văn Hùng kể chuyện “thù” mấy Cố Tây hồi xưa đá hậu cậu bé Húng giúp lễ lăn xuống khỏi mấy bục bàn thời vì tội rung chuông mà chưa kịp đưa tay năng đuôi áo lễ…Ấy là chưa nói đến giúp lễ “Đại trào”, tức là lễ Đức cha chủ tế, nhiều nghi thức rườm rà, phức tạm lắm, trong đó có lẽ khó nhất là cậu hay thầy nào có nhiệm vụ cầm đuôi áo lễ đính sau lưng áo tìm trong của đức cha : khi đức cha quay ra đọc Dominus vobiscum, thì phải nhanh nhẹn chui gọn vào gầm bàn thờ ! Đức cha Phạm Ngọc Chi, khi sang Trung Linh dâng lễ, nếu không thấy cậu…(tôi quên tên), thì ngài nhăn mặt, vì ngài chỉ thích cậu ấy nâng đuôi áo lễ của ngài !
Nói tóm lại, chúng ta quan tâm nhiều đến lễ lạy nghi thức với nghi thức, hơn là chú trọng tới nội dung. Từ sau Vatican II, người ta mới nói đến ba sừ vụ của linh mục : tư tế, “vương đế” và ngôn sứ, nhưng trong thực tế, nói đến linh mục, là người ta nghĩ ngay đến chuyện “làm lễ”. Tụi tôi còn bé đi tu cũng chỉ “để làm lễ”. Ngoài chuyện “làm lễ”, thì chuyện “coi xứ”, hqy “coi sóc bổn đạo” là chuyện quan trọng, còn chuyện từ “ngôn sứ” là một từ “tân tạo”, mới ra đời từ hồi thập niên 60 thế kỷ trước.
Nói chung, linh mục, theo quan niệm chung của nhiều người, ngay cả đến tận hôm nay, vẫn chủ yếu là “làm lễ”, hay “làm các phép” và làm cha xứ, nghĩa là cai quản giáo xứ, họ đạo, nói … vô phép một chút là “Làm phép”“làm vua” hay “làm quan”…Người Công giáo Việt Nam ta chảng hay nói đến chuyện “chịu chức” với “đỗ cụ”, nghĩa là đề cao chức tước với đỗ đạt, như ngoài đời người ta mong đỗ đạt để làm quan đó sao ?
Sứ vụ rao giảng hay loan báo Tin Mừng ít được nói tới. Vả lại, bản văn Tin Mừng trước Công đồng Vatican II cũng chỉ được công bố bằng tiếng La-tinh, thì mấy ai hiểu được, ngoài các cha, các thầy la tinh va lý đoan ?
Vậy nói đúng ra, cả Giáo hội Việt nam trước đây chẳng hề được nghe loan báo Tin Mừng, theo đúng nghĩa của thành ngữ này, mà chỉ được học giáo lý! Nói cách khác, người Việt Nam chỉ được dạy Đạo, nghĩa là được nghe giảng dạy về Đạo Chúa, chứ trước khi không ai được trực tiếp đọc Kinh Thánh nói chung, và Tân Ước, đặc biệt là các Sách Tin Mừng. Ngay các đại chủng sinh trước thập niên 50 cũng không có được mỗi người một bộ Tân Ước, thì lấy gì mà đọc Phúc Âm vối Tin Mừng !
Nhưng nói đến sách giáo lý, thì lại càng thấy thiếu sót, thậm chí sai sót vô cùng. Thí dụ cụ thế: cuốn “Phép giảng tám ngày” của cha Đắc Lộ, tuy có giá trị về mặt lịch sử chữ Quốc Ngữ nói riêng, và về lịch sử Giáo hội Việt Nam nói chung, như mặt giáo lý, sách đó chứa đựng những sai lầm không thể tha thứ, nếu đem ra đối chiếu với giáo lý của Công đồng Vatican II. Chỉ cần nêu ra một thí dụ: trong sách này, cha Đắc Lộ lên án Khổng Giáo, Phật Giáo là những ta đạo do ma quỉ bày đặt ra để lừa dối loài người, và rằng Khổng Tử hay Phật đều là con cái ma quỉ!
Nhưng đừng tưởng ngày nay chúng ta hay hơn cha Đắc Lộ đâu. Nhều người giáo dân gốc Bùi Chu, có lẽ đến bây giờ vẫn còn thuộc câu trong Bổn đồng ấu của Đức cha Hồi Ngọc Cẩn, dạy về bì tích Thánh Thể như sau:
-“Hỏi cái gì tròn tròn ta xem thấy đấy?”
-“Thưa đấy là hình dạng bánh bề ngoài mà thôi, chứ bánh thì không còn nữa”!!!
Từ nhỏ đến bây giờ, tôi vẫn cứ thắc mắc: Nếu bánh mà không còn nữa, thì còn có cai gì mà thấy và ăn?
Vào thập niện 60 thế kỷ trước, khi tôi còn ở bên Pháp, nghe tin ở bên nhà có xảy một vụ có thể gọi là “xì căng đan”: ban soạn thảo sách Giáo lý do Hội đồng Giám mục lập ra, trong đó có các giáo sư đại chủng viện và những nhà chuyên môn, nhưng không hiểu sao lại có thể viết trong đó một câu về bí tích Thánh Thể, đại loại như sau: “Khi người ta rước lễ thì cũng tựa như ăn của cúng vậy !”
Vì câu viết nay mà cả công trình soạn thảo, lẫn cái gọi là Ủy ban giáo lý của HĐGM bị khai tử khi chưa kịp khai sinh chào đời. Vậy mà nghe nói đoạn giáo lý ấy lại là tác phẩm của một vị linh mục có tên tuổi, tiến sĩ triết học và thần học, từng làm giám đốc đại chủng viện.
Thế mới hay, từ Tin Mừng sách giáo lý, không chỉ là một đường thẳng không quanh co, khúc khuỷu gồ ghề, hay bị bóng tối che khuất … Ấy là chưa nói tới chuyện: từ Lời rao giảng của Chúa Giêsu, đến những Lời được ehép ra thành các sách Tin Mừng, cũng không có sự đồng nhất tuyệt đối. Người ta nói: “tam sao thất bản”. Từ Lời rao giảng trực tiếp của Chúa, đến bàn tay chép sách Tin Mừng của Máccô, Matthêu, Luca hay Gioan, còn có những con người, nghe đi kể lại cho nhau nghe qua năm tháng, mà trí nhớ của họ lại không thể nào trung thực được như máy ghi âm thời đại chúng ta. Vì thế mới có những khác biệt giữa truyện kể của người này, khác với truyện kể của người khác, cũng về một sự việc. Giống nhau như Máccô và Mátthêu, mà cũng còn nhiều chi tiết khác biệt, nữa là giữa Gioan và cả ba Tin Mừng nhất lãm!
 
Rao giảng là làm chứng cho Tin mừng
Như vậy đã rõ, Tin Mừng không chỉ là những lời nói hay chữ viết, mà còn là “Thần Khí vá sự sống” (x.Ga 6,63). Vấn đề quan trong không chỉ là lặp lại đúng câu đúng câu, viết lại đúng chữ, mà chuyển tải, là truyền lại ý nghĩa và tinh thần, hay hồn sống của Lời Chúa mà ta đã đón nhận và cưu mang trong lòng mình, như Đức Maria đã đón nhận Lời Chúa, trước khi cưu mang Lời ấy nhập thể thành xương thành thịt trong lòng đồng trinh của Người, như Luca ghi lại hai lần trong Tin Mừng (Lc 2,19; 2,51).
Các Tông đồ đều đã được nghe Đức Giêsu giảng dạy, nhưng không phải ông nào cũng nhớ và ghi lại được hết tất cả những lời giảng dạy đó. Chỉ có Mátthêu và Gioan đã viết thành sách. Ngoài ra còn có Maccô và Luca, môn đệ của Phêrô và Phaolô cũng viết sách Tin Mừng, dựa vào lời rao giảng Tin Mừng của thầy mình, là Phêrô và Phaolô. Nhưng Phaolô thì cũng chẳng được trực tiếp nghe Chúa giảng dạy. Vậy thì đưa vào đâu mà chúng ta có thể tin vào những lời rao giảng hay những trang Tin Mừng ấy?
Thưa đó là Lời Chứng.
Trong Tin Mừng của Luca, trước khi được cất lên trời, Đức Giêsu căn dặn các môn đệ: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,44-48).
Còn trong Công vụ Tông đồ, Luca cho biết, tiêu chuẩn quan trọng nhất mà các Tông đồ dựa vào đó để chọn người thay thế Giuđa Iscariốt, bổ sung cho đủ số 12, đó là người đó phải là chứng nhân của Đức Kitô. Thật vậy, ông Phêrô: đã nói với các Tông đồ: "Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh." (Cv 1,21-22).
Từ “làm chứng” này được nhắc đi nhắc lại hầu như trong mọi chương của Công vụ Tông đồ 2,32.40;3,15,4.33;5,32;8,25; 9,22;19,39 vv.). Lúc thì chúng ta nghe Phêrô quả quyết như vậy, như trong 2,32: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”. Trong 5,32, Phêrô còn đồng thanh với các Tông đồ khác tuyên bố: “Về những sự kiện đó (tức là sự Phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu), chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người."
Còn Phaolô, trong lời từ biệt rất cảm động Hội Thánh Êphêxô, đã ngỏ lời với các kỳ mục ở Milêtô như sau : “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa. (Cv 20,24).
“Làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa”, một diễn ngữ thật đẹp và có ý nghĩa sâu xa, phong phú.
Các Tông đồ đã dâng hiến trọn vẹn đời mình để long trọng làm chứng cho Tin Mừng Đức Giêsu phục sinh và được tôn vinh. Tin Mừng ấy cũng chính là Tin Mừng về “ân sủng của Thiên Chùa”, bởi vì “ân sủng” là gì, nếu không phải là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).
Có thể chúng ta sẹ thắc mắc tự hỏi: các Tông đồ làm chứng Tin Mừng Đức Giêsu phục sinh, là bởi vì các ông đã được chứng kiến chính Đức Giêsu phục sinh đến với các ông, cho các ông xem những dấu đinh trên tay chân và ở cạnh sườn Người, cả Phaolô cũng vậy, tuy không được biết Người khi Người còn tại thế, nhưng đã được gặp Người trên đường đi Damas, sau khi Người đả phục sinh, và trực tiếp sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Nhưng còn chúng ta, chúng ta làm chứng cho ai, cho cái gì. Cùng lắm, chúng ta cũng chỉ nghe kể lại lời chứng của các Tông đồ, qua trung gian của biết bao thế hệ truyền lại từ hơn hai ngàn năm qua. Nhưng ai, hay cái gì bảo đảm rằng những lời chứng ấy là xác thực?
Thắc mắc này quả thật có lý do chinh đáng, chứ không phải vu vơ tầm thường. Chúng ta không được phép coi thường. Để trả lời thắc mắc nghiêm chỉnh này, chúng ta không lời giải thích nào khác ngoài chính niềm tin của chúng ta.
Thật vậy,Đứng trước mọi thắc mắc nghi ngờ, thậm chí cả những phê bình chỉ trích và phản bác về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô, người Kitô trên khắp hoàn cầu, từ hơn hai ngàn năm qua, chỉ có một lời tuyên xưng : “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” (1 Cr 15,3-4).
Chúng ta không được chứng kiến Đức Kitô phục sinh, nhưng các Tông đồ đã thấy Người và đã tin (x.Ga 20,8). Chính các ngài và bao nhiêu thế hệ tín hữu đến sau các ngài, nhờ lời chứng của các ngài đã tin và làm chứng lại cho chúng ta. Đức Tin là một hồng ân mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận từ các Tông đồ. Chính thánh Phaolô cũng đã được đón nhận như vậy (x.1 Cr 15,3).
Khi xưa, khi Đức Giê su phục sinh đến với các môn đệ vào sáng sớm ngày thư nhất trong tuần, ông Tôma không có mặt ở đó, cho nên khi các môn đệ kể lại cho ông nghe chuyện Chúa đến như thế nào, ông đã không tin. Tám ngày sau, Chúa lại đến , ông Tôma cũng có mặt. Chúa bảo ông đưa tay sờ vào những dấu đinh trên chân tay và cạnh sươn Người, bấy giờ ông mới tin. Nhưng Chúa bão ông: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !" (Ga 20,29).
Rõ ràng là câu nói này dành chung cho tất cả chúng ta.
Chúng ta không hề được Chúa Kitô phục sinh đến với chúng ta, cũng chẳng được nhìn thấy những dấu đinh trên chân tay Người, hay là được xỏ ngón tay vào cạnh sườn Người, như ông Tôma. Nhưng chúng ta được thấy những chứng nhân của Người. Thật vậy, dòan ngũ những chứng nhân này thật đông đảo (x.Kh 7,9-16), đó là người đã tin theo Chúa Kitô, ngay từ thời Người bắt đầu rao giảng Tin Mừng ở Galilê, rồi đồng hành với Người lên Giêrusalem, chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, và đã được Người sai đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng Phục sinh của Người.
Các Tông đồ làm chứng cho Tin Mừng Phục sinh của Chúa. Những người đón nhận Tin Mừng ấy lại đi loan báo cho những người khác, và cứ như vậy, bao thế hệ người Kitô cứ loan Tin Mừng cho nhau, làm chứng Chúa đã phục sinh bằng chính cuộc đời đổi mới<
Lm Thiện Cẩm OP
Thông tin khác:
Chuyện thờ ơ (08/05/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log