Gương điển hình

Người thanh niên Công giáo làm sống lại lò gốm cổ nghìn năm

Cập nhật lúc 22:32 20/04/2010

 

Nhiều  đồng nghiệp của tôi có chung một nhận xét, lao động báo chí thật thú vị và bất ngờ; chí ít đúng trong hoàn cảnh sau: Anh bạn tôi làm giáo viên Trường Cơ điện Tam Điệp- Ninh Bình vời bọn tôi về chơi. Tôi nhận lời tới nhà anh ta; cơm, trà xong nhìn đồng hồ đã quá hai mươi tư giờ đêm, câu chuyện vẫn còn đang hào hứng xoay quanh chuyện gốm cổ Việt Nam, anh bạn bỗng nói: Gần đây có giáo xứ Bạch Liên vừa khai quật lò gốm cổ có cả ngàn năm tuổi. Lên đường không, cậu học trò cũ của tôi đang nhen nhóm làng sống dậy làng nghề đó. Tôi và anh bạn lập tức lên đường… Một lần nữa lại gây bất ngờ với chính người trong cuộc, cậu học trò- chàng thanh niên Công giáo kia báo cáo với thầy anh ta và tôi: “Xứ đạo Bạch Bát nơi cội nguồn lò gốm Bát Tràng”. 
 
 
      Giáo xứ Bạch Bát- Phát Diệm nơi cội nguồn lò  gốm Bát Tràng:
      Người thanh niên vừa nói trên có tên Phêrô Phạm Văn Vang thuộc làng Bồ Bát hay có tên gọi khác là  Bạch Liên, giáo xứ Bạch Liên. “Giáo xứ Bạch Liên (tên cũ là Bạch Bát) thuộc xã Yên Thành- huyện Yên Mô, năm 1939: 1.695 giáo dân”- theo LM. Trương Bá Cần. Vang cho biết kĩ hơn:
Gia phả  một số dòng họ ở Bát Tràng như họ  Trịnh, Lê, Vương, Phạm, Nguyễn... ghi nhận rằng tổ  tiên xưa từ Bồ Bát di cư ra đây. Vào thời Hậu Lê và đầu thời Nguyễn, Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hoá Ngoại. Ngày nay, Bồ Xuyên và Bạch Bát là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, vùng này có loại đất sét trắng rất thích hợp với nghề làm gốm. Theo truyền thuyết và gia phả một số họ như họ Vũ ở Bồ Xuyên, ngày xưa cư dân Bồ Bát chuyên làm nghề gốm từ lâu đời. Điều này được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc tìm thấy nhiều nơi ở vùng này.
      Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Do nhu cầu phát triển của kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có làng Bát Tràng. Đặc biệt vùng này lại có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng). Những đợt di cư tiếp theo đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh- Trung Quốc.
      “Một số ý kến cho rằng làng gốm Bát Tràng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Không phải, đó là một làng gốm Việt tự chủ.”- Phạm Văn Vang- khẳng định: Đương nhiện có nhiều quan hệ giao lưu với gốm sứ Trung Quốc và có tiếp nhận một số ảnh hưởng tích cực của gốm sứ Trung Quốc; đó là tiếp thu, học hỏi chứ không phải nguồn gốc. 
      Người làm sống lại lò gốm cổ  nghìn năm:
      Lại nói về việc làm của cá nhân Phạm Văn Vang, hàng năm, các bậc ông bà, cha chú ngoài làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) về quê gỗ lễ, Vang xin ra học để về khôi phục làng nghề quê tổ, nhiều cụ nhiều chú dì cô bác vui đến rơi lệ… nhận Vang ra học. Học xong, Vang về mở xưởng, xới đất lên làm đồ “ngon” như chơi…! Năm 2008, Vang là người đầu tiên đã mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Rất nhiều người đã bất ngờ khi biết được chủ nhân của “thương hiệu” ấy, người đang nỗ lực khôi phục lại nghề gốm Bồ Bát là một “nghệ nhân” mới 28 tuổi.
      Trăn trở với câu hỏi chọn hướng đi nào cho nghề  gốm trong khi hầu hết các làng gốm trong nước đều đang sản xuất đồ gốm sứ gia dụng, anh Vang quyết  định đi theo con đường riêng, anh mở xưởng làm  đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật tại gia đình. Đó là kết quả sau quá trình tìm hiểu kinh nghiệm từ những “nghệ nhân” của làng và học hỏi kỹ thuật từ những làng gốm nổi tiếng khác. Những sản phẩm gốm anh làm ra giản dị, chân chất nhưng mang đậm nét truyền thống. Trên cơ sở hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những sản phẩm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng; tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật, được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu là vẽ bằng men màu.
      Nét  độc đáo và ấn tượng nhất ở những sản phẩm này là mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như tranh Đông Hồ, với những nét văn hóa vùng miền trong cả nước. Sản phẩm được bán với giá bình dân, vì vậy việc tiếp cận với khách hàng ngày càng được mở rộng. Vang cũng quan tâm tới thị hiếu trong giới sinh viên để làm các chữ hán đại loại như : Tâm, đức, nhẫn… và đỗ cao; mảng tranh và tượng đeo, thờ Công giáo cũng được Vang hết sức lưu tâm, thậm chí cả tượng Thánh Thiên thần làm đèn trang trí… (ảnh).
      Hiện nay, mỗi tháng anh xuất xưởng trên 2 vạn sản phẩm, tạo việc làm cho 17 lao động thường xuyên và 10 lao động lúc nông nhàn, với mức lương bình quân từ 1 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc tạo thêm thu nhập cho số lao động nông nhàn, anh Vang cho rằng đây là một việc làm ý nghĩa, thiết thực để lưu giữ, phát triển nét đẹp truyền thống văn hoá của quê hương.
      Vào thời điểm năm 2005, sản phẩm gốm của anh Vang chỉ  mới được tiêu thụ ở thị trường trong nước thì nay đã đáp ứng được nhu cầu thị  hiếu của các khách hàng khó tính trên thế giới như: Nhật, Mỹ, Thái Lan… Đặc biệt năm 2008, gốm Bồ Bát vinh dự có một gian hàng tại hội chợ triển lãm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và được Trung ương Hội Nông dân trao tặng huy chương vàng, nhiều năm liền anh Vang cũng được tỉnh tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi.
      Nếu như trước đây, người ta chỉ biết đến sản phẩm gốm Bát Tràng, Hương Canh ở Vĩnh Phúc, Luy Lâu ở Bắc Ninh… thì từ một vài năm gần đây tại các buổi triển lãm về văn hóa, hay trưng bày các sản phẩm truyền thống trong nước về mặt hàng gốm, người ta đã bắt đầu quan tâm và ghi nhận những giá trị của sản phẩm gốm Bồ Bát.
      
      Tuy vậy, trong quá trình khôi phục nghề gốm truyền thống Bồ Bát, anh Vang vẫn còn trăn trở: “Nếu chỉ dựa vào nỗ lực của từng cá nhân thì  sẽ khó có thể giải quyết một số bất cập, như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất chưa tương xứng… Thời gian tới, gốm Bồ Bát rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về thủ tục giấy tờ vay vốn và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ”.
      Thật trân trọng cách suy nghĩ, cách làm đột phá của một thanh niên giáo xứ Bạch Bát, hy vọng anh sẽ  vực dậy một làng gốm cổ ngàn năm đã bị  lãng quên!
Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
Hơn cả tình anh em ruột thịt (03/04/2010)
ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO TỈNH HẬU GIANG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC (29/03/2010)
Bếp ăn tình thương cần sự giúp đỡ của mọi người (26/03/2010)
Người Công giáo huyện Lương Tài “kính Chúa yêu nước” (23/03/2010)
Trung Lao- xứ đạo hơn 400 năm đón nhận ánh sáng tin mừng (19/03/2010)
Một giáo dân bỏ tiền tỉ đi xây mộ người dưng (19/03/2010)
Về xứ đạo Đồng Bào (11/03/2010)
Giáo xứ Thổ Hoàng với chương trình 'Bát gạo tình thương' (27/02/2010)
Tốt đời đẹp đạo ở Kiện Khê (05/02/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log