Nằm bên bờ sông Hậu hiền hoà, người dân tỉnh Hậu Giang nói chung và đồng bào Công giáo nơi đây nói riêng đã gắn bó từ lâu đời với môi trường sông nước, với phù xa bồi đắp quanh năm, hăng say lao động để Hậu Giang ngày nay đang chuyển mình đi lên cùng những đổi thay của đất nước vì mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
Hiện toàn tỉnh có 45.365 người dân Công giáo sống rải rác ở 7 huyện, thị và sinh hoạt đạo trong 26 nhà thờ, 2 nhà nguyện dưới sự coi sóc của 36 linh mục và 60 tu sĩ. Với tinh thần kính Chúa- yêu nước, người Công giáo Hậu Giang đã và đang đồng hành cùng dân tộc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc…
Tận dụng lợi thế của vùng sông nước được phù xa bồi đắp quanh năm, người dân Hậu Giang đã thực hiện chuyên canh cây lúa, hầu hết tại các giáo xứ họ đạo, tuy giá lúa còn thấp nhưng bà con phấn khởi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân được mùa đạt từ 7-8 tấn/ha. Đặc biệt, ở thị trấn Trà Lồng, huyện Long Phú, đồng bào Công giáo đã sử dụng giống kháng rầy của ông Nguyễn Văn Mây (tức Chín Mây) đạt năng suất 8-10 tấn/ha. Để tăng thêm thu nhập, nhiều nơi bà con giáo dân được các vị linh mục hướng dẫn khai thác diện tích ao mương, đầu tư nuôi cá rô đồng, nuôi cá giống đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, một số vị linh mục còn tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi thuỷ sản có nguồn thu nhằm tu sửa, xây dựng nhà thờ, giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu cho hoạt động này có thể kể đến công sức của các vị linh mục Nguyễn Công Lập (chánh sở họ đạo Phụng Tường), linh mục Nguyễn Văn Khảo (chánh sở họ đạo Cái Nhum), linh mục Liêm (họ đạo Vinh Phát)…
Đi cùng với việc phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, đồng bào công giáo luôn ghi nhớ lời dạy “yêu tha nhân như chính mình” của Đức Kitô, luôn ý thức được vai trò của mình đối với cộng đồng xã hội. Tại các họ đạo Trà Lồng, Vị Thanh, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Lương Hiệp, Tân Phú, Thái Hải, Cái Tắc, bà con giáo dân đã có nhiều việc làm thiết thực trong phong trào “nắm gạo tình thương” thu được gần 18 tấn gạo, kết quả cuộc vận động “ngày vì người nghèo” xây dựng được 60 căn nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào lũ lụt, chăm sóc người già neo đơn… tổng số tiền cho các hoạt động từ thiện bác ái trong thời gian qua lên tới hơn 800 triệu đồng.
Nhân dịp tết nguyên đán, các linh mục chánh sở đã vận động quyên góp giúp đỡ “tết cho người nghèo” gần 15 tấn gạo, hơn 3000 phần quà trị giá 100.000đ/phần. Nhiều họ đạo đã mời các y bác sĩ đến khám và phát thuốc miễn phí cho 2.630 lượt người nghèo không phân biệt lương, giáo. Số tiền chi cho hoạt động này là 30.500.000đ. Ngoài ra, ở họ đạo Cái Tắc, Tân Phú còn có phòng khám và cấp thuốc miễn phí hàng tuần chăm sóc sức khoẻ giúp đồng bào nơi đây. Có thể nói, điều này không chỉ mang lại ý nghĩa thiết thực về mặt vật chất mà còn khẳng định sự đoàn kết tôn giáo, thúc đẩy hơn nữa thế mạnh của người Công giáo trong hoạt động từ thiện- bác ái.
Xây dựng và bồi dưỡng thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được các linh mục chánh sở và nữ tu thuộc nhiều hội dòng đã quyên góp ủng hộ gần 1000 xuất học bổng, động viên các gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa- nơi mà điều kiện sinh hoạt, điều kiện thông tin còn gặp nhiều khó khăn, cần nhiều tấm lòng nhân ái, chia sẻ, giúp đỡ hơn nữa.
Bức tranh hoạt động của đồng bào Công giáo tỉnh Hậu Giang sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của bà con nơi đây trong công tác tham gia xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Tại họ đạo Trà Lồng, Vị Tín, Bảy Ngàn, Thái Hải… trong nhiều buổi thánh lễ, các vị linh mục vẫn thường đan xen nội dung nhắc nhở giáo dân thực hiện chủ trương 3 không: “Không tội phạm, không ma tuý, không mại dâm”. Bởi vậy, cuối năm 2009 vừa qua, đã có nhiều xứ, họ đạo được nhận danh hiệu Xứ đạo bình yên, nhiều gia đình người Công giáo được nhận danh hiệu là gia đình văn hoá.
Mặc dù địa bàn rộng lớn, đồng bào Công giáo chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn… nhưng với sự quan tâm, hướng dẫn của Uỷ ban MTTQVN và Uỷ ban ĐKCGVN tỉnh Hậu Giang cùng sự quyết tâm của bà con nơi đây, cuộc sống của đồng bào Công giáo Hậu Giang đang từng bước đổi mới, người Công giáo Hậu Giang đang thực sự đồng hành cùng nhân dân cả nước để chào mừng Đại hội Đảng các cấp lần thứ XI, chào mừng năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam và hướng về đại lễ kỷ niệm Thăng Long 1000 năm tuổi.