Ngày ít thì 20, ngày nhiều thì 40, đến nay, nghĩa trang thai nhi của giáo họ Bến Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã thu nhặt, chôn cất gần 5 vạn sinh linh bé nhỏ không may mắn được chào đời.
Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, chúng tôi không chỉ khâm phục nghĩa cử cao đẹp của những giáo dân trong giáo họ này mà còn bàng hoàng trước con số khủng khiếp của vấn nạn nạo phá thai dù chỉ giới hạn trong một vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Một góc nghĩa trang Đồi Cốc (ảnh: Xuân Hải). Giữ hàng trăm bào thai trong nhà
Từ quốc lộ 2, tôi không khó khăn gì để tìm đường về thôn Bến Cốc bởi sự nổi tiếng của nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở miền Bắc. Khi tôi đến nơi thì ông chánh trùm Tôma Nguyễn Văn Thạo đang bận rộn với công việc xây dựng nhà thờ của giáo họ.
Tranh thủ lúc tốp thợ nghỉ trưa tránh nắng, ông Thạo dắt tôi về ngôi nhà năm gian của ông, cũng là nơi đầu tiên lưu giữ hàng trăm bào thai khi những giáo dân có tấm lòng nhân từ chưa xin được đất để thành lập nghĩa trang cho các bé.
Vừa rót nước mời khách, ông Thạo nhẩn nha: "Nói thật với anh, chúng tôi là người theo đạo nên luôn mơ ước làm những việc bác ái, nhân từ để xứng là con ngoan của Chúa. Sự bác ái mà chúng tôi làm nếu đem khoe ra với người ngoài thì theo quan niệm của người trong đạo sẽ không được ơn của Chúa lắm. Làm việc thiện thì chỉ người làm và Chúa biết mà thôi".
Cũng đúng như lời ông chánh trùm vừa nói, nghĩa trang thai nhi của giáo họ thôn Bến Cốc dù được thành lập cách đây 5 năm và cứu rỗi được linh hồn hàng vạn cháu bé không có may mắn được chào đời thế nhưng hoạt động bác ái này gần như chưa từng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những người ngoài họ, ngoài xóm biết đến nghĩa trang đặc biệt này thì đều chỉ qua thông tin truyền miệng. Có lẽ tôi là một người may mắn khi được ông chánh trùm đồng ý cung cấp các thông tin về hoạt động bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc với mong muốn gióng lên một hồi chuông báo động về vấn nạn nạo phá thai đang diễn ra ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện nay.
Câu chuyện của ông Thạo bắt đầu vào một ngày đầu năm 2007, khi nghe đài báo nói về vấn nạn nạo phá thai ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là những cháu bé không có cơ may được chào đời đó lại bị đang tâm vứt bỏ vào thùng rác, ông Thạo cùng nhiều giáo dân giáo họ Bến Cốc thực sự cảm thấy đau xót và nhận thấy cần phải làm một việc gì đó để làm dịu bớt sự nhức nhối âm ỉ trong tim mỗi người.
Được sự giúp đỡ tận tình của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, nhóm bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc đã hình thành và bắt đầu đi thu nhặt những bào thai đầu tiên bị vứt bỏ ở khu vực bệnh viện hay những phòng khám phụ khoa để mang về làm lễ và chôn cất.
Bằng giọng trầm buồn, ông Thạo chia sẻ: "Với giáo dân chúng tôi, thân xác một con người phải được tôn trọng ngay từ khi được hình thành trong bào thai. Nạo phá thai chính là giết người. Nếu ai cũng làm thế thì làm sao nòi giống loài người phát triển được. Với một người Công giáo mà phạm vào tội ác như thế thì phải sám hối cả đời may ra mới được Chúa tha thứ.
Xuất phát từ lời kêu gọi lòng nhân từ, sự bác ái của Giáo hội, chúng tôi đã bàn với nhau đi thu nhặt các bào thai bị nạo bỏ ở các bệnh viện và các phòng khám về để chôn cất. Công việc thu nhặt thì rất suôn sẻ, chỉ trong vài ngày chúng tôi đã mang về được gần một trăm bào thai. Tuy nhiên việc xin đất để chôn các cháu thì lại gặp khó khăn như núi ngáng đường".
Thời điểm đó, khi các giáo dân giáo họ Bến Cốc đi thu nhặt hài nhi thì nhiều người ngoài đời nhìn họ với con mắt vừa ngạc nhiên vừa không thiện chí. Họ cho rằng đó là việc làm rỗi hơi, chẳng đem lại lợi ích gì thiết thực, thậm chí còn sợ rằng việc nhặt các bào thai ở khắp nơi về có thể mang theo nhiều loại bệnh dịch làm nguy hại đến cuộc sống cộng đồng.
Bất chấp mọi lời đàm tiếu của thiên hạ, ông Thạo và các giáo dân vẫn cần mẫn đi thu nhặt bào thai và liên tục đề nghị với chính quyền địa phương và giáo họ để xin đất làm nghĩa trang chôn cất các bé. Các bào thai nhặt về được nhóm bảo vệ sự sống làm vệ sinh sạch sẽ rồi cuốn trong những vuông vải trắng.
Sau khi được bọc thêm một lớp ni lông bào thai được đặt trong niêu đất với miệng niêu được trát kín. Với những bào thai lớn thì để riêng một niêu, còn những bào thai nhỏ thì một niêu để chung mấy bé. Khi chưa xin được đất làm nghĩa trang, ông Thạo đã phải để riêng một gian buồng nhỏ chừng 6m2 để giữ các bào thai. Chiếc giường tre chắc chắn của ông chánh trùm chỉ sau một thời gian ngắn đã oằn cong trước sức nặng của hàng trăm chiếc niêu đất.
Đến lúc tưởng chừng như căn buồng nhỏ không còn chứa nổi thai nhi nữa thì giáo họ Bến Cốc đã quyết định dành một góc nghĩa trang của dòng họ làm nơi yên nghỉ cho các cô cậu bé bất hạnh. Đất thì ít mà bào thai thì nhiều, những giáo dân phải đào huyệt rất sâu xuống lòng đất để có thể xếp được nhiều nhất các tiểu.
Thay vì dùng niêu đất, để có thể tiết kiệm diện tích hơn nữa, ông Thạo mua về những chiếc tiểu to để có thể xếp được mấy chục bào thai vào một chiếc. Hiện tại, một huyệt đào được xếp từ 500 - 700 bào thai. Thời gian đầu, ông Thạo và các giáo dân phải bỏ tiền túi ra để mua vải, mua niêu đất và các vật dụng phục vụ cho việc an táng các bé. Thời gian sau, khi nghĩa trang được hình thành, cũng có nhiều người mộ đạo, có lòng bác ái đã san sẻ một phần vật chất để các bé được yên nghỉ nơi đất thánh.
Những con số kinh hoàng
Tạm dừng câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thạo bấm điện thoại gọi cho mấy người phụ nữ tích cực nhất trong nhóm bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc. Sau khi nghe thông tin từ các bà, giọng ông chùng xuống: "Các bà ấy bảo dạo này trung bình một ngày thu nhặt được không dưới 30 bào thai. Sáng nay, đến thời điểm này đã có hơn chục bào thai được đưa về nghĩa trang. Trời nắng nóng oi bức thế này, nghe con số đó tôi thấy đau đầu lắm. Đấy mới chỉ là con số trong một phạm vi hẹp xung quanh địa phương chúng tôi, nếu thống kê trên toàn quốc thì không hiểu con số nạo phá thai sẽ là bao nhiêu nữa. Thật kinh khủng!". Ông Nguyễn Văn Thạo với những thai nhi vừa được nhặt về.
Theo chân ông Thạo, chúng tôi ra thăm khu nghĩa trang bào thai độc nhất vô nhị ở miền Bắc. Đây cũng chính là khu yên nghỉ ngàn thu của những người con được trở về với Chúa của giáo họ Bến Cốc.
Nằm ở phía trong cùng của nghĩa trang là khu vực dành cho các bé. Dẫn chúng tôi thẳng vào gian nhà gạch tuềnh toàng không cửa nẻo, mái lợp tôn xi măng với cây Thánh giá vút lên trời cao, ông Thạo bảo: "Những bào thai được mọi người nhặt về đều được để tại đây chờ đến tối thì làm lễ và đưa vào tiểu sành".
Trong không khí oi bức đến ngạt thở , vừa bước chân vào gian nhà gạch, tôi bỗng choáng váng bởi một mùi tanh nồng xộc thẳng vào mũi. Như đã quá quen với mùi tanh này, ông Thạo không thể hiện sự khó chịu nào mà tiến thẳng tới mấy cái túi bóng màu đen ngoắc trên thành cửa sổ.
Dù đã biết trước đây là những bọc thai nhi được các giáo dân nhặt về nhưng tôi cũng không khỏi rùng mình, sởn gai ốc khi ông chánh trùm nhanh nhảu cởi nút chiếc túi bóng để nhà báo được tận mục sở thị.
Bọc đầu tiên ông Thạo mở ra thấy lõng bõng nước và lổn nhộn một vài vật chất màu đỏ với mùi tanh khó tả. Ông Thạo nhận xét: "Cháu này chưa được 2 tháng trong bụng mẹ" rồi lại nhanh tay gói ghém lại như cũ. Bọc ni lông thứ 2, sau khi nhấc thử để đo trọng lượng, ông Thạo cho rằng bọc này phải có ít nhất 3 bé rồi thoăn thoắt mở ra.
Lần này tôi chỉ nhìn qua loa chứ không đủ can đảm để nhìn kỹ như lần trước. Vẫn một mùi tanh không chịu nổi. Giọng ông chánh trùm vông vênh trong bầu không khí đặc quánh: "Tận 5 cháu. 3 cháu bé bằng cái chén, còn 2 cháu thì nhỉnh hơn một chút".
Nhấc tiếp bọc ni lông thứ 3 xuống, sau khi sờ nắn bên ngoài túi ông Thạo đoán định: "Đây chắc chắn là một cháu lớn vì nặng lắm. Cháu này chắc chắn đã có đủ tay chân". Thấy ông dợm tay mở nút buộc, tôi vội vàng ngăn lại. Quả là tôi không còn đủ dũng khí để chứng kiến những hình ảnh đau lòng đang phơi bày ra trước mắt mình thêm nữa.
Nâng niu từng bọc ni lông treo lên chỗ cũ, ông Thạo buồn bã: "Đây chỉ là một phần rất nhỏ những gì chúng tôi phải chứng kiến suốt nhiều năm qua. Tôi là đàn ông mà có lúc cũng thấy rủn người vì những tội ác quá kinh khủng do chính con người làm ra. Thỉnh thoảng chúng tôi nhặt được những bào thai đã lớn, có đầy đủ chân tay nhưng không hiểu sao bị người ta dằm nát đầu, mặt, mắt lồi ra, chân tay cũng đứt lìa rất thảm thương. Nếu không có tấm lòng mộ đạo và sự hy sinh thì chẳng ai có thể làm nổi những công việc mà chúng tôi đang làm".
Chỉ tay sang phía bên phải cửa ra vào, ông Thạo cho tôi xem những bọc thai nhi đã được những người phụ nữ trong giáo họ làm vệ sinh sạch sẽ, gói trong khăn trắng và túi ni lông màu hồng. Theo lời người trưởng trùm thì những bọc thai nhi này đến tối sẽ được xếp gọn gàng vào các tiểu sành. Khi nào tiểu sành đầy thì sẽ được trát kín miệng bằng xi măng.
Đến khi số lượng tiểu sành đủ để xếp kín một lớp bề mặt huyệt thì các thanh niên trong họ sẽ bật nắp huyệt lên để xếp tiểu vào. Các cháu là những người vô danh, song theo nghi thức của người Công giáo, các cháu đều được những người chôn cất làm phép rửa và tuần tiết đến hương nến cho.
Lời đau khổ của những người mẹ tội lỗi
Theo chân ông trùm chánh, tôi quay ra nơi đài Đức Mẹ Maria ở chính giữa nghĩa trang. Qua lời giới thiệu của ông trùm, tôi giật mình sửng sốt khi biết được ở dưới móng của khu đài này là hàng ngàn bào thai được đào sâu chôn chặt trong các niêu đất trong thời gian đầu nhóm bảo vệ sự sống đi thu nhặt.
Bước lên phía hòm công đức để đóng góp một chút tấm lòng cho các bé, tôi cứ thấy chông chênh khi nghĩ rằng mình đang bước trên hàng ngàn sinh linh bé nhỏ. Dưới mỗi ô gạch men này là hàng trăm bào thai đang đắm chìm trong giấc ngủ ngàn thu. Ở hàng gạch thứ 3 phía góc phải của khu tượng đài, tôi thấy thay vào một ô gạch là một tấm bia đen có dòng chữ "Gioan Lê Quang Minh về nhà cha ngày 4/11/2009 tức 18/10 Kỷ Sửu".
Ông Thạo cho biết, bé Minh là một trong số rất ít các trường hợp được có tên, tuổi khắc trên bia đá do mẹ của bé chủ động đem bé gửi vào nghĩa trang sau khi nạo thai. Còn lại hầu hết các bé khác đều vô danh vì được các giáo dân nhặt về và không biết được mẹ bé là ai.
Theo quan sát của chúng tôi thì toàn bộ nghĩa trang với số lượng gần 5 vạn bào thai này thì chỉ có khoảng 10 bé là có tên tuổi được khắc trên bia. Ngoài bé Lê Quang Minh ra tôi còn đọc được tên các bé Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Mai Huyền, Hoàng Bình Minh, Đặng Việt Anh… - những cái tên đều rất đẹp nhưng chưa bao giờ các bé được nghe ai gọi tên mình bởi ngày sinh cũng chính là ngày mất được khắc trên bia mộ.
Trong số các tấm bia hiếm hoi trong nghĩa trang bào thai, tôi đặc biệt ấn tượng với 2 tấm bia ghi tên Maria Bé Đỏ và Anna Đào Thị Đỏ. Bé Đào Thị Đỏ quê Bình Lục, Hà Nam vừa được mẹ gửi vào đây ngày 3.4.2012. Có lẽ những đứa con còn đỏ hỏn trong bào thai không có phúc phận làm người đã khiến cho những người mẹ trẻ dùng chính đặc điểm ngoại hình để đặt tên cho bé. Cái tên càng làm đau lòng thêm những giáo dân thiện lương nơi Bến Cốc.
Ngay dưới chân bức tượng Đức Mẹ Maria, chúng tôi thấy có một cuốn sổ lưu niệm ghi những lời tri ân đặc biệt với Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt. Ngoài ra, cuốn sổ còn chứa nặng những tâm tư của các giáo dân và du khách thập phương thương tiếc các em và phó mặc vào sự nâng đỡ của Mẹ Maria.
Đặc biệt, trong những dòng chữ đầy nước mắt đó còn có lời tâm sự của chính những bà mẹ trẻ đã trót nạo, phá thai, giết hại con mình rồi ân hận, day dứt trong những tháng ngày sau đó. Đây là tâm sự nghẹn ngào của một người mẹ trẻ như thế:
"Sáng 27/9/2011. Hôm nay sinh nhật Bin Mẹ à (người mẹ nói với Đức Mẹ Maria - PV)! Mẹ hãy cho Bin một ngày thật vui vẻ Mẹ nhé. Mẹ ơi, con làm thế có đáng không Mẹ, con có quá đáng tàn nhẫn không Mẹ. Nhưng sự thật phũ phàng con vẫn phải chấp nhận. Con luôn thấy hối hận, con thấy áy náy lắm. Bây giờ con rất cần một lời khuyên. Con muốn mượn bờ vai của ai đó để dựa. Mẹ nói cho con biết con phải làm sao hả Mẹ. Con bối rối quá. Có phải thực sự con đã mất Bin không, con đã không còn Bin nữa à? Mẹ nói gì đi? Bin sẽ không thực sự rời khỏi cuộc sống của con chứ Mẹ. Bin sẽ còn mãi trong tay con chứ Mẹ nhỉ?!"
Và đây là nỗi niềm của một người mẹ khác: "Vậy là đã 1 năm con rời xa mẹ rồi Bông nhỉ! Mẹ thật có lỗi khi đã đối xử với con như thế. Nhưng mẹ không thể làm gì khác, Bông có hiểu cho mẹ không? Mẹ cũng từng mong muốn Bông được sinh ra đời để mẹ được chăm bẵm con, yêu thương con, nhìn thấy con trưởng thành và hạnh phúc.
Nhưng cuộc đời thật chớ trêu, mẹ đã không thể giữ con lại cũng như giữ những giấc mơ thật đẹp của mình. Mẹ gửi con vào vòng tay của Đức Mẹ để mong con sớm tha thứ cho người mẹ tội lỗi này. Sẽ chẳng bao giờ mẹ quên được Bông cả dù mẹ chưa có niềm hạnh phúc được nhìn rõ mặt con. Mong con yên nghỉ bình yên trong niềm yêu thương của Chúa!".
Dứt khỏi những dòng chữ đầy ám ảnh đó, tôi trở lại với câu chuyện của ông trùm chánh giáo họ Bến Cốc. Được biết khó khăn nhất bây giờ đối với những người bảo vệ sự sống nơi nghĩa trang thai nhi không phải là kinh phí để an táng cho các cháu mà là quỹ đất của nghĩa trang.
Với con số bào thai đang tăng lên với tốc độ chóng mặt từng ngày, ông Thạo lo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn tới, các giáo dân lại phải bật nắp các ngôi mộ cũ lên để đào sâu xuống lòng đất hơn nữa những mong xếp thêm được những thai nhi vẫn không ngừng tìm về an nghỉ.
Chia tay giáo họ Bến Cốc, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở đến nhức nhối trước vấn nạn nạo phá thai đang gia tăng mạnh mẽ. Ông Thạo chỉ mong rằng, một ngày nào đó khi nhà báo trở lại Bến Cốc sẽ thấy ông thảnh thơi lo việc thánh mà không còn tất bật đón nhận những thai nhi.
DĐ