Ngày ghé Bồng Tiên tìm hiểu về ngôi thánh đường gần trăm tuổi, chúng tôi được nghe cha chánh xứ Đaminh Bùi Thế Truyền kể về lịch sử truyền đạo nơi đây: “Đất Bồng Tiên xưa giàu đẹp có tiếng, một chi phái họ Trần đã chọn nơi này lập nên cơ nghiệp muôn đời cho con cháu. Nổi tiếng là trọng Nho giáo, hàng tuần các cụ thường đàm đạo kinh văn và bình thơ với nhau. Đến bây giờ, vết tích về dòng họ vẫn còn, những vị theo đạo đầu tiên cũng được ghi lại trong gia phả và lưu giữ rất kỳ công”. Rồi cha lấy bản tài liệu cổ đã được lược dịch từ chữ Hán cho chúng tôi xem, phải lật giở rất nhẹ nhàng vì sợ rách, lại phải căng mắt đọc vì chữ đã nhòe theo thời gian.
Vào khoảng năm 1782, theo đường sông, cha Lê Bá Cảnh và Lê Ngọc Quế đi thuyền đến vùng đất Bồng Tiên gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên. Cụ Trần Xuân Kỷ và con cháu trong dòng tộc vì cảm mến đạo nên đã xin được nhận Phép Rửa tòng giáo. Khi con số tín hữu tăng lên, ngôi nhà thờ đơn giản đầu tiên bằng gỗ tạp và tre luồng, mái lợp tranh đã được dựng để có chỗ cho giáo dân sớm chiều kinh nguyện. Năm 1786, giáo họ Bồng Tiên với khoảng hơn một trăm người được thành lập, sau đó được nâng lên thành giáo xứ vào năm 1918. Trải qua nhiều lần tu bổ, xây mới, nhà thờ mới có dáng vẻ như bây giờ.
YÊU THƯƠNG MIỀN ÐẠO ÐỨC
Song song với việc tạo dựng cuộc sống, an cư lạc nghiệp, gần 2.000 người tín hữu nơi đây luôn gắn bó với ngôi thánh đường và thực hành đức tin một cách sốt sắng. Các hội đoàn như Caritas, Lòng Chúa Thương Xót, Huynh đoàn Đaminh, Con Đức Mẹ, Thánh Tâm… ngày thêm nhiệt thành trong hoạt động. Ông Trần Xuân Truyền - Chủ tịch HĐMV giáo xứ tự hào khoe: “Người giáo dân ngoài này sống mộc mạc, tinh thần yêu mến đạo của họ được thể hiện qua lòng họ thích việc nhà Chúa. Làm những việc đơn sơ với tinh thần tự nguyện như làm cỏ, quét dọn nhà thờ hay hy sinh cộng tác vào việc chung của giáo xứ”. Ở vùng thôn quê, người dân gắn bó với nhau bằng tình làng, nghĩa xóm. Bồng Tiên có 12 giáo họ thì họ nào to sẽ nâng đỡ họ bé cả về vật chất lẫn tinh thần.
Được thiên nhiên ưu đãi cho đất đai màu mỡ, phần lớn giáo dân Bồng Tiên sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi; số khác thì buôn bán, kinh doanh ngoài chợ. Nhờ cần cù, chịu khó, cuộc sống của người dân nơi đây đầm ấm, kinh tế ổn định. Vừa có điều kiện, vừa có lòng quảng đại, mọi người đan tay hướng đến các hoạt động bác ái xã hội, vừa giúp ích cho người vừa tô đẹp thêm cho đời. Đều đặn khoảng chục năm nay, mấy anh chị em trong hội thiện nguyện của giáo xứ lập chương trình quyên góp xây dựng nhà tình thương cho những hộ gia đình khó khăn, lương cũng như giáo. Mỗi căn nhà trị giá ít nhất là 30 triệu đồng. Cha xứ cùng HĐMV thì luôn đồng hành với họ trong các hoạt động hướng đến cộng đồng, dù xa hay gần, hễ nơi nào cần họ đều sẵn sàng sẻ chia, như năm rồi đã hỗ trợ một nhóm xã hội tổ chức vui Trung thu cho 150 em nhỏ bị nhiễm H hoặc chịu ảnh hưởng của H.
Tình liên đới không chỉ thể hiện khi sống mà ngay cả với người đã từ trần. Hội Lòng Chúa Thương Xót của giáo xứ Bồng Tiên đến đọc kinh, cầu nguyện cho kẻ liệt. Khi có tín hữu qua đời, tang gia nào túng bấn, họ không ngần ngại giúp đỡ cả về nhân lực lẫn vật lực để người đã khuất được yên ổn an nghỉ trong Chúa. Nhiều anh chị em có lòng nhiệt thành cũng tham gia vào nhóm Bảo vệ sự sống, đi gom nhặt những thai nhi bị phá bỏ về chôn cất.
Cha chánh xứ Đaminh cho biết, giáo xứ Bồng Tiên gặp phải thách đố là người trẻ ở đây sau khi học xong cấp 3 thường đi học, đi làm xa ở các thành phố lớn hoặc đi xuất khẩu lao động (khoảng 200 bạn trẻ của xứ đang lao động bên Hàn Quốc, Nhật Bản), nên trong những hoạt động cần có người trẻ thì giáo xứ thiếu nhân lực. Nhưng bù lại, cũng được niềm an ủi là dù ở xa các bạn vẫn luôn hướng về quê nhà, cần hỗ trợ gì các bạn đều tích cực đóng góp, nhờ vậy mà Khu vui chơi cho thiếu nhi rộng 100m2 đã được hoàn thành vào tháng 11.2017. Cứ mỗi chiều đến, khuôn viên nhà xứ Bồng Tiên lại rổn rảng tiếng trẻ con nô đùa. Các bé thỏa thích vui chơi trong những bể bơi cạn được thiết kế tiện dụng, cùng với nhà bóng, nhà cát, thú nhún, bập bênh. Phụ huynh cũng phấn khởi bởi con em có chỗ giải trí lành mạnh, an toàn lại không phải đi xa lên tận thành phố để tìm chỗ chơi tương tự. Bên cạnh đó, hai năm qua, cha Truyền đã cố gắng vực lại phong trào Thiếu nhi Thánh Thể cho có bài bản hơn, chú trọng đến việc dạy giáo lý làm nền tảng cho các em sau này.
Thời gian gần đây, ban truyền thông của giáo xứ phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp: Hiện đại trong việc đầu tư máy quay phim, chụp ảnh; chuyên nghiệp trong việc cập nhật thông tin hoạt động không chỉ của xứ nhà mà cả các xứ khác trong giáo phận. Mọi sự kiện đều được đưa tin kịp thời trên website hoặc kênh riêng, góp phần thông truyền Lời Chúa, loan báo Tin Mừng rộng rãi đến tất cả mọi người trong thời đại số ngày nay.
RỘN RÃ TRỐNG BỒNG TIÊN
Ở miền Bắc, không khí lễ hội vẫn còn rất đậm nét. Nhất là vào những dịp lễ lớn, bổn mạng hay chầu lượt thay giáo phận, anh em trong giáo xứ, giáo họ đến với nhau rất xôm tụ, kèn, trống, cờ hiệu linh đình. Đây cũng là một nét văn hóa đặc trưng có từ thời các giáo sĩ Tây Ban Nha đến truyền giáo ở nước ta.
Nhắc đến Bồng Tiên, không thể không nhắc đến ban trống của giáo xứ, nổi tiếng toàn giáo phận cũng như những vùng lân cận. Được thành lập từ hơn nửa thế kỷ với 70 thành viên. Tất cả trống gồm có 30 quả với các kích cỡ lớn, vừa, nhỏ khác nhau và 25 đôi chũm chọe (não bạt). Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một trong những quả trống to nhất giáo phận Thái Bình mà Bồng Tiên đang sở hữu, gọi là quả trống sấm, được ông Giuse Trần Văn Nghê, giáo dân xứ Bồng Tiên xẻ gỗ làm tang và được nhóm thợ chuyên nghiệp đến từ tỉnh Hà Nam phụ trách bưng bằng da trâu Tây Nguyên. Kích thước cụ thể là mặt trống 2m53, chiều cao 2m83, đường kính 3m35, đường vanh 10m519 và được làm bằng gỗ mít nguyên chất.
Trống Bồng Tiên - ảnh GXBT |
Để tập một bài trống không hề đơn giản chút nào, anh Trần Công Trường, trưởng ban trống chia sẻ: “Người điều khiển dàn trống phải có một số hiểu biết nhất định về âm nhạc, trống phách. Người chơi trống cũng phải khéo léo trong việc sử dụng đôi tay cũng như nhanh nhạy trong đôi tai để thẩm âm, bắt nhịp. Khác với những nhạc cụ khác, trống rất khó để thể hiện tiếng luyến cũng như phải biểu diễn kết hợp với nhiều người chứ đánh một mình không ra. Thường một bài trống phải tập dợt một tháng mới xong”. Mấy anh em trong ban trống luôn nhiệt thành cống hiến hết mình, dùng tiếng trống để phục vụ các sự kiện, lễ trọng của giáo xứ cũng như giáo phận. Ngoài ra còn đi phục vụ ở các nơi khác như Sở Kiện, La Vang, Nam Định, Hải Phỏng… Có thể nói, bằng tiếng trống, tiếng lòng của mình, họ đã góp phần vào công việc truyền giáo của Giáo hội.
Không dừng lại ở hình thức giữ đạo bên ngoài, sự phát triển về cả hai mặt xã hội và tôn giáo trong gần một thế kỷ qua, giáo xứ Bồng Tiên đã trở thành một trong những giáo xứ nòng cốt của giáo hạt cũng như giáo phận.
NGỌC LAN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc