Thánh Đaminh Henares (1765-1838). |
Lúc nhỏ, ngài đã có tiếng là đạo hạnh và ngoan hiền. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Đaminh ở Grenade và đến năm 1783 được khấn trọng thể. Nhưng với niềm mơ ước được đi truyền giáo cho dân ngoại, Henares lại xin gia nhập dòng Mân Côi. Ngày 21/7/1587, ngài và 15 anh em trong dòng lên đường sang Philippine. Đây là những vị tiền bối đã xây dựng nên dòng Rất Thánh Mân Côi Manila. Sau một thời gian thử thách, thầy Henares được thụ phong linh mục. Cha được dòng cử sang truyền giáo ở Trung Quốc và Việt Nam ngày 20/9/1789 và đến ngày 19/10/1790, cha Henares đã đặt chân lên Việt Nam.
Cha học tiếng Việt khá nhanh và 6 tháng sau đã bắt đầu làm việc. Cha được giao phụ trách chủng viện Tiên Chu (Hưng Yên), giảng dạy Latinh và huấn luyện nhân đức cho các chủng sinh. Do năng lực và cả nhiệt huyết, cha Henares được cử là cha chính địa phận, Bề trên các dòng tu trong địa phận này. Ngày 9/9/1800, Đức Pio VII đã bổ nhiệm cha làm Giám mục phó địa phận Đông Đàng Ngoài. Khi đó cha mới 35 tuổi và ở Việt Nam được 10 năm. Với lòng khiêm tốn, cha đã chối từ nhưng Bề trên dòng thuyết phục nên cha đã vâng phục. Do đi lại khó khăn thành ra hai năm sau sắc phong của cha mới đến nơi và ngày 9/2/1803 lễ tấn phong Giám mục của cha mới được tổ chức ở Phú Nhai (Bùi Chu).
Dưới thời vua Gia Long, Giáo hội Công giáo hoạt động tương đối thuận lợi. Ngài có thể lo triển khai các công việc bác ái như lập nhà chế biến thuốc giúp đỡ người nghèo bị bệnh. Đi đâu, Đức cha cũng có túi thuốc để khám và phát thuốc cho bệnh nhân. Cũng nhờ vậy, mà có lần Đức cha bị kẻ cướp bắt nhưng khi giật túi thuốc của Đức cha, dao kéo kim loại rơi ra, tưởng vàng bạc tranh nhau thành ra Đức cha có cơ hội trốn thoát. Đến khi vua Minh Mạng lên ngôi, bầu khí sinh hoạt tôn giáo khó khăn hơn. Lo lắng cho tính mạng của các ngài, giáo dân đã đưa các ngài từ Tiên Chu, Hưng Yên về làng Kiên Lao, Nam Định để trốn cùng với Đức cha Ignacio Delgado. Nhưng chỉ một ngày sau, Đức cha Delgado bị bắt, ngài chạy trốn sang làng Trung Thành rồi chạy qua nhiều làng khác nữa. Ngày 9/5/1838, ngài bị bắt cùng với thày Chiểu và được giải về phủ Xuân Trường.
Quan phủ nghe tiếng và thấy phong cách của ngài nên cũng đối xử mềm mỏng, kính trọng nhưng họ cũng buộc phải đóng cũi, giải ngài về Nam Định để xét xử theo thẩm quyền. Đi qua cổng thành Nam Định, thấy có một Thánh giá đặt ở lối đi, thày Chiểu đã vác Thánh giá lên liền bị quân lính đánh rất dã man nhưng thày không chịu bỏ. Lúc đó, cũi giải Đức cha Delgado cũng vừa tới. Ngài hân hoan hỏi thăm sức khỏe Đức cha Delgado. Cả hai vị cùng chúc nhau cùng giữ vững đức tin để làm chứng nhân cho Chúa. Ngài và thày Chiểu bị thẩm vấn rất lâu và bắt ký biên bản. Vì trong biên bản có ghi ngài theo “tả đạo” và dạy dỗ dân chúng “lầm lạc, u mê” nên Ngài và thày Chiểu nhất định không ký. Cuối cùng quan phải sửa là ngài theo đạo Chúa Trời và dạy cho dân chúng đạo chân thật, tốt lành. Lúc đó, ngài mới ký nhận.
Ngày 12/6/1838, vua châu phê xử trảm Ngài và thày Chiểu. Lệnh ban ra và phải thi hành ngay. Nhưng do chưa chuẩn bị kịp nhất là bố trí cho dân chúng xem để họ sợ không dám theo đạo nữa nên mãi tới ngày 26/6/1838, lệnh mới được thi hành. Một số lính là người Công giáo phải đút lót để được cử vào khiêng cũi Ngài ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Ngài xin cho thày Chiểu được xử trước để có vinh dự được chứng kiến giờ phút anh hùng của học trò mình. Đầu thày Chiểu vừa rơi xuống, ngài đỡ lấy hôn ba lần (ảnh vẽ). Sau đó, đao phủ mới chém đầu ngài, buộc đá ném xuống sông. Dân chúng đã đưa thi hài đưa về an táng ở Bùi Chu cùng với thủ cấp khi được tìm thấy.