Gương điển hình

Mái ấm Nhân Ái - "phép màu" của tình yêu thương

Cập nhật lúc 10:03 15/11/2017
Với mỗi gia đình việc nuôi dạy 1 hoặc 2 đứa con khôn lớn, nên người đã là điều khó nhọc, nhưng ở Mái ấm Nhân Ái thuộc Thôn Thống Nhất, Xã Cam Phước Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa. Những nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh giá Nha Trang đang là mẹ của 117 đứa trẻ mồ côi, các sơ (soeur) lo từng bữa ăn, giấc ngủ và dạy dỗ các em nên người. Nhiều người đã xem đó như là một phép màu và với các sơ phép màu đó chính là tình thương yêu. 

Dòng Mến Thánh giá Nha Trang có 487 nữ tu, hoạt động công tác mục vụ trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, phụ trách làng phong Cam Tân, xây dựng nhà tình thương...và nhiều hoạt động bác ái xã hội khác. Cơ sở Mái ấm Nhân Ái được thành lập vào năm 1995, do các nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh giá Nha Trang điều hành, khi các sơ đến miền đất này để giúp giáo xứ, nhận thấy nhiều trẻ em có hoàn cảnh đáng thương cần được trợ giúp nuôi dạy. Các em mồ côi, bị bỏ rơi, tàn tật, các em có hoàn cảnh khó khăn như cha mẹ ly hôn phải lang thang kiếm sống. Tình thương của người mẹ hiền như phép màu, là động lực giúp các sơ quên hết những gian khó, đi tìm và quy tụ các em lại thành lớp để chăm sóc nuôi dạy. 
 
Các em mồ côi tại Mái ấm Nhân Ái. Ảnh: CTV
Các em mồ côi tại Mái ấm Nhân Ái. Ảnh: CTV

Những thao thức, những trăn trở ban đầu, làm sao để các em được đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác? Làm sao các em có chỗ ăn, chỗ nghỉ để ổn định cuộc sống? Và phải làm sao để các em có được một tương lai tươi sáng? Điều đó đã đi vào tâm tư, quyện vào những lời kinh nguyện hàng ngày của các sơ. Chúa đã thương và chúc lành. Mái ấm hình thành theo ước nguyện. Bắt đầu chỉ là một cơ sở nhỏ với 9 trẻ em mồ côi, nhưng giờ đây mái ấm đã đón nhận 117 em, trong đó có 3 cụ già không nơi nương tựa. 

Nơi đây đã trở thành gia đình thực sự của tất cả các em, các em được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, được khám sức khoẻ định kỳ, khi đến tuổi các em được đi học phổ thông, những em thiểu năng được các sơ dạy kèm tại cơ sở. Ngoài những buổi chính khóa tại các trường, ngay tại mái ấm Nhân Ái những lớp học tình thương luôn được các sơ tổ chức đều đặn, các em được học giáo lý, học văn hóa, học đàn, học cắm hoa, học nghề vào mỗi dịp hè. 

Qua 22 năm hoạt động, Mái ấm đã giúp rất nhiều em trưởng thành để vào đời, trong đó có 7 em hiện đang là sinh viên đại học, 57 em học từ cấp 1 đến cấp 2, 14 em mẫu giáo, 20 em từ 2-4 tuổi và 10 em sơ sinh. Sự thành công ấy bắt đầu từ những tháng ngày được nuôi dạy trong tình yêu thương, sự gắn kết của các sơ, tình thương yêu ấy chính là yêu thương giữa cha mẹ dành cho con cái mình.

Chăm lo cho gia đình Mái ấm, lại thêm nhiều công việc xã hội. Chi phí cho mọi sinh hoạt phần lớn nhờ công sức lao động của cả cộng đoàn, cộng đoàn đã cùng với các em lao động. Làm ruộng, gia công sản phẩm từ mây tre lá góp thêm thu nhập, máy lọc nước tinh khiết Thiên Thảo, phục vụ cho dân trong địa phương cũng đem lại chút ít lợi tức. Cơ sở tạo thêm công ăn việc làm cho người nghèo trong vùng, các ân nhân cũng thương giúp đỡ nên Mái ấm đã đem lại nhiều lợi ích cho người nghèo. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều nơi tìm đến gởi các em bất hạnh. Các bệnh viện gọi đến nhận bé mới sinh vừa bị mẹ bỏ rơi. Các người mẹ trẻ lầm lỡ cũng tìm đến để dưỡng thai rồi sinh nở “mẹ tròn con vuông” trong tình thương của các sơ.

Những việc làm của các sơ trong mái ấm Nhân Ái đều xuất phát từ tinh thần thiện nguyện. Cũng chính vì thế mà có rất nhiều người, mỗi lần đến với mái ấm đều thấm thía về điều kỳ diệu của tình yêu thương và mong muốn được cùng đồng hành giúp đỡ các em, muốn san sẻ với những mảnh đời bất hạnh.

Không chỉ mái ấm Nhân Ái, các sơ thuộc Dòng Mến Thánh giá Nha Trang còn chăm sóc, nuôi dưỡng 40 em khuyết tật, bệnh Down tại cơ sở Mái Ấm Hy Vọng thuộc thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa); có 7 sơ đang phục vụ khoảng 30 gia đình bị bệnh phong và bà con dân tộc thiểu số và khoảng 100 em ở độ tuổi từ 4-10 tuổi được các sơ chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học tại cơ sở Làng Phong Xã hội Cam Tân, ngoài ra Dòng Mến Thánh giá Nha Trang hằng năm cũng đã thăm viếng các gia đình neo đơn, tàn tật, nghèo khó và đầu tư xây dựng các cơ sở nêu trên nhiều tỷ đồng.
 
Các em khuyết tật tại cơ sở Mái ấm Hy Vọng. Ảnh: Quốc Tuấn
Các em khuyết tật tại cơ sở Mái ấm Hy Vọng. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong mái nhà chung, các em nhỏ luôn được các sơ nhắc nhở về sự sẻ chia, sẻ chia với tấm lòng yêu thương để không còn những mảnh đời bất hạnh, giáo lý của các sơ - những người mẹ của những trẻ em mồ côi cũng đang được nhiều người làm theo. Những đứa trẻ mồ côi, đang tiếp tục lớn lên trong tình thương yêu của các sơ, như những người mẹ hiền, như phép màu của cuộc đời các em… 
 
Đỗ Hoa
Thông tin khác:
Giáo xứ Hoàng Mai: Chăm sóc quý cụ cao niên (14/11/2017)
Mái Ấm Thiên Ân: Nơi nương náu của các cụ già (10/11/2017)
Vị tử đạo tiên khởi thời hiện đại của Công giáo Ấn Độ (09/11/2017)
Khám bệnh từ thiện tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Mỹ Tho (08/11/2017)
Thánh Đaminh Henares (07/11/2017)
Nhà sáng nghiệp Việt Nam đương đại (06/11/2017)
Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi (03/11/2017)
Nhà sáng lập Việt Nam đương đại (02/11/2017)
“Ông ngoại” của xứ đạo quê (31/10/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log