Gương điển hình

Chuyện chưa kể về Đức cha Phụ tá TGP. TPHCM

Cập nhật lúc 10:19 02/03/2017
Hiền lành, khiêm nhường, hết mình vì công việc… là điều chúng tôi được nghe nhiều từ những người từng tiếp xúc và làm việc với ngài.

     Ngồi hầu chuyện với Đức cha ngày cuối năm, ký ức về thuở ấu thời cũng như quá trình tu học nhiều thăng trầm của ngài đã có dịp được gợi nhắc, hồi tưởng, dù thời gian trôi qua đã khá lâu…

     Năm 1968, với bộ quần áo cũ nhèm và hành trang đơn sơ, cậu bé Hùng mới 11 tuổi từ biệt gia đình để thi vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn, khởi đầu con đường theo Chúa phục vụ tha nhân. Nhiều người nghĩ, đó chỉ là ước mơ nhất thời của một thiếu niên. Nhưng không, lòng hăng say của cậu cứ ngày một lớn dần và đã hun đúc nên vị chủ chăn sau này: Giám mục Phụ tá TGP.TPHCM - Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng.

     Khóa học năm ấy có 61 Tiểu Chủng sinh, nay còn 4 người bền đỗ ơn gọi. Nhắc lại thời tuổi trẻ hồn nhiên, người quen luôn nhớ tới cậu bạn hòa đồng, nhanh nhẹn, hay pha trò, nhưng nổi tiếng là mọt sách và học chăm. Cha G.B Vũ Mạnh Hùng, chánh xứ Hà Đông, hạt trưởng hạt Xóm Mới - một người bạn rất thân của Đức cha Phụ tá vì cả hai vào Chủng viện cùng một ngày; sát vai nhau trong học tập, tu luyện cũng như thể luyện cho đến ngày chịu chức linh mục - khi nói về người bạn chí cốt nhiều năm đã chốt lại: “Ngài rất ham học, những khi thảnh thơi lúc nào cũng thấy vùi đầu vào cuốn từ điển, xong lại quay ngay qua môn khác. Có lẽ đó là cách Đức cha bù lại cho khởi điểm là sức học của mình vốn không quá nổi trội. Nên kiến thức ngài gặt hái được chính từ sự tìm tòi, khổ luyện, và điều đó sẽ giúp Đức cha rất nhiều trong việc cập nhật đời sống giáo dân”.


Yết kiến Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.

     Năm 1976, ngài lên học Đại Chủng viện. Trong thời kỳ mà đất nước còn khó khăn tư bề thì sau cánh cửa Chủng viện cũng không ngoại lệ. Thầy Hùng cật lực lao động để cùng anh em chủng sinh sinh nhai bằng việc làm lốp xe đạp. Được một thời gian, khoảng năm 1978, do không thể cạnh tranh nên tổ hợp lốp xe phải giải thể, lại chuyển sang làm hợp tác xã mây tre lá Bạch Đằng. Công việc hằng ngày của các thầy là phơi lá buông, khô thì mang vô rồi dùng tay xé thành sợi nhỏ để các dì Phaolô đan thành các vật dụng. “Khi đó sợ nhất những lúc mưa bất chợt vì phải chạy vội ra thu lại, nếu không lá dính phải nước là ẩm mốc, hư hại”, Đức cha vui vẻ kể lại câu chuyện trong ngày cũ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà giờ đây, trong những lúc thân tình, các bạn xưa đôi lúc trêu chọc ngài bằng cái tên thân mật: Giám mục lá buông. Đức cha bảo, những ngày tháng ấy cũng có những giá trị nhất định cho đời tu, vì chính khoảng thời gian lao động vất vả đã giúp đào luyện cho mình kỹ năng chịu khó, đối mặt với áp lực công việc sau này, ở nhiều cương vị.

Đức Giám mục Phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng sinh ngày 15.9.1057, lớn lên tại giáo xứ Sao Mai, TGP. TPHCM. Ngài là con út trong một gia đình có sau anh chị em, ba trai, ba gái có gia đình đang sống ở Sài Gòn (một ở giáo xứ Tân Phú và một ở Tân Đông). Người anh thứ 5 là linh mục Laurensô Đỗ Hữu Chỉnh đang coi sóc xứ Xây Dựng - hạt Chí Hoà, TGP. TPHCM. Theo lời các thành viên trong gia đình, từ nhỏ cậu út đã có lòng yêu mến Chúa nồng nàn, siêng năng trong các giờ kinh, dự lễ. Hồi ở chủng viện, sinh hoạt ngoài giờ ngài thích nhất là chơi thể thao, trong đó đặc biệt “nghiền” môn bóng rổ. “Ngày biết tin cậu út được phong Giám mục, cả dòng họ rất hãnh diện và tự hào”, bà Hường - chị gái Đức cha chân thành tiết lộ. Ngày lễ tấn phong cũng là dịp sau hơn 30 năm, 6 anh chị em mới đoàn tụ đông đủ.

     Trong 26 năm linh mục, chỉ một thời gian ngắn ngài phục vụ giáo xứ (phụ tá xứ Chợ Đũi từ năm 1990 - 1993), còn lại phần lớn Đức cha gắn bó cùng ngôi nhà Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: làm cha giáo, cha Tổng linh hướng, cha Phó Giám đốc…, trước khi được bề trên bài sai về Tòa Tổng Giám mục rồi tấn phong Giám mục Phụ tá TGP.TPHCM. Trong mắt các chủng sinh, ngài là người cha hiền lành, nhiệt tâm, không bao giờ lớn tiếng. Vậy nên ngài được xem vừa là thầy, vừa là người anh, người bạn đồng hành. Nhiều cha từng là học trò Đức cha Hùng nhận xét, trong công việc Đức cha có hai điểm đáng quý: là mẫu người làm việc tận tâm, hết mình trong mọi chuyện lớn nhỏ; rất chuyên sâu trong đào tạo linh mục, đào tạo ra nhân sự cho việc truyền giáo. “Chính những ưu điểm đó, cộng đức tính khiêm nhường, nhẫn nại đã giúp anh em chủng sinh học hỏi nhiều điều, đồng thời tạo nên một cộng đoàn yêu thương ở trong chủng viện”, cha Martinô Trần Đình Khiêm Ái, học trò khóa 10, TGP.TPHCM tỏ bày về người thầy cũ của mình.
 

Đức cha Giuse và người anh đầu, ngày ngài còn học Tiểu Chủng viện. Người cháu Đức cha đang bế là cha Phaolo Vũ Đỗ Anh Khoa.

Ngoài hình ảnh là người của công việc, Đức cha Giuse còn sống giàu tình cảm. Bận rộn nhiều nhưng hễ có nơi mời dâng lễ, ngài đều nhận lời và ít khi cho mình thời gian nghỉ ngơi. Lớp Tiểu Chủng sinh ngày trước hằng năm vẫn dành đôi ba lần họp mặt, thu xếp được là ngài đến góp vui cùng anh em, gặp gỡ thăm hỏi thân tình… Đôi chân người mục tử cứ vậy tiến bước để làm dày thêm cho mình hành trang dấn thân, mưu ích cho đời sống thiêng liêng của mọi người, cho sự phát triển của Hội Thánh...Còn về phía gia đình, trong dòng hồi tưởng, bà Đỗ Thị Hường - chị ba của Đức cha Giuse - luôn nhớ đến hình ảnh người em út từ nhỏ đã đạo đức, lễ phép, không bao giờ kêu ca chuyện ăn mặc; dù có chút nhõng nhẽo nhưng là người con, người em ngoan nhất nhà nên được lòng tất cả mọi người. Những tháng hè nghỉ học Chủng viện trở về, dù luôn tay phụ việc gia đình nhưng ngài vẫn dành nhiều thời gian trong ngày để bồi dưỡng thêm đời sống tu đức. Với các cháu thì Đức cha là người cậu, người chú tuyệt vời. Nhất là vào dịp Tết, ngài dành một buổi quy tụ tất cả lại thăm hỏi, chuyện trò, căn dặn như một người bạn để các cháu biết sống tốt hơn. Bà Hường có 8 người con, người con đầu Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa cũng theo cậu út chọn đường ơn gọi. Cha thuộc khóa 5 Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, hiện phụ trách lớp chủng sinh dự bị tại Trung tâm Mục vụ.

Nói về đường ơn gọi của mình, Đức cha luôn xác định: “Ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa, như Tin mừng Thánh Gioan đã nói: Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con (Ga 15, 16). Nên khởi đi đó là một mầu nhiệm”. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải kể đến cái nôi hình thành nên tính cách một con người, đó là gia đình. Với Đức cha Giuse cũng vậy, ngài chia sẻ: “…Tôi lớn lên trong một gia đình hăng say việc nhà Chúa, cha mẹ là tấm gương về sự đạo đức. Anh em chúng tôi luôn được dạy sống yêu thương, đi lễ phải trang nghiêm, sạch sẽ, sau lễ đừng về vội mà ở lại cám ơn Chúa... Những việc tuy nhỏ nhưng dần hình thành nên ý thức trong tôi. Hơn nữa, tôi có một linh mục bác họ là cha Nicola Vũ Gia Đệ - giáo sư Tiểu Chủng viện. Thỉnh thoảng, ngày Chúa nhật, ba vẫn chở lên Chủng viện để thăm bác và anh trai tôi cũng đang tu học tại đây. Khi đó, nhìn thấy bầu khí Chủng viện vui tươi, đầy tình thương, càng thúc giục tôi đi tu…”.

VÕ QUỚI

Thông tin khác:
Một tiền chủng viện tuyệt vời (03/03/2017)
Bài học từ bà mụ đỡ đẻ làng An Tiêm cho một Giám mục (07/03/2017)
Sơ Mary Joan Njeri, bác sĩ phụ sản, hết lòng chăm sóc phụ nữ nghèo khổ (07/03/2017)
Tìm vui từ việc góp sức cho đời (06/03/2017)
Nghĩa trang thai nhi “lớn nhất” miền Bắc (02/03/2017)
Một nhà tư tưởng lớn có tư duy vượt thời đại (01/03/2017)
Người mục tử với công tác xã hội (21/02/2017)
Vị Giám mục của hòa giải (06/02/2017)
Đưa niềm vuiđến với người nghèo (23/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log