- Tôi hỏi, anh cần đem súng ra?
- Không, anh mạnh dạn trả lời.
- Sao các anh dám tin tôi? tôi hỏi thăm dò.
- Vậy mà tôi tin. Anh khẳng định, vẻ chắc nịch sợ phật ý, tôi không dám hỏi
anh nữa.
Sau khi chia tay, tôi cảm ơn anh em và xin chuyển lời cảm ơn uỷ ban. Trạm y tế, tận tình chăm sóc tôi. Các anh không quên động viên tôi mau hồi phục, chuẩn bị cho mùa tranh giải tuần sau. Suốt mùa giải, có trận thắng, có trận thua, trận hòa. Chung cuộc đủ điểm vào chung kết. Trận đấu diễn ra nghiêng ngửa, kết thúc 90 phút thi đấu, không phân biệt thắng bại. Sau cùng phải xử lý bằng đá luân lưu 11m. Kết thúc, đội tuyển Long Thới đoạt chức vô địch. Sau chiến thắng, các vị lãnh đạo chính quyền huyện mời cả lãnh đạo xã, ban quản trị và cầu thủ ở lại dự liên hoan. Vừa đá xong, chúng tôi nhảy xuống sông tắm, dòng sông mùa này ở đồng bằng sông Cửu Long ngập nước phù sa, trải màu vàng lượn lờ uốn quanh thị trấn, như khúc dạo ân tình của người nông dân hiền hòa, hai mùa mưa nắng. Vào bàn tiệc, ông Bí thư huyện (Hai Gió) ngồi bên tôi, cùng nâng ly chúc mừng chiến thắng. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn các vị lãnh đạo huyện, đặc biệt quan tâm đến chúng tôi. Trong tình thân mật, chúng tôi trao đổi nhiều chuyện vui, chẳng bao lâu, cả phòng tiệc tràn ngập tiếng cười dòn dã. Tinh thần hưng phấn, ông bí thư hỏi han tôi từng dì phước và các con đạo (từ thông dụng trong Cách mạng thời kỳ quá độ).
- Thấy gái đẹp ông mê? Ông chọc ghẹo, có lẽ thăm dò phản ứng tôi.
- Nắng mưa là chuyện của trời, ta mê gái đẹp, chuyện người thế gian. Tôi đẩy đưa “con sáo sang sông”.
- Các ông duy tâm (ám chỉ linh mục). Tôi hiểu ông phát ngôn theo bài bản.
- Chúng tôi học, và nghiên cứu nhiều học thuyết duy tâm, duy lý, duy vật, nhưng chúng tôi không “chấp” (từ nhà Phật) “duy”, bởi vì học thuyết Kitô giáo là học thuyết bắt nguồn từ Đức kitô nhập thể, Thiên Chúa Làm Người, như đất-trời hòa hợp “Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Gn.1,14). Các anh hiểu thế nào là duy tâm? Tôi đá banh, bây giờ mình cụng ly, chúng ta cùng ăn uống, không lẽ tôi là người “ảo”, hay người từ hành tinh khác!
Thôi, chúng ta cụng ly, chúc thành công… Tiếng lách cách của những chiếc ly cụng nhau, tạo thành âm thanh như tiếng đàn t’rưng. Cuộc vui chưa chấm dứt, phố đã lên đèn, chúng tôi lên xe. Nhưng trớ trêu, xe hơi không đèn, phải chạy marathon, cầm đuốc dẫn bộ. Tôi chạy đầu và toàn đội chạy tiếp sức, về tới nhà, các quán đã đóng cửa, mọi người vẫn ngủ say.
5. MÙA THỦY LỢI - MÙA HỒNG ÂN
Sau mùa giải phóng, chúng tôi lại được lệnh đi thủy lợi, theo tổ chức tập thể đội bóng, ưu tiên nhận phần ít hơn. Lúc này tôi tự hỏi, mình nên đi? Lại nổi lên một sự giằng co, “Ai dám bắt linh mục đi lao động khổ sai?” Mặc dù mọi thành phần công dân đều đã được học tập đường lối cách mạng, “lao động là vinh quang”. Lao động ở đây là phải hiểu lao động chân tay. Chưa có quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước về lao động trí óc, nghệ thuật hay tinh thần, chưa có cơ chế“ xay lúa khỏi bồng em”. Chả thế mà tôi đã học thuộc lòng khẩu hiệu, trang trí trên tường của một đám tuyên hôn, “lấy lao động làm cơ sở để yêu đương”. Sau cùng tôi đi đến một thỏa hiệp đơn phương, “Mình đi sẽ có lợi trăm đường”. Nhà nước sẽ xóa dần tư tưởng “linh mục ngồi mát ăn bát vàng” sẽ gần gũi anh em giáo dân lao động vất vả, giúp đỡ họ mặt thiêng liêng nhất là hướng dẫn người Kitô hữu sống đức tin thời đại mới. Một thời đại chưa thể sống chung một sớm một chiều, chưa thể sống tin nhau và còn tìm cách loại trừ nhau. Hữu thần và vô thần, tưởng chừng hai cực luôn đối kháng nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại tổng hợp các năng lực đối kháng thành công cụ phục vụ con người. Lấy Lời Chúa làm cơ sở, giáo huấn Công đồng Vatican II làm kim chỉ nam, vận dụng thực tế và tình yêu chắp cánh, tôi hăng hái lên đường cùng đồng đội, đúng khẩu hiệu: mừng xuân, ra quân làm thủy lợi (1977). Đến nông trường thủy lợi kinh Trà Ngoa, chúng tôi dựng lều trên mảnh đất vừa cày ải, dọn sơ sài, ôm vài cục đất to ra ngoài, còn lại lót ổ rơm dày lên cũng như tấm nệm thành phố. Ổn định lều trại, một giờ chiều chúng tôi bắt đầu xuống giá. Trên cánh đông nắng cháy, đã hiện lên dòng sông hi vọng, rất đông bà con nông dân trong vùng đổ xô hai bên bờ chờ đợi điều diệu kì trong giấc mơ đã biến thành hiện thực. Dòng phù sa nuôi đồng lúa, như dòng sữa mẹ nuôi con. Các bạn không cho tôi đào đất đuổi về ban anh nuôi. Cuộc sống dần dạy tôi biết lặt rau, làm cá, xách nước và rửa chén. Bỗng tôi cảm nhận niềm vui, được gần gũi đời thường. Chúng tôi dọn cơm lên chiếc chiếu nệm, chén ăn phải cầm trên tay, nồi cơm canh đặt ở giữa, chêm mấy cục đất để đảm bảo an toàn tương đối vì đang có mùa gió chướng. Hơn nữa mặt bằng đang là đất cày lởm chởm. Tôi xách chài dọc theo bờ sông, quăng một hai chài cũng kiếm được vài con cá đồng, cải thiện bữa ăn cho anh em. Phần ăn cơ bản chủ yếu là nước tương, dưa mắm và cá khô, khô sặt, khô cá hố… Cơm nước xong trời còn sáng, tôi chuẩn bị dâng lễ. Được phép ban chỉ huy, anh em cho mượn cả một hệ thống âm thanh và lều trại. Khoảng 15 phút sau, anh em lao động công giáo ở các đơn vị chung quanh đã tập trung đầy đủ. Tôi phải thông báo tới anh em, dầu chúng ta vừa cơm chiều, ai rước lễ mời lên tự nhiên, không phạm luật, vì phải thích nghi hoàn cảnh, điều cần thiết: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm người ta ô uế ( Mt. 15, 18).
Lễ phục của tôi là bộ bà ba đen, không được tươm tất lắm, vấy bùn từ trước ra sau, trên vai choàng sợi dây Alba, biểu tượng Mình Thánh Chúa được truyền phép trong hai cái tô lớn có lót khăn thánh.
Phần nghi thức thống hối, hướng dẫn anh em chân thành gặp gỡ chúa, tự vấn bản thân, ý thức trách nhiệm cộng đồng, gia đình và xã hội và Giáo hội, xin Chúa tha thứ nhiều lỗi lầm, thiếu sót. Có lẽ chưa bao giờ tôi dâng lễ sốt sắng và đầy cảm xúc như lần này. Nhìn xuống cộng đoàn, toàn thể là thanh niên, đứng nghiêm chỉnh trong trật tự, im lặng và nghiêm trang. Những đôi mắt đăm chiêu hướng lên bàn thờ. Thật ra đâu xứng danh bàn thờ, chỉ một tấm ván kê lên 4 cái chân xiêu vẹo (cũng do cán bộ chỉ huy cho mượn) trên nền đất gập ghềnh. Nhiều khuôn mặt chưa hề thấy ở nhà thờ. Phụng vụ, không ca đoàn, không tu sĩ, tất cả hòa nhịp trong lời ca đối đáp cũng vang dội nhiều bài thánh ca cộng đồng, âm hưởng vào không gian tĩnh mịch của một vùng nông thôn êm đềm: “Lời ca bay cao, như hương trầm nghi ngút bay vút bay lên tầng cao xanh”. Sau phần công bố Tin mừng, tôi chia sẻ Lời Chúa, nhấn mạnh thân phận con Thiên Chúa xuống thế làm người, để trở nên mọi sự như mọi người, Giáo hội đồng hành cùng dân tộc. Chúa biến cái nghèo thành cơm no áo ấm, chỉ với 5 cái bánh và 2 con cá, Chúa làm ra của cải dư dật, nuôi hơn 5 ngàn người ăn no, còn thu lại 12 tháng đầy bánh vụn (Mt. 14,13-21).
Chúng ta đồng hành với Chúa, biến ruộng hoang thành lúa thơm “sẽ đúc gươm thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”(Isaia 2,4) biến khô hạn thành dòng suối nước, góp phần làm đẹp quê hương. Để quê hương không mãi là chùm khế ngọt, là cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi, mà là thành quả cánh đồng lúa phì nhiêu tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đi vào giây phút huyền diệu, kết hiệp Thánh thể là trung tâm của Thánh lễ, Chúa hiến ban chính thân thể mầu nhiệm của Người cho nhân loại. Nhận thức được sức mạnh tinh thần anh em lần lượt lên rước lễ. Mình Thánh Chúa lại trở thành nguồn động lực sâu thẳm nhất cho sự nghiệp lao động xã hội chủ nghĩa. Tan lễ, chúng tôi động viên nhau, bằng chính sự hiện diện của Chúa ở cùng anh em trong nghĩa vụ thủy lợi kinh Trà Ngoa này, chúc anh em hoàn thành sớm để trở về với gia đình, với họ đạo.
6. HẠNH PHÚC QUANH ĐÂY
Niềm hạnh phúc tuyệt vời của tôi là được sống, làm việc xã hội và mục vụ ngoài khuôn khổ nhà thờ. Thời buổi ban đầu, một số người chưa am hiểu luật pháp, nghị định, chỉ thị,… về những hoạt động tôn giáo. Gặp chú du kích, tuổi rất nhỏ, đội nón tai bèo, mang dép râu, một vị linh mục dù lớn tuổi cũng ngả nón cúi đầu chào, thưa ông - xưng con vì quá sợ, ngoài ra còn mặc bộ đồ nylon dầu sột soạt, trong trại cải tạo còn thưa anh đội. Một buổi tối, hai chú du kích bất ngờ đột nhập xin xét nhà, vị chánh sở của tôi gần như nghẹt thở, đôi môi xám xịt, mặt tái xanh như tàu lá, nói đứt quãng:
- Thư..a… thư..a, các ông, các ông xét gì ạ (ngài bị bệnh tim mãn tính).
- Mở cửa này, dộng báng súng. Ai ở trong nầy?
- Dạ, dạ, em xin mở. Cửa vừa mở tung chỉ thấy đống vỏ chai, chú du kích gắt gỏng:
- Vỏ chai gì mà nhiều thế này? Uống rượu Tây hả? À, à, nghe nói mấy cha cố “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò hả”?
- Dạ thưa các ông, đây là vỏ chai rượu để làm lễ chưa kịp giao về Tòa Giám mục ạ.
- Làm lễ sao lại uống rượu?
- Ở ngoài đám cưới các ông cũng nghe nói rượu lễ mà.
- Cách mạng cấm rượu, còn rượu chè gì? Còn phòng này? dọng cạch cạch.
- Dạ phòng này thật tình không có gì ạ.
- Sao biết thật tình, nhanh, mở ra, cạch cạch dộng thêm 2 cái.
- Cánh cửa mở toang.
- Cái gì tròn tròn có lỗ đấy?
- Dạ, thưa nhà cầu ạ.
- Thả cá được không?
- Dạ, được, nếu ông bịt lỗ lại.
- Phòng này? cạch, cạch.
- Dạ, phòng em.
- Có ai trốn dưới gầm giường?
- Xin ông cứ xét.
Trong cảnh hồng hoang của xã hội, mọi sự việc đều có thể xảy ra.
Nhưng hôm nay, sao thật kỳ diệu, cán bộ cho tôi cử hành thánh lễ? Công khai truyền đạo? Không phải chiều nay, nhưng mỗi chiều tôi muốn. Tôi lại giảng nhiều hơn, hăng hơn, dài hơn và anh em lao động đã mệt mỏi thế mà vẫn đứng im lặng như tượng đồng giữa khoảng không gian vời vợi. Tôi vui sướng đến rơi lệ và miên man suy nghĩ, Cách mạng có tình người! Tôi nghĩ Cách mạng không thể là cái khuôn và Đảng không là thợ đúc. Người ta kể, ông Sáu nhỏ, thời Việt Minh, Việt Cộng, ông đã từng trổ nóc nhà đâm chết người chồng đang ngủ bên vợ, rồi biến đi như bóng ma. Ông đang ngồi đó, hiền như “ Tiên Ông”. Thú thật, từ bé, tôi chưa hề biết Việt Cộng, tôi còn nghe đồn Việt cộng có đuôi và Cộng Sản vô thần. Sau Giải Phóng tôi lại gặp chính em ruột tôi là Việt cộng, bộ đội Trường Sơn vào tiếp quản Dinh Độc Lập. Không rõ nguồn cơn thế nào, một hôm nọ, trong một buổi học tập, một lão bà phát biểu cảm tưởng: “cám ơn Cách mạng, nếu Cách mạng không vào sớm, Việt cộng pháo kích chết hết”. Ai bảo Cộng sản vô thần? Tôi thường đi dự đám giỗ nhiều gia đình anh em cán bộ, trước khi vào bàn tiệc, anh em dọn một mâm cơm, vừa rót rượu vào ly vừa lầm rầm khấn vái: “Ông bà có linh thiêng về phù hộ cho con cháu”. Tôi nhớ không lầm, câu nói thời danh của Hồ Chủ tịch như di chúc đi vào lịch sử nhân loại, “Sau khi chết tôi sẽ đi thăm cụ Lênin…”. Bởi thế trong câu chuyện hàn huyên tâm sự tôi nói đùa với ông bí thư huyện Cầu Kè, tôi không tin Cộng sản vô thần, có thể ý thức hệ vô thần nhưng con người Cách mạng không vô thần. Tôi thấy Cách mạng đầy tình người. Cách mạng thường khẳng định có lý và có tình. Tình chính là thần chẳng thế thơ, văn, nghệ thuật ca ngợi “Thần tình yêu”. Người hữu thần như bọn tôi dễ bị dị ứng “vô thần” chớ Cách mạng thì thật “tình thương mến thương”.