HẠNH PHÚC MUỘN MÀNG
“Tui chẳng còn nhớ mình bị mùa loà từ khi mô nữa. Chỉ nhớ mang máng là lúc lên 6, lên 7, khi mấy đứa bạn cùng trang lứa trong thôn một buổi cắp sách đến trường, một buổi theo những chiếc thuyền đánh cá lênh đênh trên biển, thì tui phải thui thủi một mình ở nhà. Cho dù tui cũng thèm được đi học lắm chứ, nhưng đành phải “lực bất tòng tâm”. Anh Lê Văn Mỵ đã mở đầu câu chuyện với tôi bằng những dòng tâm sự như vậy.
Bị mù rất nặng, tuy đôi mắt không nhìn thấy gì, nhưng Lê Văn Mỵ lại được ông trời cho một đôi tai rất thính, nên hầu như anh đều nghe và hiểu được những điều vui, buồn, sướng, khổ đang xẩy ra hàng ngày ở cái làng chài nhỏ ven biển Quảng Trạch này. Không đọc được sách báo, không đi chơi được xa, hàng ngày, Mỵ phải ngồi một chỗ, nên chiếc đài ra đi ô đã trở thành người bạn thân thiết, quý giá nhất đối với anh.Qua chiếc đài cũ kỹ này, Mỵ đã từng nghe tin dữ là tàu ngư dân vùng biển quê mình và nhiều vùng quê khác trên mọi miền đất nước nhiều lần bị bão đánh chìm, gây thiệt hại nặng nề về người và tàn sản. Anh hiểu thêm rằng, để có miếng cơm, manh áo hàng ngày, nhiều ngư dân quê anh phải bỏ cả mạng của mình trên biển do tàu thuyền của họ không được trang bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lực và cứu hộ, cứu nạn. Đã nhiều lần, Mỵ nghĩ đến việc lập một tổng đài tại nhà để liên lạc với các tàu, thuyền đánh cá, giúp ngư dân làng mình có thể thoát khỏi những hiểm hoạ từ những chuyến đi biển, nhưng vì không có vốn, vả lại phải còn lo chuyện gia đình nên dự định đành phải gác lại.
Không chỉ nghe và hiểu biết thêm những điều đang diễn ra trong cuộc sống, nhờ chiếc đài nhỏ này mà Mỵ còn biết “mù mờ” về cái gọi là khái niệm “tình yêu”. Nên mỗi lần nghĩ đến nó, Mỵ lại thấy lòng rạo rực, bồi hồi…Nhưng vì mặc cảm về hoàn cảnh của bản thân, nên khi các bạn đồng trang lứa trong thôn đều đã yên bề gia thất, Mỵ vẫn còn “thui thủi” một mình, anh chưa dám ngỏ lời cùng ai, tuy đã từng được nhiều người mai mối, giới thiệu. Thế rồi vì cảm mến đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của Mỵ và cảm thông với hoàn cảnh của anh, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hoa, người cùng thôn đã nhận lời lấy anh làm chồng.
Có vợ, có thêm mái ấm gia đình, nhiều lần Mỵ quyết tâm bắt tay vào xây dựng tổng đài như dự định, nhưng có 3 trong tổng số 5 đứa con của vợ chồng anh sinh ra mắt cũng bị mờ dần, nên làm cho anh phải phân tâm, lo lắng…
Thương chồng, thương con và thấu hiểu được ý tưởng của chồng sẽ giúp ích cho nhiều gia đình ngư dân, chị Hoa quyết tâm theo đuổi việc làm bánh tráng, bánh ướt chạy chợ, kiếm tiền để anh Mỵ yên tâm với dự định của mình…
“BIỂN GỌI, B40 TRẢ LỜI”
“Khi tui quyết định bắt tay vào thực hiện ý tưởng làm máy bộ đàm “Biển gọi, B40 trả lời” thu phát trên tần số B40, nhiều người trong thôn nói tui là đồ gàn, là không bình thường, vì thân mình chưa lo nổi mà lại dám đi lo chuyện của người khác. Vả lại lúc đó, trong tay vợ chồng tui không có đồng cắc nào, nên việc mua máy móc gặp rất nhiều khó khăn…”. Anh Mỵ bộc bạch.
Khi được người vợ động viên, anh Nguyễn Văn Mỵ đã đến Ngân hàng Chính sách huyện vay được 2 triệu đồng tiền ưu đãi thuộc đối tượng hộ nghèo và vay bà con, anh em trong thôn thêm được 5 triệu đồng để mua một chiếc máy bộ đàm cũ đem về.
Có trong tay chiếc máy bộ đàm hỏng nhiều chỗ, vốn có chút hiểu biết và “tài lẻ” về sửa chữa điện tử nhờ quá trình mày mò sửa đài lúc còn trẻ, ngày cũng như đêm, anh Mỵ đã mày mò, sửa chữa với quyết bằng mọi cách phải đưa tổng đài “Biển gọi, B40 trả lời” của mình đi vào hoạt động sớm nhất, nhằm giúp cho ngư dân trong thôn tránh được những tai ương trong mùa biển động.
Cuối cùng công sức của anh Mỵ cũng đã được đền đáp, máy bộ đàm thu phát trên tần số 40 của anh đã hoạt động và đã liên lạc được với nhiều tàu thuyền ngoài khơi. Hàng ngày, bên cạnh việc phụ giúp vợ con chuyện lặt vặt trong nhà, anh Nguyễn Văn Mỵ đều dành thời gian dõi theo các diễn biến của thời tiết để kịp thời thông tin cho các tàu, thuyền đánh cá trong khu vực máy bắt được liên lạc, để giúp họ có những biện pháp đối phó phù hợp, nhất là vào dịp mùa mưa bão. Các trường hợp khác, như trên tàu, thuyền hết nguyên, nhiên liệu, hay có người bị ốm nặng, cũng được anh Mỵ thông tin kịp thời, nên các hộ gia đình ở đất liền có nhiều ứng phó hợp lý, giúp giảm được những thiệt hại không cần thiết về người và tài sản.
Khi nghe tôi tò mò hỏi về các khoản chi phí mà các tàu, thuyền đánh cá phải trả cho dịch vụ này của mình, anh Mỵ không ngần ngại cho biết, vì bà con làm nghề đi biển ở Xuân Hoà còn nghèo, nên gần 10 năm nay, khi tổng đài “Biển gọi, B40 trả lời” đi vào hoạt động, anh cũng không đòi hỏi gì cả. Nhưng mỗi lần tàu, thuyền cập bến, bà con trong thôn đều vui mừng thông báo không có ai bị nạn cả, rồi họ lại mang đến cho vợ chồng anh vài ba cân hải sản để bán mua gạo sống qua ngày là điều mà vợ chồng anh cảm thấy vui và hạnh phúc lắm rồi.
Chia tay Lê Văn Mỵ, chia tay người đàn ông tật nguyền, mù loà nhưng có một trái tim nhân hậu, tôi vẫn nhớ mãi những âm thanh quen thuộc phát ra liên tục từ chiếc máy của anh: “Ai lô! Biển gọi, B40 trả lời…”…
Xin được thay cho lời kết bài viết này bằng một đoạn trong bức thư mà nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã gửi cho anh Nguyễn Văn Mỵ động viên và khen ngợi những việc làm của anh : “Một người không may bị mù từ nhỏ, gia đình lại rất nghèo khổ, đã có sáng kiến dùng máy bộ đàm để thông tin thời tiết, tình hình đánh cá và sức khoẻ ngư dân giữa các thuyền ngoài khơi và gia đình trong đất liền bằng những thông tin miễn phí…Việc làm của anh đã trở thành nhịp cầu nối giữa những người đi biển với nhau và những người trong đất liền, góp phần hạn chế rủi ro, tai hoạ, giúp cho đời sống và thu nhập của người dân làng chài được thay đổi từng ngày”