Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu hiện là một điểm tham quan du lịch văn hóa sinh thái. Ảnh: CTV |
Ông Tạ Quang Trung, 62 tuổi ngụ tại đây kể lại “…từ nhỏ tôi nghe ông bà kể lại, đây là vùng đất “trũng” thấp nước ngập quanh năm, có nhiều cọp, beo, “mãng xà” nên không một ai dám bén mảng đến đây…”.
Riêng ông Lê Văn Thum, 71 tuổi ngụ xã Nhơn Nghĩa A ( huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) khẳng định có vẻ khoa học hơn “…gọi đây là dị tích Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu mới đầy đủ vì đây là vùng đất có nền địa chất đặc biệt đã có cách nay mấy ngàn năm, trong một lần biến đổi một phần đất đã lún sâu mang theo nhiều viên đá và những cây cột bằng gổ khổng lồ sau nầy đã được phát hiện...”.
Đây cũng chính là khởi nguồn cho cuộc tìm kiếm các di chỉ cổ liên quan đến nền văn hóa Óc Eo những năm 1990 - 2000 tại ấp Nhơn Thành (xã Nhơn Nghĩa) và đã tìm thấy một số hiện vật quý hiếm.
Lúc còn sống, nhà văn “Nam bộ học” Sơn Nam đã từng có nghi vấn khi cho rằng có một vương quốc hùng mạnh có nguồn gốc Nam Á đã bị một cơn đại hồng thủy nhấn chìm dưới lớp phù sa, và trên đó là những cánh rừng bạt ngàn của Nam bộ thời khẩn hoang, có thể có những kho tàng khổng lồ, bí ẩn còn nằm trong lòng đất, trong đó có Bưng Đá Nổi – Lung Ngọc Hoàng (?). Nhưng tất cả vẫn chỉ là giả thiết cho đến nay.
Điều may mắn là chủ nhân của di tích nầy vốn nguyên là giám đốc một Đài PT – TH một tỉnh miền Tây (đã mất năm 2016) khá am hiểu về lĩnh vực khảo cổ học và văn hóa dân gian nên ông đã gìn giữ hầu như nguyên vẹn di tích “ độc đáo” nầy. Cạnh đó ông còn hình thành khu vui chơi, giải trí, ẩm thực với qui mô lớn mang tên Lung Cột Cầu thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm.
Bà Nguyễn Thị Nhung, du khách đến từ TPHCM cho biết “…đến du lịch ở đây rất thú vị, vừa thưởng thức những món ăn dân dã rất “Cần Thơ” trong bầu không khí trong lành, yên tịnh, vừa được nghe kể nhiều câu chuyện rất huyền bí về Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu, hấp dẫn lắm…”.
Không biết hư thực cụ thể ra sao nhưng cư dân xung quanh di tích Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu kể lại rằng: Ngày xưa đây là một vùng đầm lầy hoang dại. Một hôm tình cờ người dân khai khẩn đất hoang phát hiện rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, quanh vùng dưới độ sâu 2 đến 3 mét nằm dưới lớp phù sa thực vật dầy. Cạnh đó là nhiều tảng đá xanh hình khối chữ nhật đã được gia công bỗng nhiên “nổi” lên trong cái ao của khu di tích hiện nay đi kèm với những di vật bằng gốm, đồng, vàng, xương thú lớn đã hóa thạch…
Sau nhiều chuyến khảo sát, các chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có một cụm cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành một cộng đồng khá phồn thịnh minh chứng qua các di vật sinh hoạt cộng đồng đã tìm được. Hiện nay việc mở rộng nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Hiện nay đi đến Khu di tích này đã thuận lợi hơn xưa rất nhiều vì không phải qua sông Ba Láng như trước đây, maø đã có tuyến lộ lớn nối TP Cần Thơ - TP Vị Thanh (Hậu Giang) nên du khách chỉ mất khoãng 20 phút là có thể từ trung tâm TP Cần Thơ đến Lung Cột Cầu. Đến đây du khách sẽ được hướng dẫn xuyên qua những vườn dâu ta, dâu “Hạ Châu” vốn là đặc sản nổi tiếng của huyện Phong Điền cùng các loại cây ăn trái khác như: sầu riêng, măng cụt, nhãn… dài theo những con rạch uốn khúc quanh co rất nên thơ. Dưới mặt nước là muôn vàn bông súng Đà Lạt, bông sen trắng ngạt ngào hương thơm quanh năm.
Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu hiện là một điểm tham quan du lịch văn hóa sinh thái rất thú vị. Vì vậy vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần nơi đây thường tiếp đón khá nhiều du khách với các hoạt động như: liên hoan đờn ca tài tử, biểu diễn cải lương, ca nhạc kịch. Cạnh đó do khung cảnh thơ mộng, trữ tình, nên có khá nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều đôi uyên ương đến quay phim, dựng cảnh.