Lịch sử
Nhà thờ Kim Ngọc (tỉnh Bình Thuận) có đường nét giống Nhà thờ Đức Bà Sài GònNgay sau khi chiếm Sài Gòn, Pháp đã cho lập nhà thờ để làm nơi hành lễ cho tín đồ Thiên Chúa giáo trong đoàn quân viễn chinh. Ngôi nhà thờ đầu tiên được lập ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế). Đây là một ngôi chùa của người Việt bị bỏ hoang do chiến cuộc, cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ.
Nhà thờ đầu tiên đó quá nhỏ nên vào năm 1863, Đô đốc Bonard đã quyết định cho khởi công xây dựng một thánh đường bằng gỗ bên bờ "Kinh Lớn" (còn gọi là kinh Charner, thời Việt Nam Cộng hòa là trụ sở Tòa Tạp tụng). Cố đạo Lefebvre đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ vào ngày 28 tháng 3 năm 1863. Nhà thờ xây cất bằng gỗ, hoàn thành năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Saigon. Về sau, do nhà thờ gỗ này bị hư hại nhiều vì mối mọt, các buổi lễ được tổ chức trong phòng khánh tiết của "dinh Thống Đốc" cũ, về sau cải thành chủng viện Taberd, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.
Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Thiên Chúa và sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa. Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gôtich đã được chọn.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, mặt sauBan đầu, địa điểm xây cất được đề nghị ở 3 nơi:
Trên nền Trường thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp).
Ở khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ).
Vị trí hiện nay.
Sau khi đề án thiết kế được chọn, Đô đốc Duperré cho đấu thầu việc xây dựng thánh đường và cũng chính kiến trúc sư J. Bourad là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình này. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp) để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu.
Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Đức cha Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên trước mặt Phó Soái Nam Kỳ và đông đủ nhân vật tai mắt thời ấy. Thánh đường được xây dựng trong 3 năm. Lễ Phục sinh, ngày 11 tháng 4 năm 1880, lễ ban phước và khánh thành được cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào nhà thờ, có chiếc bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) ghi ngày khởi công, ngày khánh thành và tên vị công trình sư.
Tất cả mọi chi phí xây dựng, trang trí nội thất đều do Soái phủ Nam Kỳ đài thọ, với số tiền 2.500.000 franc Pháp theo tỷ giá thời bấy giờ. Ban đầu, thánh đường có tên gọi là Nhà thờ Nhà nước vì thánh đường do nhà nước Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý.
Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.
Tượng đồng Giám mục Adran và Hoàng tử CảnhTrên vườn hoa trước nhà thờ, năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Adran vì Đức cha làm Giám mục với hiệu toà Adran) dẫn Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi công lao của nước Pháp "bảo hộ", "khai hóa" cho Việt Nam. Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng tạc hình đức cha Adran với phẩm phục Giám Mục, tay phải dẫn Hoàng tử Cảnh. Tượng làm bằng đồng, được đúc tại Pháp, giới bình dân thời đó thường gọi là tượng "Hai hình" để phân biệt với tượng "Một hình", là bức tượng của Đô đốc Hải quân Pháp Genouilly ở phía công trường Mê Linh (cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sài Gòn). Năm 1945, tượng này bị phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào ở trên.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, mặt bênNăm 1959, Linh mục Joseph Phạm Văn Thiên (sau làm Giám mục Phú Cường, nay đã qua đời), cai quản Giáo xứ Sài Gòn bấy giờ, đi dự đại hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch quý hiếm. Khi tượng từ Roma gửi sang Sài Gòn bằng đường thủy, Linh mục Joseph Phạm Văn Thiên đã làm lễ dựng tượng trên cái bệ đài vẫn còn để trống kể từ năm 1945 vào ngày 16 tháng 2 năm 1959 và dâng tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình. Tự tay Linh mục viết câu kinh cầu nguyện "Xin đức mẹ cho Việt Nam được hòa bình" rồi đọc trước đông đảo quan khách có mặt hôm ấy. Ngày hôm sau, Hồng Y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép bức tượng này vào buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm 1959. Do bức tượng này mà từ đó Nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà.
Năm 1960, Tòa thánh Vatican thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thánh đường được mang tên Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Năm 1962, Tòa thánh Vatican đã cho phép làm lễ "xức dầu", tôn phong Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn lên hàng Vương cung Thánh đường (basilique). Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn.
Những nét đặc sắc
Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu. Một số ngói vỡ trong nhà thờ có in hàng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France (có lẽ là nơi sản xuất loại ngói này), mảnh ngói khác lại có hàng chữ Wang-Tai Saigon. Có thể đây là mảnh ngói được sản xuất sau tại Sài Gòn dùng để thay thế những mảnh ngói vỡ trong thời gian Thế chiến thứ hai do những cuộc không kích của quân Đồng Minh. Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.
Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc ấy và bây giờ.
Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ chiều dài thánh đường là 133 m, tính từ cửa ngăn đến mút chót của phòng đọc kinh. Chiều ngang của hành lang là 35 m. Chiều cao của thánh đường là 21 m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người.
Nội thất thánh đường có hai hàng cột chính hình chữ nhật, mỗi bên sáu chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang với khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) cùng các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình sáu vị thiên thần khắc thẳng vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ, bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích. Trên tường được trang trí nổi bật 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo thức Roman và Gôtich, tôn nghiêm và trang nhã. Tuy nhiên, trong số 56 cửa kính này hiện chỉ còn hai cửa là nguyên vẹn như xưa.
Nội thất thánh đường ban đêm được chiếu sáng bằng điện (không dùng đèn cầy) ngay từ khi khánh thành. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo, hài hòa với nội thất tạo nên trong nội thất thánh đường một ánh sáng êm dịu, tạo ra một cảm giác an lành và thánh thiện.
Ngay phía trên cao phía cửa chính là "gác đàn" với cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam hiện nay. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn. Phần thân đàn cao khoảng 3 m, ngang 4 m, dài khoảng 2 m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một inch. Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3 m, ngang khoảng 1 m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh. Hiện nay, cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay.
Ban đầu, hai tháp chuông cao 36,6 m, không có mái và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng 40 cm bề ngang. Nội thất gác chuông rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút. Vào năm 1895, thánh đường xây thêm hai mái chóp để che gác chuông cao 21 m, theo thiết kế của kiến trúc sư Gardes, tổng cộng tháp chuông cao 57 m. Có tất cả 6 chuông lớn (sol, la, si, đô, rê, mi), gồm sáu âm, nặng tổng cộng 28,85 tấn, đặt dưới hai lầu chuông. Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879. Trên tháp bên phải treo 4 quả chuông (sol, si, rê, mi); tháp bên trái treo 2 chuông (la, đô). Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo.
Ba quả chuông to nhất là chuông si nặng 3.150 kg, chuông re nặng 2.194 kg và đặc biệt là chuông sol là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới: nặng 8.785 kg, đường kính miệng chuông 2,25 m, cao 3,5 m (tính đến núm treo). Chuông này chỉ ngân lên mỗi năm một lần vào đêm Giáng Sinh.
Các chuông đều được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật công tắc điện. Vào ngày thường, thánh đường chỉ cho đổ một chuông mi hoặc rê vào lúc 5 giờ và 17g30. Vào ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông. Vào đêm Giáng Sinh thì mới đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa tới 10 km theo đường chim bay.
Bộ máy đồng hồ trước vòm mái cách mặt đất chừng 15 m, giữa hai tháp chuông được chế tạo tại Thụy Sĩ năm 1887, hiệu R.A, cao khoảng 2,5 m, dài khoảng 3 m và ngang độ hơn 1 m, nặng hơn 1 tấn, đặt nằm trên bệ gạch. Dù thô sơ, cũ kỹ nhưng hoạt động khá chính xác. Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có một chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ reo trong gia đình. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, có thể biết đồng hồ lớn chạy chậm, nhanh, đúng hay sai giờ. Mỗi tuần phải lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây đồng hồ giống như tay quay máy xe. Đồng hồ còn có hệ thống chuông riêng, tuy nhiên đã không còn hoạt động do dây cót quá cũ.
Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (mà hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ tiếng Latin:
REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX (Nữ vương Hoà bình - Cầu cho chúng tôi - 17/02/1959). Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc, chứa những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da và đồng, được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng ngoài miền Bắc.